Nguyễn Tri Phương – vị Tổng đốc tuẫn tiết vì Hà Nội

12:05, 30/05/2010
.

Nguyễn Tri Phương quyết tâm cùng các chiến binh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ bằng được thành Hà Nội .“Bây giờ nếu ta chỉ lăy lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Lời đáp trả đanh thép của ông trước quân giặc đã thổi bùng lên tinh thần “vì việc nghĩa” ở khắp nước Nam.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Cuộc chiến không cân sức

Năm 1873, đô đốc Dupré của Pháp phái đại uý Francis Garnier mang một toán gồm 171 binh sĩ tinh nhuệ và hai pháo thuyền ra Bắc thực hiện ý đồ chiếm thành Hà Nội. Để khỏi hao đạn, tốn người và đỡ mang tiếng xấu, ban đầu, Garnier đưa ra nhiều yêu sách với mục đích khiến quan trấn thành Nguyễn Tri Phương và quân sĩ nhụt chí chiến đấu mà bỏ thành.

Nhưng các yêu sách của Garnier không đe dọa được Nguyễn Tri Phương và càng không lay chuyển được quyết tâm sắt đá của ông. Nguyễn Tri Phương quyết tâm cùng các chiến binh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ bằng được thành Hà Nội – vòng thành có vị trí chiến lược quyết định sự thành bại trong cuộc chiến giữ đất khu vực phía Bắc Việt Nam.

Thấy yêu sách của mình thất bại, rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier bất ngờ đánh úp Hà thành. Thành Hà Nội khi ấy là một thành lũy kiên cố, được xây từ 70 năm trước thời vua Gia Long. Thành có hình chữ nhật, mỗi chiều dài chừng nửa dặm, tường thành xây bằng đất, được gia cố thêm bằng gạch. Thành có 5 cửa, trấn bởi hai tháp canh. Bao quanh thành là một hào nước rộng, mỗi cửa được nối với bên ngoài bằng một cây cầu, nhưng các cầu này không phải là cầu treo, nên con hào này không có tác dụng ngăn cản.

Trong thành có một số lượng khá lớn binh lính, nhưng họ được trang bị rất thô sơ, đa phần chỉ là gươm và giáo. Một số ít được trang bị súng hỏa mai, nhưng không được huấn luyện để sử dụng. Trên mặt thành có đặt súng thần công, nhưng cũng không phát huy được hỏa lực…

Garnier đã cho pháo thuyền luồn xuống hai cổng thành phía Nam, điều toán lính tinh nhuệ nhanh chóng vượt qua cầu tiếp cận cổng thành. Khi quân của Nguyễn Tri Phương trên thành phát hiện ra bắn xuống thì đã quá muộn – quân Pháp đã qua khỏi tầm bắn phòng thủ.

Trong lúc binh lính Pháp chuẩn bị tiếp cận cổng thành, pháo thuyền Pháp nã đạn liên tiếp phá vỡ cổng thành phía Nam. Hoả lực đạn pháo khiến thành luỹ Hà Nội rung chuyển. Quân binh trên thành không quen đối đầu với đạn pháo, tháo chạy ra cổng thành phía Tây. Chỉ sau một giờ, lính Pháp với sự trợ thủ của pháo thuyền hiện đại, có sức công phá lớn đã chiếm được thành Hà Nội, bắt làm tù binh hơn 2.000 lính nhà Nguyễn.

Tuẫn tiết theo thành

Trong trận chiến này, con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm một dạ tử thủ không rời thành nên tử trận ngay tại nơi giao tranh. Bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị thương nặng và rơi vào tay giặc.

Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quân Pháp tìm cách chạy chữa hòng mua chuộc ông. Chúng biết, nếu Nguyễn Tri Phương quy thuận, chúng sẽ dễ dàng đạt được mục đích chiếm lĩnh nước Nam hơn.

Nguyễn Tri Phương từ chối thẳng thừng yêu cầu đắp thuốc chữa trị vết thương của chúng, tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần bất khuất của người Việt Nam trước giặc ngoại xâm. Lời đáp trả đanh thép của ông trước quân giặc càng thổi bùng lên tinh thần “vì việc nghĩa” ở khắp nước Nam: “Bây giờ nếu ta chỉ lăy lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.

 Tượng Nguyễn Tri Phương tại đền thờ ở Bắc Môn
Tượng Nguyễn Tri Phương tại đền thờ ở Bắc Môn

Tổng đốc Nguyễn Tri Phương qua đời sau khi tuyệt thực vài ngày, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho quan, dân, sĩ phu cả nước nói chung và Hà thành nói riêng. Niềm tiếc thương ấy được hun đúc thành ý chí quật cường, quyết tâm quét sạch giặc ngoại xâm trên toàn cõi nước Nam.

Người dân Hà Nội càng sục sôi căm thù, nhất tề đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Chiếm thành Hà Nội được một năm, quân Pháp liên tục phải đối mặt với những cuộc nổi dậy của nhân dân và sĩ phu sở tại.

Trong cuộc nổi dậy ở Cầu Giấy do Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm dẫn đầu, quân Pháp trúng kế rơi vào ổ phục kích bị tiêu diệt gọn. Garnier cũng bị giết tại trận. Tàn binh quân Pháp lui về cố thủ trong thành.

Sau trận Cầu Giấy, Pháp buộc phải kí Hiệp ước ngày 05 tháng 01 năm 1874 trả lại thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định và chỉ lập một cơ quan Công sứ ở Hải Phòng.

Tiếc thương vị Tổng đốc Hà thành trung nghĩa, nhân dân Hà Nội lập bàn thờ Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa. Ngày nay, bên bệ thờ Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt vẫn còn lưu lại hai câu đối do người đương thời viết:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích đạo
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”

Nghĩa là:

“Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”

Tổng đốc Thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương còn được lập đền thờ cùng quan Tổng đốc thành Hà Nội kế nhiệm Hoàng Diệu tại Vọng Lâu ngay phía trên cổng thành phía Bắc (Bắc Môn). Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Tri Phương, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội quyết định lấy tên ông đặt tên cho con đường chạy qua thành cổ Hà Nội. Đường Nguyễn Tri Phương dài gần 1km, nối từ phố Phan Đình Phùng đến đường Điện Biên Phủ, vốn là con đường bên trong thành nội cổ. Thời Pháp thuộc gọi là đường Cửa Nam (Route de la Porte Sud) nhưng dân chúng quen gọi là đường trong Thành. Từ tháng 6/1964 đến nay đường được mang tên Nguyễn Tri Phương.

Theo Chinhphu.vn 

CÁC TIN KHÁC
.