Hà Nội bao nhiêu chữ Hàng

08:06, 27/06/2010
.

Gần 80 chữ Hàng tên phố, sang thế kỷ mới mất đi gần 20 chữ. Hàng Chiếu vẫn bán chiếu, nhưng Hàng Cót không ai buôn cót, Hàng Rươi không bán rươi, Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ...
 
Con số “Ba sáu” phố phường là con số thực hay là số tượng trưng như điệu hát cửa đình 36 giọng, trong Binh thư 36 chước, đánh cờ 36 nước, mà khi ta bước vào Thế kỷ XXI thì Hà Nội đã phát triển ra trên dưới 500 phố.
 
Trong dọc ngang bàn cờ một Hà Nội sau nghìn năm có tên Thăng Long, còn bao nhiêu phố mang chữ Hàng phía trước? Hình như là khoảng 80 (trên dưới một chút xíu), có khi là 78 mà có một số đã mất đi thành ra phố khác như con người mang tên khác.

Các loại chiếu, thảm bán trên phố Hàng Chiếu
Các loại chiếu, thảm bán trên phố Hàng Chiếu
 
Dọc một con đường, ta thấy có Hàng Đào (từng làm nghề nhuộm đỏ), Hàng Ngang (phố người Trung Hoa, nhà Đường, là Đường Nhân, người Pháp dịch là Cantonnais) chứ làm gì có món nào là Ngang mà buôn bán, tiếp đến Hàng Đường, Hàng Gạo, thẳng lên Hàng Giấy, quặt sang hai bên là Hàng Bạc, Hàng Bồ (có một đoạn là Hàng Dép), Hàng Buồm, Hàng Cá, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Than… (Hàng Than là Đông Bộ Đầu thời nhà Trần, còn gọi là Bến Đá - Phường Thạch Khối, Thạch Tân).
 
Một dọc phố khác: Hàng Gai (bán lưới đánh cá làm bằng sợi gai vì gần Hồ Thái Cực), Hàng Bông có Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Cửa Quyền, hai bên có Hàng Mành, Hàng Hòm, Hàng Nón, Hàng Trống (còn gọi là Hàng Thêu), rẽ một chút là Hàng Hành, rồi Hàng Da… hết phố mới đến Hàng Đẫy. Khu phố cổ nhiều Hàng nhất: Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Bát Sứ, Hàng Bát Đàn, Hàng Vải Thâm, Hàng Sắt, Hàng Bừa (nay là Lò Rèn), Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Chai (chính ra là Ngõ Chè Chai mới chính xác), Hàng Cân, Hàng Sơn (món ngon Chả Cá đã chiếm lấy tên này, thành ra Phố Chả Cá).
 
Nhiều phố khác nữa như Hàng Quạt nằm trên Phố Hàng Đàn cũ, còn Lương Văn Can lại nằm đè lên Phố Hàng Quạt. Hàng Bún nằm tít phía Quán Thánh, trong khi Hàng Cháo giạt sang gần Sân vận động Hàng Đẫy. Phố Hàng Đũa là đâu, xin thưa là Phố Ngô Sỹ Liên. Còn Hàng Khay lại nằm kề bên Hồ Gươm, trong khi Hàng Giò là đầu Phố Bà Triệu. Và Bách hóa Tràng Tiền chính là đất Phố Hàng Bài.
 
Có hai Phố Hàng Vôi nay một vẫn là Hàng Vôi, một là Lý Thái Tổ. Hai Phố Hàng Mã, một là Hàng Mã hiện nay, hai là Hàng Mã Vĩ gộp với Hàng Mây thành Mã Mây. Hai Phố Hàng Gà, một nối vào Hàng Cót và một chính là đầu Phố Huế, từng là cái chợ chiều họp chớp nhoáng, có rau cỏ, con cá con gà bán mua vội vã.

Trên phố Hàng Mã
Trên phố Hàng Mã
Lại còn Hàng Tre nối với Hàng Sũ, ăn ngang là Hàng Dầu buôn bán dầu ăn dầu thắp, nay có hàng cây hoa Sưa rất đẹp nở trắng muốt về mùa Xuân (không phải hoa Sữa có dấu ngã). Cũng quãng này còn có Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Trứng, Hàng Chĩnh, toàn những phố ngắn và nhà nhỏ bé, vừa thấp vừa nông. Phố Hàng Giày có món bánh trôi nóng của nghệ sỹ Phạm Bằng bán vào buổi tối, đi một đoạn là Phố Hài Tượng, tức nơi ở của những người thợ làm giày dép, hài, hán.
 
Sau Phố Hàng Gai có Ngõ Hàng Chỉ, cũng như Phố Quán Thánh có Phố Hàng Bún mà năm 1946 giặc Pháp đã gây hấn để lấy cớ chiến tranh, cắt tiết sống thanh niên Hà Nội.
 
