Ấn tượng Gia Lai

01:12, 21/12/2011
.

(QNĐT)- Nói tới Gia Lai, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió, bạt ngàn đồi rừng cà phê, cao su, vị thơm cay của hồ tiêu cùng vẻ đẹp đến nao lòng của loài hoa vàng rực mang tên Dã Quỳ. Nơi có nhiều danh thắng và di tích lịch sử nổi tiếng và còn rất nhiều điều thú vị và bất ngờ với ai đang ấp ủ dự định tới vùng đất này.

Trong khuôn khổ Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức trong 2 ngày (3-4/12) vừa qua tại Gia Lai, được gặp gỡ, giao lưu với Công ty Cao su Chư Prông, Binh Đoàn 15; thăm mô hình xây dựng nông thôn mới ở làng Ongol, tham quan khu du lịch Đồng Xanh… đã mang lại cho chúng tôi nhiều bất ngờ và thú vị.

Tôi rất ấn tượng khi đến thăm Binh Đoàn 15- đơn vị có nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đứng chân trên dọc tuyến biên giới 3 tỉnh Gia Lai, Kom Tum và Quảng Bình, có đường biên giới tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia, Binh Đoàn đóng quân đan xen với 148 thôn, làng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Suốt hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị thành viên đã kiên trì bám trụ, gắn bó, thắt chặt tình đoàn kết với đồng bào các dân tộc thiểu số, các già làng để cùng xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng, bảo vệ vững chắc đường biên giới.

Binh đoàn như một xã hội thu nhỏ, với 30 cơ quan, đơn vị trực thuộc, lực lượng lao động khoảng 2 vạn người, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tới 38%.
 
aa
Lãnh đạo 19 báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên chụp hình lưu niệm cùng Tư lệnh Binh đoàn Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang.

Những con số quả là ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 25%, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/người/tháng. Binh đoàn sở hữu 35.000 ha cao su, 710 ha cà phê, 90 ha lúa nước, 5 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, 1 nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh. Đặc biệt Binh đoàn có Bệnh viện khu vực, Trường Trung cấp nghề và hệ thống trường mầm non từ Binh đoàn đến các Đội sản xuất, với 10 điểm trường nuôi dạy hơn 5.000 cháu.

Ngay từ khi thành lập, Binh đoàn đã xác định phương châm: Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng. Nhân rộng mô hình “Gắn kết hộ”- Như cây một gốc, như con một nhà. Nghĩa là hộ công nhân lao động người Kinh gắn với hộ công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đến nay, 100% đội sản xuất đã kết nghĩa với 148 thôn, làng; trên 4.000 hộ gia đình công nhân người Kinh gắn kết với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số địa phương để cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị. “Đây là một hình thức dân vận rất sáng tạo, rất mới, phù hợp với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Minh chứng hiệu quả của mô hình là qua hai vụ gây rối ở Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và 4/2004, không có hộ dân nào nơi có đơn vị của Binh đoàn đóng quân tham gia”- Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15 khoe với chúng tôi.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ thêm, sắp tới mô hình “Gắn kết hộ” sẽ được binh đoàn nghiên cứu vận dụng ở cả hai địa bàn nước bạn Lào và Campuchia, nơi binh đoàn đang hợp tác đầu tư trồng cây cao su, góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt với hai nước này.

Con số vô cùng ấn tượng, càng thôi thúc chúng tôi đến thăm Công ty Cao su Chư Prông. Tổng sản lượng khai thác của công ty mỗi năm bình quân hơn 7.000 tấn, tổng doanh thu 230 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt hơn 41,3 và thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên lên tới 8,4 triệu đồng/tháng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà công ty còn đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Nếu người dân Tây Nguyên tự hào về những sản phẩm của mình tạo nên tiềm lực kinh tế hùng hậu cho đất nước thì Binh Đoàn 15 và Công ty Cao su Chư Prông cũng tự hào vì mình góp phần công sức đáng kể vào thành công đó.

Chúng tôi rất bất ngờ và nể phục khi mắt thấy tai nghe về sức mạnh cộng đồng nơi làng Ongol- làng văn hóa kiểu mẫu cấp tỉnh, xã Ia Vê, huyện Chư Prông. Đường làng được trải nhựa thẳng tắp do chính nhân dân bỏ công sức và tiền bạc. Nhà cửa khang trang, thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/năm- con số mà nhiều làng người Kinh chưa đạt được, huống chi làng Ongol có tới 90% đồng bào dân tộc thiểu số.
 
 
aa
Trước cổng mỗi ngôi nhà của bà con đều có câu khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.


Điềugì đã làm nên thành công này? Đó chính là phát huy sức mạnh cộng đồng từ một chính sách đúng đắn và hiệu quả.

Cũng như ba dân tộc thiểu số khác, trước đây do phong tục tập quán nên không dễ dàng để bà con dân tộc thiểu số ở đây chuyển từ du canh, du cư sang định canh định cư, từ quảng canh sang thâm canh. Ngoài công tác tuyên truyền vận động, Gia Lai đã vận dụng một chính sách hết sức mềm dẻo và mang lại lợi ích thực sự cho người dân. Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan đóng trên địa bàn cùng tham gia xây dựng phương án chăm lo đời sống tại chỗ cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số .
 
Với phương châm doanh nghiệp và nhân dân cùng làm, doanh nghiệp có của, dân có công để triển khai việc mở rộng diện tích trồng cà phê, cao su và hồ tiêu. Các doanh nghiệp luôn ưu ái sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ khi sản xuất tại địa phương đó. Nhờ chính sách này mà người dân làng Ongol hiện sở hữu gần 140 ha cây trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước…

Qua câu chuyện của làng Ongol, tôi khám phá ra điều thú vị trước cổng mỗi ngôi nhà của bà con đều có câu khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bên cạnh sự hấp dẫn của thiên nhiên hùng vĩ, sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp “không khói”, ở Gia Lai còn có nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là Jarai và Banah. Điều đáng nói là bản sắc bản địa ở đây được duy trì và giữ gìn một cách trân trọng và không mang tính hình thức. Nền văn hóa ấy luôn được bảo tồn và phát huy, thể hiện qua việc duy trì kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ...

 
AA
 

Tại Công viên Đồng Xanh cách thành phố Pleiku khoảng 4 km, chúng tôi được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo, được tham quan mô hình nhà rông, các dụng cụ sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Điều hấp dẫn nhất là ở đây trưng bày cây cổ thụ hóa thạch lớn nhất Việt Nam được xác định là có tuổi thọ hàng triệu năm tuổi. Khu văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Chùa Một Cột- “Tây Thiên Nhất Trụ”.
 
Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình. Bên trong, du khách sẽ bắt gặp một hệ thống nhà nghỉ, khu vườn với rất nhiều chim muôn muôn thú như: đà điểu, nai, beo, gấu, cá sấu... Các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này. Song song với tham quan khách có thể mua sắm nhiều thứ văn hóa phẩm hoặc thưởng thức ẩm thực đặc trưng của vùng miền.

Chưa đi được nhiều, nhưng những gì “mắt thấy, tai nghe” đã giúp tôi hình dung ra bước đi trong phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững ở Gia Lai.
 

Ái Kiều

 

CÁC TIN KHÁC
.