Nghề nấu đường thủ công: Khắc khoải những nỗi niềm

10:07, 30/07/2010
.

(QNĐT) - Trước thực trạng nguồn nguyên liệu thiếu trước hụt sau diễn ra trong nhiều năm liền khiến một nhà máy đường sẽ phải ra đi, nhưng có người vẫn duy trì  lò nấu đường truyền thống không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì muốn gìn giữ cái nghề mà bao đời cha ông đã gắn bó.

Giữ nghề truyền thống

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các lò nấu đường thủ công là tài sản, cơ ngơi của nhiều người. Nhưng rồi cây mía qua thời hoàng kim, những cái lò đường cũng đồng loạt "giải thể".

Ngày nay, hình ảnh đạp mía đã đi vào quên lãng trong kí ức của nhiều người nhưng vẫn còn nguyên vẹn đối với người dân ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn). Khắp xóm ngan ngát mùi đường chín vì nơi đây vẫn còn hai lò đường thủ công thường xuyên hoạt động mỗi khi có nguyên liệu. 
 
Cho mía vào che
Cho mía vào che.
 
 
Tại lò đường của anh Trịnh Huệ, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh người làm công hối hả cho mía vào che, đốt lò, đảo mật. Mọi công đoạn vẫn như truyền thống chỉ khác ở chỗ hai chú bò kéo hai càng gỗ kéo hệ thống bánh răng đi lòng vòng đã được thay thế bằng máy nổ. 
 
Một người đảm nhiệm công việc vác mía và xát mía, một người cho mía vào che và người đối diện tiếp mía. Sau khi cây mía chảy nước xuống đầy cái xô để sẵn, thì một người thay cái xô khác và bưng xô nước mía đó lại đổ vào 5 cái chảo gang đang rừng rực lửa. Hai người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc nấu đường. Công việc tuy nhẹ nhàng hơn trước, nhưng đây vẫn được xem là nghề vất vả trong các nghề.

Dừng tay sau một hồi đảo năm nồi nước đường, anh Huệ bộc bạch: "Mình theo nghề này đã gần 20 năm. Ông nội và bố cũng làm nghề này. Làm nghề này vất vả lắm nhưng mình vẫn muốn làm đến khi không còn đủ sức. Hiện nay, mỗi khi thu mua được nguyên liệu là lò đường lại hoạt động".
 
Nấu đường
Nấu đường phải trải qua nhiều công đoạn.
 
Mỗi ngày lò đường anh Huệ ép từ 3-5 tấn mía cây. Mỗi tấn mía ép được 90 kg đường thành phẩm. Với giá bán 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí xăng dầu, công lao động còn lãi được 500.000 đồng, nhưng sản phẩm làm ra bán rất chậm, chủ yếu là dùng để nấu các loại chè và làm bánh, vả lại nguồn nguyên liệu thường xuyên thiếu hụt sau vụ ép nên lò đường của anh Huệ có khi 1 ngày làm nghỉ 1 tháng.

Và những trăn trở
Để hoạt động của lò đường không bị gián đoạn sau vụ ép chính, anh Huệ phải đầu tư phân bón, giống cho 100 hộ trồng mía. Thời gian canh tác khoảng 7 tháng, mỗi sào thu được khoảng 4 tấn mía cây, với giá hiện tại 1,7 triệu đồng/ tấn, trừ chi phí thu được 4 triệu đồng/sào.
 
Đây là khoảng thu nhập tương đối ổn định. Nhiều hộ rất muốn chuyển sang trồng mía để làm nguyên liệu cho lò đường nhưng vì ở đây đất chật, người đông. Mỗi gia đình chỉ sở hữu từ 3-4 sào đất, nếu trồng mía thì không có đất để sạ lúa và canh tác các loại rau màu khác.

Thành phẩm và những xô đường thơm ngát
Thành phẩm và những xô đường thơm ngát.
 
Theo những người chuyên buôn mía, hiện toàn tỉnh chỉ còn 3 lò đường thủ công. Ngoài lò đường anh Huệ và lò đường anh Lý Quý (ở cùng thôn với anh Huệ) còn lò đường của ông Bùi Tụ ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa).

Tuy nhiên lò đường của anh Quý và ông Tụ đang trong tình trạng "cửa khóa then cài". Anh Quý và ông Tụ không có kinh phí để đầu tư phân bón và giống cho người dân như anh Huệ nên phải hoạt động theo vụ ép. Tuy vậy, ba người này vẫn duy trì nghề không phải vì lợi nhuận mà vì sợ nghề bị mất đi.
 
Ông Tụ trăn trở: "Đây là nghề truyền thống của cha ông nên mình cố gắng giữ cho con cháu đời sau nó biết, nhưng chắc tụi nó không duy trì như mình được”.

Những trăn trở của ông Tụ không phải là không có cơ sở, vì tình hình mía đường hiện đang rất khó khăn. Cây mía không còn đủ sức cạnh tranh với các loại cây công nghiệp khác. Nếu tình hình không được cải thiện, e rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, những lò nấu đường thủ công cuối cùng này cũng sẽ bị "khai tử" trên đất Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

CÁC TIN KHÁC
.