Rừng soi mặt ở U Minh

04:12, 17/12/2012
.

Khu rừng trên mặt đất um tùm rậm rạp nhưng làm sao đa diện bằng khu rừng được soi gương mấy chiều.
 

Dọc từ Bắc vào Nam có không biết bao cánh rừng đã in đầy dấu chân của con người từ buổi hồng hoang đi mở cõi. Và cũng rất nhiều cánh rừng in dấu chân người đã lần lượt bị ngã xuống để nhường chỗ cho quá trình quần cư của lớp người đang dần tăng lên một cách chóng mặt. Giữa thời buổi nhiều thứ đang bị chảy máu thì việc kiếm được một khu rừng không in bóng dấu chân người quả thực là khó. Khu rừng ấy lại còn soi rõ được gương mặt thì càng hiếm hơn. Nhưng nếu chịu được khổ, chịu được những mối hiểm nguy thường trực không bao giờ lường hết thì việc ngồi trên thuyền trôi theo dòng nước về với cánh rừng U Minh đã coi như đạt được phân nửa tiêu chuẩn đề ra.

Rừng U Minh thì rộng lớn lắm. Tôi biết điều này khi còn là một cậu bé khi xem vài bộ phim nói về cuộc sống của con người trên đất phương Nam và lúc phải từ bỏ ý định viển vông đi hết rừng U Minh trong vòng một ngày ngắn ngủi. Tính tới tính lui, nghe lời góp ý của bạn bè và người dân bản địa cuối cùng tôi cũng lựa chọn một nửa hành trình đi vào vạt rừng U Minh Thượng thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang.

Đúng như dự đoán ban đầu, cánh rừng U Minh Thượng hiện ra vẻ đẹp bí ẩn ở mỗi cảnh trí nó sở hữu. Ấn tượng nhất là phải kể đến sự chuyển màu của dòng nước mỗi khi tiếng động cơ của chiếc ghe vỏ lãi lướt nhanh trên mặt. Chiếc vỏ lãi đi đến đâu thì mặt nước gợn đỏ lên đến đó như xới tung từng lớp vỏ thực vật còn đang ẩn mình dưới làn nước phô bày lên bề mặt.

 


Không cần bất cứ hướng dẫn viên du lịch nào, con kênh trong rừng U Minh Thượng tự mình giới thiệu lược sử của dòng nước. Nó được tạo nên bởi mỗi mùa lá tràm rụng, tích tụ lại thành tầng, thành lớp dưới lòng sông, thay phiên nhau phôi ra thứ diệp lục làm dòng nước đỏ au một cách tự nhiên chứ không vẩn lên đục ngầu như những con sông nặng màu phù sa. Lá tràm đã tạo cho những con kênh, rạch chằng chịt trong khu rừng U Minh Thượng một thứ nước kì diệu để bao đời cha truyền con nối đều lặn ngụp dưới làn nước. Da chạm vào đến đâu những vết muỗi rừng, côn trùng cắn đang còn sưng tấy đều lành lại, xương cốt đau nhức mà ngâm mình ở chỗ nước nâu đậm thì lại khỏe văm văm trèo thuyền đi thả ló. Giữa chốn mênh mông tầm mắt tưởng chừng như rừng thiêng nước độc, thiên nhiên lại hữu hảo và bảo vệ những lớp người sống trong đó bằng thứ lá cây rất đỗi thân quen.

Không phải khu rừng nào cũng hiền hòa như thế. Kênh rạch ở rừng U Minh Thượng nho nhỏ những lối rẽ đan vào nhau. Chính vì thế những chiếc thuyền vỏ lãi - loại ghe nhỏ độc mộc thon dài rất phù hợp với địa hình nơi đây. Mũi thuyền thon gọn dễ dàng lách vào bất cứ đám lau sậy um tùm nhất, luồn sắc lẹm vào những khu rừng tràm mới hồi sinh sau đợt cháy cách đây cũng đã gần chục năm. Mới đầu khi bước xuống vỏ lãi, chân chùng chình chưa quen thì lo sợ té nhào xuống nước nhưng đi được một đoạn nhỏ thì vỏ lãi gắn động cơ lướt mướt trên mặt nước rất dễ mê hoặc. Nếu như xe máy là phương tiện hữu ích nhất trên đường bộ thì ở vạt rừng U Minh Thượng nhìn những chiếc vỏ lãi qua lại cũng làm cho ta bớt cảm giác đang ở giữa nơi xa lạ có phần rợn ngợp.

