Hà Nội không chỉ có năm cửa ô

03:05, 16/05/2010
.

Lời một bài hát của Văn Cao có câu: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…” khiến có người tưởng lầm rằng Hà Nội chỉ có 5 cửa ô.
Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng

Cho đến nay, qua nhiều tài liệu thì con số này nhiều khi không thống nhất, không trùng nhau. Các nhà nghiên cứu Hà Nội có uy tín như cụ Trần Huy Bá, cụ Nguyễn Văn Uẩn… cũng viết khác nhau. Nhiều báo chí cũng vậy. Chắc ai cũng có lý lẽ đúng của mình, mỗi người dựa vào mốc thời gian mà mình nghiên cứu, dựa vào đó đưa ra con số.

Chắc chắn con số cửa ô không thể là 5 mà là nhiều hơn, ví dụ cụ Trần Huy Bá viết trong bài đăng trên Báo Hà Nội mới khoảng năm 1962 có ghi là 16 cửa ô. Còn trong cuốn Hà Nội nửa đầu Thế kỷ XX thì cụ Uẩn có liệt kê một số mà không nói tổng số, nhưng riêng một khu vực Cửa Đông đã có đến 11 cửa ô.

Bước sang Thiên niên kỷ thứ III, Hà Nội càng thay đổi dữ dội, có thể nói thay đổi từng ngày, từng giờ. Những điều đang có, có thể ngày mai đã mất, khó tìm lại được. Chuyện cửa ô cũng lâm vào tình trạng đó. Một số dòng tên để gọi cửa ô, cái còn cái mất.

Duy nhất một cửa ô còn nguyên hình hài, diện mạo, tường xây, mái cong, cổng tò vò, có bia ghi chữ Hán đó là Cửa Ô Thanh Hà, mà người Hà Nội quen gọi thân yêu là Ô Quan Chưởng, nằm ở gần Phố Hàng Chiếu trông ra đê Sông Hồng. Quan Chưởng là ai đến nay cũng có người tra cứu nhưng chưa tìm ra tên tuổi. Chỉ biết ông là một chức quan võ nhỏ, chức Chưởng cơ, làm nhiệm vụ giữ cổng này của Kinh thành từ thời cuối Lê, ông đã hy sinh ngay tại trận địa khi không chống được quân thù (Quân thù là ai cũng không tường lắm, là Trịnh - Nguyễn phân tranh, hay quân Quang Trung hoặc quân cờ đen, quân nhà Thanh… chưa xác định).

Ô Quan Chưởng xây gạch vồ bề thế, có ba cổng, còn tấm bia đá gắn chìm vào tường, ghi lời quan Tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính tráng nhũng nhiễu dân lành, mang hàng hóa sản vật từ ngoài thành vào bán cho dân chúng.

Nếu theo những tài liệu đang có thì dọc đê Sông Hồng từ Yên Phụ xuôi xuống phía Nam, là con đường có nhiều cửa ô nhất.

Đầu tiên là Ô Yên Hoa nay là Yên Phụ. Không cố định xa hay gần tức dài hay ngắn mà tùy theo địa phận xung yếu hay không để mở cửa ô. Sau Yên Hoa là Ô Yên Bình khoảng Cửa Bắc nay. Rồi đến Ô Thạch Khối nằm sát ngay Thạch Tân - Bến Đá, xưa nữa là Đông Bộ Đầu và nay là Dốc Hàng Than.

Đi thêm một quãng là Ô Phúc Lâm, nay là Hàng Đậu, gần kề lối lên Cầu Long Biên, chắc chắn khi đó chưa có cây cầu dài nhất Việt Nam thời đó rồi. Phúc Lâm này cũng không phải Làng Phúc Lâm ở quãng Phố Bà Triệu, Hàng Khay ngày nay.

