Em sợ ngày mai không được đến trường…

10:04, 30/04/2022
.
 
(Baoquangngai.vn) - Em Từ Thị Diễm My (11 tuổi), ở thôn Xuân Yên Tây, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) luôn khát khao con chữ để sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, ông bà ngoại, những người đã nuôi dạy, chăm sóc cho em từ khi còn nhỏ, nay đã già yếu. Ông bà không còn đủ sức khỏe để mưu sinh, lo cho My ăn học lâu dài. Ước mơ được đến trường của em có thể dở dang. 
 
 
Gia đình là nơi đứa trẻ nhận được sự chở che, bao bọc và yêu thương khi chưa trưởng thành, còn thiếu hiểu biết và nhận thức. Không gì hạnh phúc hơn khi mái ấm của con có cả cha và mẹ. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo như người ta mong muốn.
 
My là đứa trẻ được sinh ra từ tình yêu thương ban đầu của cha mẹ, có sự đồng ý của gia đình hai bên nội, ngoại. Thế nhưng, số phận của em thật đáng thương. My chẳng khác gì trẻ mồ côi cha, trong khi đấng sinh thành vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời. Chưa một ngày, My được cha quan tâm, yêu thương, đành lòng phải mang họ mẹ.
 
Trước đây, mỗi lần nhắc đến nỗi bất hạnh của con gái, nước mắt người mẹ khờ khạo của My luôn chực tuôn trào. Cứ ngỡ hạnh phúc đong đầy, nào ngờ thật xót xa cho số phận của mình và con gái.
 
“Từ ngày sinh ra cách đây 11 năm, My đã ở hẳn với ông bà ngoại. Một thời gian sau, mẹ của My có gia đình mới. Công việc không ổn định, hoàn cảnh khó khăn, chị chẳng thể đỡ đần ông bà nhiều như trước đây để chăm sóc con gái đầu lòng. Cuộc sống của ông bà và My càng khốn khổ hơn”, bà Phạm Thị Vấn (45 tuổi), hàng xóm của ông bà ngoại My chia sẻ.
 
 Cuộc sống của My gắn liền với ông bà ngoại.
Cuộc sống của My gắn liền với ông bà ngoại.

Ở cái tuổi tưởng chừng được nghỉ ngơi, sum vầy, hưởng thụ cùng con cháu thì ông bà ngoại lại một lần nữa làm cha, làm mẹ, cùng nhau nuôi con dại, dạy con thơ. Hằng ngày, ông dạy My học hành, dạy dỗ My thành đứa trẻ ngoan. Ông quẩn quanh bên căn bếp lo cơm nước cho My, làm ruộng, nuôi bò, cố gắng để em có một cuộc sống tốt hơn. Riêng bà ngoại, trong suốt gần 10 năm qua, những con hẻm, ngõ phố ở Đà Nẵng đều có bước chân bà lang thang bán vé số, còi cõi một mình, kiếm tiền gửi về cho cháu đi học.  
 
“Cuộc sống của hai vợ chồng già cùng đứa cháu thơ dại muôn bề vất vả, nhất là những lúc ốm đau, ngặt nghèo. Bữa đói, bữa no nhưng chưa khi nào vợ chồng tôi để cháu nghĩ học”, bà Đào Thị Kia (76 tuổi), bà ngoại của My trải lòng.
 
 
Sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm của đấng sinh thành, My luôn tỏ ra là cô bé chững chạc và hiểu biết hơn so với tuổi. Thương ông bà ngoại một đời lo toan, tần tảo, lo lắng cho mẹ rồi đến lượt mình, nên My luôn cố gắng phụ giúp, đỡ đần ông bà những việc phù hợp với sức khỏe. Dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, cắt cỏ hay chăn bò, em chẳng ngại khó. 
 
Đặc biệt, My luôn ý thức và cố gắng nỗ lực trong học tập, không để việc học gián đoạn. Ông bà vẫn thường dặn dò My mỗi ngày, học để thành người tốt và để sau này có công ăn việc làm ổn định, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đó là điều mà ông bà mong đợi nhất ở My.
 

Năm nay, ông bà ngoại của My đều đã gần 80 tuổi. Khoảng 3 năm trở lại đây, do sức khỏe, ốm đau thường xuyên, đôi chân rã rời của bà không đủ kiên trì để tiếp tục rời quê mưu sinh. Công việc đồng áng của ông cũng trì trệ. Sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày phụ thuộc vào số tiền một triệu đồng, là trợ cấp hằng tháng dành cho người có công với cách mạng mà ông ngoại My được nhà nước hỗ trợ. 
 
“Em mong ông bà ngoại luôn khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật và sống mãi bên em. Em cũng lo sợ lắm! Em sợ một mai không còn được đến trường. Em sợ khổ như mẹ nếu như học hành không đến nơi, đến chốn”, My bộc bạch.
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hiệp Nguyễn Tấn Phát cho biết, My hiện đang là học sinh lớp 5D, cụm Trường Vườn Kỳ (thuộc Trường Tiểu học Bình Hiệp). Tuy không phải là một học sinh xuất sắc nhất nhưng trong những năm qua, My có nhiều nỗ lực và chăm ngoan trong học tập. Em là tấm gương của sự vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian qua, nhà trường và giáo viên cũng thường xuyên động viên, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho em khi đến trường. Tuy vậy, với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại thì cuộc sống của ông bà và My vẫn còn nhiều chật vật và khó khăn.
 
Bài, ảnh: X.YÊN
 
Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Bà Đào Thị Kia, ở thôn Xuân Yên Tây, xã Bình Hiệp (Bình Sơn); hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát (TP.Quảng Ngãi); hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi: 57010000479377, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi.
 

.