Về lại Dục Thanh

02:05, 21/05/2010
.

Có một ngôi trường mà lịch sử Việt Nam không thể không nói đến, đó là trường Dục Thanh ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 100 năm trước, ngôi trường này đã đón tiếp một người thanh niên gầy gò nhưng đôi mắt rất sáng- thầy giáo Nguyễn Tất Thành

Những thế hệ thanh niên Phan Thiết thuở ấy giờ đây đã không còn, nhưng con cháu họ mãi nhớ những kỷ niệm về người thầy mà sau này đã trở thành người anh hùng giải phóng dân tộc-Hồ Chí Minh. Dục Thanh đã trở thành một điểm đến ý nghĩa với thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
 Khuôn viên trường Dục Thanh
Khuôn viên trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh do các sỹ phu yêu nước thành lập vào năm 1907, nằm sát bên sông Cà Ty, để ủng hộ phong trào Duy Tân. Dục Thanh ở đây là Giáo dục Thanh niên. Vào năm 1910, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã dừng chân và tham gia giảng dạy tại đây. Thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi cần.

Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, thầy dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa… Thầy Thành luôn giữ phong cách giản dị, sống gần gũi với học trò và người dân nên được các học trò và bà con trong vùng quí mến.

Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Phan Thiết vào Sài Gòn với cái tên Văn Ba để tiếp tục hành trình đi tìm đường cứu nước.

Theo bà Đinh Thị Kim Hoàng, nhân viên khu di tích đã làm việc ở đây hơn 25 năm, khu trường Dục Thanh vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn những kỷ vật như cách đây một thế kỷ. Đó là ngôi trường dùng chung cho cả 4 lớp tư, ba, nhì, nhất; mái ngói lợp âm dương, cột và vách đều bằng gỗ, bên trong vẫn còn đặt một bộ trường kỷ, 2 tấm bảng đen và 21 bộ bàn ghế. Phía sau trường là Ngoạ Du Sào có nghĩa là “Ổ nằm chơi”, đây là nơi thầy Thành đọc sách báo, bình luận thơ văn và trao đổi thời cuộc với các thầy giáo khác. Phía trước ngôi trường, hồ sen và bức bình phong cũng đã được phục dựng lại như nguyên mẫu xưa kia. Đặc biệt trong khu vườn vẫn còn cây khế hơn trăm tuổi, xanh tốt và rất sai quả, bà con quanh vùng gọi đây là cây khế Bác Hồ. Cạnh cây khế là giếng nước cổ, trong thời gian dạy học tại đây, thầy Thành thường múc nước ở giếng để tưới cây trong vườn, trong đó có cây khế và sử dụng trong sinh hoạt. Tất cả mọi thứ dường như vẫn còn như lưu lại những kỷ niệm về người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với đôi mắt sáng và một ý chí kiên định. Hơn 25 năm qua, ngày ngày chăm sóc, lau chùi, bảo quản các kỷ vật của Bác, với bà Kim Hoàng đó là niềm vui và niềm vinh dự lớn.
Bên cây khế Bác Hồ
Bên cây khế Bác Hồ

Nằm trong quần thể Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, trường Dục Thanh không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa lớn của tỉnh mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bình Thuận, nhất là thế hệ trẻ.

Hàng năm, có hàng trăm đoàn khách tham quan đến đây để học tập, tìm hiểu về Bác Hồ cũng như để thể hiện tình yêu đối với vị Cha già. Với người dân Phan Thiết, vị Cha già vô cùng đáng kính ấy luôn hiện ra chân thật, giản dị. Đó là một người thầy hết lòng với các trò, luôn chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh. Còn đối với các du khách ngoài tỉnh, mỗi lần đến đây, họ lại càng thêm mến phục những phẩm chất của người anh hùng giải phóng dân tộc khi còn trẻ.

Di tích trường Dục Thanh là một trong nhiều khu di tích về Bác Hồ trong cả nước, nhưng mỗi lần đến đây, ai cũng xúc động mãnh liệt, mặc dù chỉ ở lại đây trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đây là quãng thời gian đầu tiên chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành sống tự lập, xa gia đình. Đây cũng là quãng thời gian mà tinh thần yêu nước của Nguyễn Tất Thành được nung nấu mạnh mẽ và cuối cùng là quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Việc di chuyển vào Sài Gòn và ra đi sau hơn 3 tháng tìm kiếm cơ hội xuất ngoại đã chứng minh điều đó. Vì vậy có thể nói, quãng thời gian mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Dục Thanh là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Năm nay là năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Với nhân dân Bình Thuận, nó còn có ý nghĩa đặc biệt khi năm nay cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân và dạy học tại đây. Để chương trình tổ chức đúng với qui mô của ngày lễ, ngay từ đầu năm nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận đã khánh thành đợt trưng bày lần thứ 2, sắp xếp lại và nâng cấp khu di tích Dục Thanh qui mô hơn.

Ông Lâm Quang Hiền, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: “Sau hơn 24 năm đầu tư xây dựng và tu sửa nâng cấp di tích trường Dục Thanh, đợt trưng bày lần thứ 2 đã tạo ra quần thể khu di tích trường Dục Thanh khang trang đồ sộ, góp phần đô thị hoá thành phố Phan Thiết, trở thành một điểm đến của du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Bình Thuận mong muốn đến tìm hiểu, học tập, và nghe tuyên truyền giáo dục về tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác”.

Trong buổi chiều nắng vàng tháng 5 lịch sử, đứng trong khu di tích trường Dục Thanh đang nép mình bên con sông Cà Ty hiền hoà, lòng chúng tôi như càng thêm xúc động. Trước mắt chúng tôi như vẫn còn hình ảnh một chàng thanh niên gầy gò, ăn mặc giản dị nhưng đôi mắt sáng với một niềm tin mãnh liệt. Tất cả trong chúng tôi khi đến đây đều nguyện sống, học tập và làm việc theo tấm gương vĩ đại của Bác.

Theo VOV

CÁC TIN KHÁC
.