Bánh tráng Phú Châu

03:07, 27/07/2012
.

(QNg)- Thôn Phú Châu thuộc xã Hành Đức (Nghĩa Hành), một huyện nằm ở vùng trung du tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 2012 toàn thôn có gần 250 hộ, trên một nghìn nhân khẩu; chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước kết hợp với một số nghề thủ công như đan lát, chẻ đá, nề, mộc... Khoảng gần 20 năm trở lại đây, làm bánh tráng trở thành nghề phụ đáng chú ý mang lại thu nhập tương đối khá cho nhiều hộ gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

TIN LIÊN QUAN


Bánh tráng vừa là món ăn vừa là nguyên liệu, phụ liệu để chế biến món ăn của người Quảng Ngãi, từ bữa cơm bình dân đạm bạc đến các tiệc cưới, giỗ chạp, giao đãi bạn bè; từ các quán nhỏ nhà quê đến những nhà hàng sang trọng... Đĩa bánh tráng cuốn dành riêng cho mỗi người điểm tâm buổi sáng; kẹp bánh tráng đập (bánh rập, bánh ướt ráo) thì nhiều người cùng ăn vào nửa buổi sáng hoặc xế buổi trưa. Bánh tráng mỏng dùng gói ram bắp, ram cuốn nhân thịt, nhân tôm. Bánh tráng dày, có khi rắc ít mè, nướng phồng xúc ruột hến xào hành, cá thài bai chiên trứng hoặc cho vào tô bún, tô cháo cho thêm ngon miệng…

Phơi bánh.
Phơi bánh.


Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng gia tiên ở khắp mọi miền quê Quảng Ngãi bao giờ cũng có những chiếc bánh tráng tròn trịa, nướng phồng xinh xắn gác lên trên. Khi đem mâm cỗ xuống bàn mời nhau hưởng lộc ông bà, sau ly rượu nhỏ bao giờ gia chủ cũng bẻ bánh tráng mời khách trước khi dùng các món khác và xem đây là một nghi thức bắt buộc.

Bánh tráng được làm ra ở Phú Châu cũng chẳng có gì khác so với các vùng khác ở Quảng Ngãi. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch; chất đốt thì tận dụng bã trấu. "Bộ đồ nghề" là chiếc nồi đồng bảy, cối xay đá để xay gạo thành bột lỏng, thêm vài chiếc xoong đựng bột, chiếc gáo tráng bột, đôi đũa mỏng vớt bánh tráng và những phên liếp bằng tre đan thưa để phơi bánh tráng ngoài ánh nắng trời.

Vốn liếng sắm sanh bấy nhiêu thứ đó theo thời giá hiện nay (2012) chưa quá 3 triệu đồng. Bánh tráng làm ra có thể bán tại lò, bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng; bán một đôi chục cho các cụ bà bán quán nhỏ nhà quê hoặc đem ra chợ bán. Vì thế, ở Quảng Ngãi, bánh tráng là món hàng thủ công không bao giờ ế. Thậm chí với những người mới tập nghề, những mẻ bánh đầu tiên không đều, không đẹp thì để lại mà dùng trong gia đình, chẳng mất mát đi đâu. Một lò bánh chỉ cần 2 lao động.

Người thợ chính ngồi bên lò, chuyển bột (còn đặc) từ xoong lớn sang một chiếc chậu hoặc xoong nhỏ, châm thêm nước lã cho vừa rồi dùng một chiếc gáo nhỏ đưa một ít bột nhuyễn lên mặt vải nồi hơi. Lại dùng trôn chiếc gáo quậy đều bột thành hình tròn chiếc bánh, xong đậy vung lại chờ hơi nước từ nồi hơi xông lên làm cho bánh chín. Trong khi đợi bánh chín thì quay sang làm bột cho thêm chất đốt (trấu) vào lò. Bánh chín, người thợ cất nắp vung, dùng một đôi que tre mỏng lồng phía dưới chiếc bánh ướt, gấp đôi lại, đưa ra liếp rồi lật chiếc bánh trở về hình tròn nguyên vẹn. Người thợ phụ (có thể là trẻ con, người cao tuổi) dùng tay sửa sang lại chiếc bánh cho thật đều và khi bánh đã trải đầy liếp thì mang ra phơi.

Trừ số ít lò có giàn sấy, hầu hết các lò bánh tráng chỉ tráng bánh vào những ngày nắng, từ sáng đến quá trưa. Đầu buổi sáng là thời gian xay bột. Buổi chiều người ra lấy bánh từ liếp phơi xếp lại thành từng chồng (thường là 50 hoặc 100 chiếc) buộc lại và đưa đi bán.


Lê Hồng Khánh  
 


CÁC TIN KHÁC
.