Cứ men theo con đê mà đi, sẽ gặp Ô Đông Yên còn gọi là Bè Thượng. Tiếp theo là Ô Trừng Thanh, nằm ngay bến đò sang Sông Hồng, sau nơi này sẽ dựng một chiếc cột gắn đồng hồ để khách sang sông về phố biết giờ giấc theo chính quyền người Pháp đề ra. Nơi đó gọi là Phố Cột Đồng Hồ, đến khi xây dựng Cầu Chương Dương mới bỏ cây cột này đi.

Kế theo nó còn có một tên phố gợi nhớ thời gian của Thăng Long dân dã cần lao, đó là một phố ngắn nhà thấp bé, ngói ta cũ kỹ (ấy là khoảng mươi năm trước) đó là Phố Hàng Chĩnh. Ngay cái chĩnh cũng ít người biết tới, ít người dùng nó vì vùng Thổ Hà, Hương Canh không sản xuất loại đồ sành rẻ tiền này nữa.

Chưa mỏi chân ta đã gặp cửa ô tiếp theo. Đó là Ô Mỹ Lộc nằm ngay đầu Phố Hàng Mắm, ngày nay không ai buôn bán các loại mắm mà có nghề khắc bia đá, biển kỷ niệm thêm ít hàng buôn đồ gốm sành từ chiếc siêu sắc thuốc đến hòn đá mài, chiếc chậu sành, nồi đất, cái ang để muối dưa cà… Ô Đông Yên là Phố Lò Sũ ngày nay, người Pháp đã xây ở đây tòa nhà công chính cùng tòa án, nên có người còn gọi ô này là Ô Hàng Tre hoặc Ô Công Chính.

Đi tiếp theo đến khoảng phía sau Nhà hát Lớn, có một cửa ô nhiều người biết vì nó từng đi vào lịch sử: Đó là Ô Tây Long hoặc Tây Luông, nơi có thể Vua Lý Thái Tổ đã ghé thuyền cho quân quan lên bờ và từ chỗ này con rồng vàng bay lên. Cũng nơi này, Vua Quang Trung từ phía Nam ra và từ Thăng Long rút quân nhanh gọn về phía Nam.

Khi quân Pháp xâm chiếm Hà Nội, đây là khu vực đầu tiên bị Pháp chiếm, trở thành nhượng địa của Pháp, nên nó còn có tên là Ô Đồn Thủy, mà mấy chục năm trước, Bệnh viện Quân đội Pháp còn gọi là Nhà thương Đồn Thủy, nay là Quân y viện 108.

Nếu cứ đi nữa sẽ đến Ô Đống Mác hay Ô Ông Mạc. Nay là đoạn đường Nguyễn Khoái. Gọi là Đống Mác vì khi chiến tranh, quân giặc (?) rút chạy, bỏ lại một đống khổng lồ gồm cờ xí giáo mác. Còn gọi là Ông Mạc vì thời trước chỗ này có nhà riêng của ông Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, người có khuôn mặt xấu xí nhưng tài năng lại quá phi phàm, đi sứ được phương Bắc phong cho là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Chưa xác định được là thuyết nào sai đúng, đây sẽ là công việc của nhiều đời sau chăng?

Từ cửa ô này quặt sang hướng Tây, ta sẽ gặp ngã tư Cầu Dền, tức cửa Ô Cầu Dền, chưa hẳn đã là vùng trồng nhiều rau dền mà có thuyết cho rằng Lý Thái Tổ mang một số tên từ Hoa Lư ra đây cho đỡ nhớ kinh cũ như Phố Cầu Đông, Phố Chợ Dừa, Cầu Dền v.v… Từ Ô Cầu Dền này xuôi Nam, có một vòng canh gác nữa, đó là Ô Trung Hiền nay là ngã tư Chợ Mơ - Đại La, xưa là vùng trồng bạt ngàn rừng mai, đất phong của Tướng Trần Khát Chân, gồm Hồng Mai, Bạch Mai, sau kiêng tên Vua Tự Đức là Hồng Nhậm phải đổi là Bạch Mai.