Nghe anh lái vỏ lãi kể, ngày trước khi chưa có động cơ đuôi tôm người lái vỏ mỗi lần đi dọc con kênh ở rừng mất rất nhiều thời gian chứ không nhanh chóng như bây giờ. Cây cối ở vùng này lại rậm rạp, lau sậy mọc thành cụm thành bờ nên lấy sào mà đẩy đi rất khó khăn vất vả, lại vướng víu nữa nên giờ cũng ít người dùng thuyền truyền thống. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Ngày trước khi chưa có tiếng động cơ, xuôi theo dòng nước nhìn sang hai bên bờ có thể dễ dàng bắt gặp những đàn khỉ sống thành bầy trên các lùm cây. Chúng chuyền cành mau lẹ, nghịch ngợm trêu ghẹo người trên thuyền mà không hề tỏ ra sợ sệt. Giờ thì tiếng súng vang lên trong các cánh rừng không hề có dấu hiệu giảm, tiếng động của vỏ lãi gắn máy khiến chúng mới nghe vẳng phía đằng xa bỏ chạy mất. Tôi vẫn tiếc ngẩn ngơ khi chưa có dịp nhìn thấy bất cứ chú khỉ nào chuyền cành ở hai bên bờ dù ở đây có tận bốn đàn khỉ lớn sinh sống. Thật là không may chút nào.

Xuôi theo dòng kênh lớn, vỏ lãi của chúng tôi bắt đầu hành trình rẽ vào các rạch nhỏ hai bên bờ. Lúc đi ở bên ngoài nhìn rừng tràm mọc hai bên chưa thấy được nét đặc trưng lắm nhưng khi luồn sâu vào chính giữa gốc tràm thì mới hiểu tại sao tràm ở rừng U Minh lại làm háo hức bất cứ ai dù mới chỉ nghe đồn thổi. Những gốc tràm nguyên sinh để lộ ra một bộ rễ đáng kinh ngạc. Rễ tràm mọc thành chùm mảnh mai cắm sâu xuống lòng bùn rất vững chãi rồi nâng cả thân cành xum xê lá vươn mình lên cao.

Nhưng điều mà mọi người thích thú với tràm là chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp gần như đầy đủ vẻ đặc sắc của thảm động – thực vật thủy sinh rừng úng ngập. Ở dưới gốc thì ta có thể thấy những chú ốc đá bám thành bờ ăn rêu trên rễ, cua đỏ bò lổn ngổn không theo trật tự nào cả. Rồi rất nhiều cá bơi lội ở sát mặt nước mà tưởng như thò tay xuống là vợt được cá đưa lên không tốn chút khó nhọc nào. Thiên nhiên và con người chỉ cách nhau mỏng manh bằng lớp nước mùa đỏ loang loáng.

Ở dưới là vậy, còn trên cao thì là nơi trú ngụ ở ong, chim, sóc… Ong ở rừng U Minh xưa nay nổi tiếng vì cho ra thứ mật ngọt ngào, sóng sánh như keo thơm mùi hương tràm, để lâu không bị đóng đường như các loại mật ong xứ khác. Thứ mật tự nhiên một trăm phần trăm hẳn là thứ quý giá, không quý giá thì đã không khiến nhiều lớp trai tráng thế kỉ trước phải hi sinh tuổi trẻ để dấn thân vào đây chịu nhiều đớn đau của nọc ong rừng đến vậy. Nhưng nhìn cánh tay chi chít những vết sẹo thâm tròn của người lái vỏ lãi ngày hôm nay tôi lại tự hỏi liệu ngoài lý do về kinh tế phải chăng đây cũng là một nghi thức đánh dấu quá trình trưởng thành của người đàn ông chốn rừng nước này. Dù đó là gì thì nó cũng thật mạo hiểm.