Có bao nhiêu phố còn tên như Hàng Chuối là bãi trồng chuối để nuôi voi, Hàng Điếu bán mứt sen và trà khô, Hàng Cân buôn bán giấy, bìa, Hàng Phèn có thịt bê thui, Hàng Cót không ai buôn cót, Hàng Chiếu vẫn bán chiếu, Hàng Rươi không bán rươi… nhưng nhiều phố đã mất tên.
 
Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ mà đã có nhà ga xe lửa, đó là Phố Trần Hưng Đạo. Đầu Hàng Buồm có Ngõ Hàng Thịt. Hàng Đẫy thành Phố Nguyễn Thái Học xe đi một chiều. Hàng Bừa không làm răng bừa nữa mà sản xuất đồ sắt như cửa cuốn, Hàng Lọng không còn nhà nào làm ô làm tán, làm tàn, làm lọng, nó là khúc đầu tiên của con đường thiên lý xuôi Nam. Hàng Kèn là đầu Phố Quang Trung. Hàng Chè là đầu Phố Cầu Gỗ giáp với Hàng Đào, còn Hàng Cau là đầu Phố Hàng Bè, giáp với Hàng Mắm.
 
Riêng Phố Hàng Sơn từng bán sơn ta từ Phú Thọ chuyển về, đựng vào những cái “nải” bằng tre đan, có sơn nên nó thành thùng kín. Đầu Thế kỷ XIX có nhà họ Đoàn nghĩ ra món ăn ngon: Chả cá, và từ đó chính quyền cũng chịu thua gia đình này, đành chấp nhận phố này mang tên Chả Cá, mà Hàng Sơn không còn nữa.
 
Hàng Trống nay cũng không còn ai làm nghề bưng trống, tiện tang trống cho trẻ hay làm thứ trống ếch bịt bằng da dê... nó từng có tên Hàng Thêu vì ngoài nghề vẽ tranh, người dân ở đây còn có nghề thêu nổi tiếng.
 
Phố Hàng Bún một thời có tên là Hàng Mụn, không phải mụn trên cơ thể mà là mụn bằng vải cũ để vá quần áo. Nhắc đến dòng tên này ta có phần ngậm ngùi về một thời Thăng Long nghèo khó, quần áo rách phải vá chằng vá đụp nên mới có hẳn một phố bán các thứ mụn đủ màu như thế.
 
Hiện nay, Hàng Thùng không còn ai ghép thùng gỗ, loại thùng gánh nước, đựng nước mắm, làm chậu giặt, mà là phố bán lòng lợn nóng mỗi ngày. Đủ các bộ phận ngon lành của con lợn mới mổ, cả cái tràng trắng phau, tròn và xoăn tít, ăn giòn tan, cứ bốc hơi ngùn ngụt mà mời gọi khách.
 
Phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm mấy thế kỷ trước có nhiều bãi hoang, người thợ nhuộm nhận vải, lụa từ Hàng Đào, Hàng Lam (tức Hàng Ngang) hoặc từ Phố Vải Thâm về để nhuộm rồi phơi căng trên đoạn phố này, vì thế mà thành ra tên phố, nay là di tích Nhà tù Hỏa Lò và cao lênh khênh là Tháp Hà Nội.
 
Vào những năm đầu Thế kỷ XX, một lớp trẻ em Hà Nội được gửi đến Trường Nguyễn Du trên Phố Hàng Vôi học chữ Quốc ngữ. Sau này, lớp ấy có rất nhiều người thành danh, chẳng hạn nhà văn Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, v.v… Không ai gọi là Trường Nguyễn Du mà đều gọi là Trường Hàng Vôi, nó là Hàng Vôi trên, và nay là Phố Lý Thái Tổ, có Cung Thiếu nhi to rộng.
 
Đã có Hàng Bát Sứ lại có Hàng Bát Đàn, đúng là chỉ Hà Nội có. Ngày nay lớp các em không biết chiếc bát đàn như thế nào, chứ xưa thì rõ lắm, nó là bát bằng sành, miệng hơi loe, chỉ nhà nghèo mới quen dùng, còn bát sứ là của người giàu, ít ra là khá giả, trung lưu. Ngày nay, Phố Bát Đàn có mấy hiệu phở ngon nổi tiếng, từ phở nước đến phở xào.
 
