Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng Việt Nam lừng danh thế giới

01:05, 06/05/2009
.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình trí thức khoa bảng.  Thân sinh ông là cụ Võ Nguyên Thân (Võ Quang Nghiêm) - một nhà nho yêu nước. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, cụ Võ Nguyên Thân bị Pháp bắt giam ở Huế và chết trong nhà tù.

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bêân trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975.
Năm 1925 Võ Nguyên Giáp vào học Trường Quốc học Huế. Hai năm sau ông bị đuổi học cùng Nguyễn Chí Diểu, Phan Bôi, Nguyễn Khoa Văn ( Hải Triều) vì tổ chức học sinh bãi khoá. Về quê, ông được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có xu hướng cộng sản thành lập năm 1924, có ảnh hưởng đáng kể trong giới thanh niên trí thức miền Trung.

 

Cũng từ sự giới thiệu của Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, tích luỹ kinh nghiệm để sau đó trở thành một nhà cách mạng hoạt động báo chí tích cực trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

 

Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam, cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc, để gặp Bác Hồ. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm này và bắt đầu các hoạt động của mình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ trong một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam có tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Ông tham gia gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

 

 

Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tại chiến khu Trần Hưng Đạo bắt đầu với 34 người. Vũ khí ban đầu của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, đội quân này đã tiến công thắng lợi hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi).

 

Ngày 19/12/1946, giặc Pháp gây chiến, Võ Nguyên Giáp được giao trách nhiệm Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy (từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, gọi tắt là Quân ủy Trung ương), lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang chống giặc Pháp và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ông được phong hàm Đại tướng ngày 25 tháng 1 năm 1948 theo Sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948. Vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Viện Nam năm ấy vừa tròn 37 tuổi.  Tháng 8 năm 1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trách nhiệm ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng rất giỏi chiến thuật chiến tranh du kích. Ông là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh Điện Biên Phủ.

 Từ năm 1954 đến năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, sau đó Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1955 đến năm 1991).

 

Trong 21 năm (1954-1975), ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động khác của Đảng Cộng sản và Nhà nước.

 

Trong một thời gian ngắn từ tháng 7 năm 1960 đến tháng 1 năm 1963, ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

 

Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Năm 1983 ông được Hội đồng Bộ trưởng phân công kiêm thêm vai trò Chủ tịch Uỷ ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch khi Ủy ban này được thành lập (cùng với một số Bộ trưởng các Bộ và Tổ chức khác làm phó)

 Năm 1991, ông nghỉ hưu ở tuổi 80.

 

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.

 Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, Thời báo Châu Á (Time Asia) đã ra số đặc biệt giới thiệu các "Anh hùng Châu Á", gồm các nhân vật làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng kiệt xuất trong trái tim người dân Việt Nam. Ông được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II. Thế giới biết đến Võ Nguyên Giáp như là vị tướng đã chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại những đội quân xâm lược hùng hậu Pháp và Mỹ, góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước Việt Nam.          

Lê Hồng Khánh


.