Một đoạn tiếp theo có Ô Đồng Lầm nằm trên làng cổ Đồng Lầm nay là ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt. Làng này có nghề nhuộm nâu ngoài đánh cá, trồng rau, cấy lúa. Vải the mua ở Nam Định hoặc các nơi khác về, người nội thành mang ra đây nhuộm nâu, màu bền đến rách không phai, nó là thứ vải Đồng Lầm may áo dài phụ nữ mà nhiều thế kỷ, tấm áo tứ thân của phụ nữ Hà Nội thường mặc đi chợ, ra phố… trước khi tấm áo dài Cát Tường (áo Lơ Muya) xuất hiện.

Đi ngược một chút, có cửa Ô Kim Liên nay là ngã tư Nguyễn Thượng Hiền - Khâm Thiên, một thời đây có đài thiên văn gọi là Khâm Thiên Giám. Men theo đường Khâm Thiên dài khoảng hai dặm nay là hơn hai cây số, ta gặp Ô Chợ Dừa, một cái chợ phía Tây Kinh thành, một kiểu ngày nay người ta gọi là chợ cóc, nhưng nó phục vụ cho dân sở tại lâu đời và thuận tiện nên nó tồn tại bền lâu, đến nay thành một ngã tư nội thành tấp nập đến nỗi nhiều khi mặt đường bị ùn tắc các loại xe cộ.

Đến đây là vòng đê quai bảo vệ gìn giữ Hoàng thành, có đê cao đề phòng con Sông Hồng dâng lũ hoặc mưa gió gây úng lụt. Nay con đê này là đường La Thành. Đi hết nó ta gặp Phố Cầu Giấy, chính tên của nó là Ô Cầu Giấy, tên chữ là cửa Ô Tây Dương. Quanh đây có nghề làm giấy bản nên lấy nghề đó làm tên cửa ô. Chữ Tây Dương đã đi vào lịch sử, đến nay còn nhiều sách in tấm ảnh vòm cầu xây gạch cong cong, có xe tay kéo đi trên, có bóng tre bóng chuối. Nơi cửa ô này từng diễn ra những trận chống xâm lược, cả hai tên tướng Pháp: Henri Rivière  và Francis Garnier  đều bị quân ta hạ gục ở nơi cửa ô này, cách nhau 10 năm khi chúng đánh rộng ra ngoại thành mong mở đường lên vùng Sơn Tây, Xứ Đoài.

Từ Cầu Giấy vào nội thành, ta gặp Cửa Ô Kim Mã, khoảng Chùa Kim Sơn, tiếp là Ô Thanh Bảo… Con đường Kim Mã mới chục năm nay đã được mở rộng để đón khách quốc tế qua cổng trời Nội Bài. Cách đây ít năm thôi, đây là phố ngoại ô, tối mò, có đường xe điện đặt nổi như đường xe lửa, có hào sâu phía sau mặt phố, hai bên làng còn thụt xuống, muốn đi phải vượt qua hàng chục bậc gạch.

Như vậy, Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô, mà là có khoảng hai chục cửa ô, bao quanh khu vực nội thành ngày nay. Chắc chắn những thế kỷ trước, mỗi cửa ô đều có điếm canh, có tuần đinh cầm giáo mác, tay thước đứng bảo vệ, ngày mở, đêm đóng, có khi đóng cũng chỉ là mấy cành rào tre.

Nếu nói thay đổi thì Thế kỷ XX Hà Nội mới thay đổi nhiều. Như con tàu chầm chậm lăn bánh, sang Thế kỷ XX nó mới bắt đầu chạy nhanh, nhưng vài chục năm cuối Thế kỷ nó tăng tốc, nó mới bùng nổ một tốc độ phi thường. Những cửa ô cũ, những dòng tên cũ còn lại đến bao giờ chắc chưa dám nói trước, nhưng vì dân tộc, vì lịch sử, vì Tổ quốc và vì Hà Nội, nhất định chúng ta phải ra sức giữ gìn những gì nghìn năm để lại.

Theo Chinhphu.vn

CÁC TIN KHÁC
.