Về thăm Đài Tiếng nói Nam Bộ

10:06, 13/06/2011
.

(QNg)- Tháng 6 năm 1946, đồng chí Phạm Văn Đồng đã quyết định thành lập đài phát thanh đầu tiên tại đình Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), để phục vụ công tác kháng chiến. Mặc dù chỉ hoạt động khoảng 6 tháng, nhưng Đài Tiếng nói Nam Bộ đã nhận được sự đùm bọc che chở của nhân dân. 

Theo giới thiệu của cán bộ UBND xã Tịnh Hà, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Ngoan - một trong những người đi tìm địa điểm đặt Đài đồng thời cũng là người gắn bó với Đài từ những ngày đầu tiên Đài được đặt ở đây.
 
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ.
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ.

Vừa dẫn chúng tôi đi xem di tích, ông Ngoan vừa cho biết: Vị trí đặt đài đối mặt với sông Trà, lại nằm cạnh cầu sắt Trường Xuân, nên dễ dàng cho việc thoát hiểm, vận chuyển máy móc, tài liệu. Hơn nữa, khi đó vùng đất này xa khu dân cư, lại rất hoang vu, đầy lau sậy và mía. Chính vì vậy mà mới đầu không ai biết ở trong thôn có đài phát sóng, nhưng sau khi biết rồi, bà con lại tận tình đưa ghe, đò tham gia chở máy móc, hỗ trợ lương thực, thực phẩm phục vụ hoạt động của đài. Vậy mà bây giờ, vùng lau sậy ngày ấy đã trở thành khu dân cư đông đúc và rất trù phú - ông Ngoan khoe.

Ông Nguyễn Đức Ánh - Bí thư chi bộ thôn Thọ Lộc cho biết: Đối với người dân Thọ Lộc Tây thì ký ức về Đài Tiếng nói Nam Bộ là ngôi đình mà trên những ngọn cây bàng là những ăng ten máy móc, nhưng âm thanh lại phát từ phía xóm gò cách đình làng khoảng 500m. Sau khu đài di dời được 3 tháng, thì vị trí của đài mới bị địch phát hiện và bị ném bom, làm nhiều người dân thiệt mạng, còn ngôi đình thì bị phá hủy. Hòa bình lập lại, người dân trở về khu vực quanh di tích lập nghiệp. Từ mảnh đất này, nhiều người con trong thôn đã học hành đỗ đạt, trưởng thành và trở thành tấm gương cho lớp trẻ.

Đặc biệt là năm 1994, Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ được Đảng và Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tịnh Hà, nhân dân thôn Thọ Lộc. Để phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hằng năm xã đều tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên trong xã hiểu được giá trị lịch sử - văn hóa của di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ, để người dân khắc ghi, giữ gìn, bảo vệ.

Tuy nhiên kể từ ngày di tích được phục dựng năm 1994, sửa chữa nâng cấp năm 2005, một số hạng mục đang có dấu hiệu hư hỏng. Nhiều cột bằng inoc xung quanh di tích đã và đang bị gãy ngã. Cổng đình làng đổ nát, cây cối mọc um tùm và có dấu hiệu sắp sụp đổ. Thiết nghĩ, đây là một di tích có ý nghĩa lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và thường được du khách trong và ngoài nước đến thăm, cần được xã và huyện Sơn Tịnh chú ý duy tu, bảo dưỡng.

Bài, ảnh: Hương Minh

CÁC TIN KHÁC
.