Ong thì quá độc và không nằm trong tầm kiểm soát an toàn mà tôi có thể ở lâu khám phá thêm được nên chúng tôi lại nhanh chóng lách đến con lạch nhỏ bên cạnh trăng trắng những cánh chim. Giống như đàn khỉ mặc dù đã được cảnh báo là chúng sẽ bay toán loạn khi thấy bóng dáng con người đến nhưng tôi vẫn muốn tiến vào để tận mắt thấy những chú chim rừng ngập mặn thường xuất hiện trên loạt kí sự truyền hình. Tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim, tiếng ong bay vo ve đã tạo nên mảng động thanh mảnh cho khu rừng có quá nhiều nét hình khối khó tìm thấy trong bất cứ cuốn catalo nào. Ngồi thảnh thơi nghịch nước bên thành vỏ lãi, ngắm từng đàn chim kéo nhau trở về đậu trên cành tràm. Giống cảnh điền viên thôn dã quá chứ chẳng còn là chốn rừng lầy.

Cách đây mấy mươi năm, cánh rừng U Minh vẫn giữ nét nguyên bản như buổi đầu con người tìm đến khai phá. Sông nước mênh mông, sản vật phong phú, đất đai phì nhiêu đến độ chỉ cần con dao cùn và mảnh đá lửa là có thể nuôi sống cả gia đình vượt qua cơn khốn khó. Chính sự hào phóng nơi thiên nhiên, cùng lòng phơi phới sống của con người không bị rằng buộc bởi lễ giáo đã góp phần tạo nên văn hóa rất riêng cho vùng đất này. Họ ăn tất cả những gì thuộc về rừng, về nước và giản tiện nhất có thể trong nấu nướng để phù hợp với địa hình nơi đây. Không phải ngẫu nhiên mà họ đã tạo nên phong cách nướng cá lóc xiên que đốt rơm, gà, vịt trát bùn non nướng trui thơm phưng phức mà không có lý do.

Với người sống ở rừng mặn, nước lợ bao bọc khắp nơi thì nước ngọt luôn được trân trọng và nâng niu. Họ luôn cố giữ lại tỷ lệ nước nhiều nhất có thể trong đồ ăn và phương pháp nướng, cách thủy đã giúp cho họ không phải dùng quá nhiều nước phèn mặn trong đun nấu. Sáng tạo trong việc sinh tồn đã giúp cho thế hệ cháu con của họ thừa hưởng lối nấu nướng mới. Nhìn hàng quán ẩm thực chạy dọc trên con đường trước khi vào cửa rừng cũng đủ biết di sản giản đơn họ để lại có giá trị nhường nào.

Càng xuôi dòng nước, càng trò chuyện nhiều hơn với người bạn bản xứ tôi không muốn đúc khuôn anh ta với ai mà tôi từng biết nhưng cách anh ta cười hào sảng hồn hậu, nói năm câu thì ba câu trong đó phải là lời bông đùa tếu táo thì tôi đoán chắc ai cũng nghĩ như tôi. Đúng là những người ở đây phần lớn là thất học hoặc trình độ rất thấp nhưng không vì thế mà cách trò chuyện của họ có vấn đề như nhiều người có học mà lộn xộn, sáo rỗng…

Lúc mới đến U Minh Thượng thì vẻ hoang vắng của rừng khiến ta thư thái dễ chịu nhưng khi đi giữa chốn mênh mông thì cảm giác có tiếng người sẽ làm ta vỡ òa khi gặp lại câu vọng cổ đổ dài trên sông. Rừng đẹp và rợn ngợp thì có thể gặp ở nhiều nơi nhưng gặp được một khu rừng mà mỗi người lái vỏ đều biết hát câu ca yêu thương quê hương, đất nước thì không dễ tìm. Tôi đi và cũng yêu những mảnh đất, con người từng gặp mặt đơn giản cũng chỉ từ những thứ như thế.

Một ngày ở rừng U Minh Thượng cũng sắp đến lúc kết thúc. Có vẻ như tôi vẫn chưa thu được cho mình nhiều thứ như kế hoạch ban đầu dự định. Nhưng biết làm sao được khi thời gian không cho phép tôi dạo chơi lâu trong khi theo như lời anh lái vỏ thì để thực sự hiểu được về khu rừng này tôi cần phải bỏ ra ít nhất là một tháng trời. Một ngày dạo chơi trên mặt nước thế này cũng chỉ được coi là đã đến để biết thế nào là rừng U Minh chứ không thấm tháp vào đâu. Ra về mà lòng thấp thỏm là tôi biết mình sẽ phải quay lại nơi này, xuôi dòng nước đi tận đến xứ Cà Mau.

 

Theo Đất Việt


CÁC TIN KHÁC
.