Trại Hàng Hoa nay cũng đã lặn chìm vào lòng đất. Nó là đầu Dốc Ngọc Hà, cạnh Vườn Bách Thảo, mà từ chỗ này Khái Hưng và Nhất Linh đã sáng tác tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” nổi tiếng một thời, được dựng thành phim với chủ đề trong sáng của người con gái Hà Nội bán hoa nuôi chồng ăn học…
 
Phố Hàng Chai như trên đã nói, thực ra đây là một ngõ nhỏ, cực nhỏ, chỉ có bề rộng chưa đầy 2 mét, từng là nơi chiều chiều các bà đi rong buôn bán các loại phế phẩm. Là lông gà lông vịt, chai lọ cũ, sắt vụn đồng nát, vỏ bao đựng chè tầu bằng thiếc, bằng thủy tinh, gọi chung là các bà “đồng nát, chè chai lông vịt” vì thế mà ngõ này mang tên ngõ Chè Chai. Không hiểu sao sau này chính quyền thành phố lại gạt lịch sử ra ngoài, gọi nó là Phố Hàng Chai, cũng như bỏ cái tên Phố Hàng Đũa, một nét đặc biệt của người Việt Nam, người Viễn Đông, ăn cơm bằng đũa mà không ăn bằng thìa, bằng dĩa hoặc ăn bốc. Cũng không hiểu còn những ai ở Hà Nội nhớ về cái phố nho nhỏ ấy từng mang tên như thế, nó khuất mình phía sau Ga Hàng Cỏ, nay là Ga Trần Quý Cáp.
 
Với gần 80 chữ Hàng tên phố, sang thế kỷ mới, mất đi gần 20 chữ ấy. Mất hợp lý và mất không hợp lý. Và có bao giờ các nhà nghiên cứu Hà Nội nghĩ đến phục hồi dăm ba dòng tên để nhớ và để góp vào 1000 năm Thăng Long sắp tới chăng?
 
Đặc điểm của các phố có chữ Hàng đó là hầu như không còn một phố nào sản xuất hoặc buôn bán mặt hàng nó từng mang tên ấy nữa. Hàng Than là phố có gần trăm cửa hàng bán bánh cốm chứ không ai buôn than. Hàng Bè xưa buôn bè tre bè nứa, nhưng Sông Hồng cứ mỗi ngày lùi xa ra phía ngoài một tý, nay Hàng Bè nằm sâu trong bờ, nên việc buôn bè là không thể. Hàng Sũ nay là Phố Lò Sũ, cũng không ai làm và buôn hậu sự, mà thứ hàng này có nhiều ở Phố Lê Gia Đỉnh, phía sau chợ Giời và có ngay tại nhà tang lễ Phố Phùng Hưng.
 
Hơn trăm năm trước, cả khu vực Phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Ngõ Hàng Đào còn là lòng Hồ Hàng Đào, tức Hồ Thái Cực, cạnh hồ có chiếc cầu gỗ nhỏ cho thuận tiện người đánh cá đi về, nên khi lấp hồ, mới có dòng tên Phố Cầu Gỗ. Và Phố Hàng Gai có tên vậy vì là nơi bán dây câu, lưỡi câu cùng vó te: lưới rê, lưới quét, tất cả đều bằng sợi gai, kể cả những con gai dùng cho công việc đan lưới mới hay vá lưới cũ.
 
Nay thời đại mới, vượt qua một thời buôn giấy, khắc con dấu, bán đồ điện, Phố Hàng Gai thành phố bán tơ tằm, phục vụ khách nước ngoài, gọi là xuất khẩu tại chỗ. Mong sao với những chữ Hàng còn lại không bị mai một đi thêm chữ nào. Nó chính là chút di cảo của nghìn năm, có chữ được mang từ Hoa Lư ra, nhưng chủ yếu là được ra từ Hà Nội và cho riêng Hà Nội. Nó cũng đã trở nên một phần linh hồn Hà Nội. Thử tưởng tượng xem nếu Hà Nội không còn một Phố Hàng Đào, Hàng Bông? Nếu thế chẳng khác nào Hà Nội sẽ không còn Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây. Nó sẽ bơ vơ, sẽ là gốc cây khô hiu quạnh, vô hồn, bạt phách.
 
Một ngày nào, ta đi lang thang trên các phố mang tên chữ Hàng như thế ta mới thấy hồn ta, tình ta lâng lâng như vừa có gì ta gửi, ta trao, lại như vừa có gì ta nhận, ta được. Đó là những món ta ăn hàng ngày: khoai, đậu, là chiếc bát đôi đũa, là đôi giày, mảnh vải, là cây bút, tờ giấy, cho chí cây đàn, chiếc quạt, củ hành, chiếc điếu…
 
Được sống cùng Hà Nội như thế, từ phố cổ hàng trăm năm ra đến những con đường dài rộng như Láng Hòa Lạc, như Cầu Thăng Long, đường số 5… hồn ta lâng lâng là đương nhiên vậy.
 
Theo Chinhphu.vn

CÁC TIN KHÁC
.