Mong mỏi nâng cấp con đường vào làng cô lập

10:12, 09/12/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Vào mùa mưa lũ, con đường bê tông chạy thẳng vào làng mất hút, chỉ còn lại bầu nước trắng xóa, mênh mông. Cả làng như bị cô lập. Việc đi lại của người dân bộn bề vất vả. Đó là tình cảnh mà khoảng 160 hộ dân ở đội 2, xóm Lộc Trung, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) phải trải qua từ trước đến nay.

[links()]
 
Mỗi khi thông tin dự báo thời tiết Quảng Ngãi những ngày đến tiếp tục có mưa lớn, các hộ dân ở đội 2, xóm Lộc Trung, xã Bình Hiệp không khỏi thấp thỏm, lo âu. Đang đi làm công nhân ở khu công nghiệp Tịnh Phong (Sơn Tịnh), bà Nguyễn Thị Hân, 45 tuổi chỉ mong được tan ca sớm để về nhà. Dừng xe gửi lại nhà người quen, trên tay xách bao thực phẩm vừa mua được ở chợ chiều, mang trên mình chiếc áo mưa trông cồng kềnh, bà liều lội qua đoạn đường mênh mông nước tới hông để kịp về lo cho cháu nhỏ ở nhà.
 
“Tôi biết lội qua rất nguy hiểm bởi nước ngập trắng đường, trắng đồng. Nếu không lội thì phải vượt qua quãng đường vòng vừa xa, vừa vắng vẻ. Đường nào cũng khó khăn nên nhắm mắt liều qua. Chỉ hôm nào bão lũ lớn, nước dâng quá cao thì đành phải đi đường vòng”, bà Hân cho biết.  
 
Con đường trũng thấp dẫn vào đội 2, xóm Lộc Trung.
Con đường trũng thấp, xuống cấp dẫn vào đội 2, xóm Lộc Trung.

 

Chỉ cần mưa lớn là khu vực này bị cô lập.
Chỉ cần mưa lớn là khu vực này bị cô lập.
Nỗi lo của bà Hân cũng là lo lắng của khoảng 160 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở đội 2, xóm Lộc Trung từ trước đến nay. Con đường mà bà Hân nói đến là con đường mà người dân thường xuyên đi lại. Ngập sâu nhất là đoạn đi qua khu vực cầu, cánh đồng, nước dâng cao lên hơn nữa mét chỉ cần một vài trận mưa, trong khi các vùng lân cận vẫn qua lại được.
 
Người dân phải vất vả dùng thuyền để vận chuyển người nhưng số lượng thuyền ở thôn cũng rất khiêm tốn, chỉ có một, hai chiếc tự phát. Công tác bảo hộ, cứu hộ, cứu nạn không đảm bảo. 
 
Những hôm mưa lớn, bão lũ, thuyền ghe không qua lại được, thanh niên, phụ nữ trong làng "bó chân" khi nghỉ làm, đành phải xin phép công ty, cơ quan ở nhà. 
 
Việc đi lại trên tuyến đường này hết sức khó khăn vào mỗi mùa mưa lũ.
Việc đi lại trên tuyến đường này hết sức khó khăn vào mỗi mùa mưa lũ.
Khó khăn và điều lo lắng nhất vẫn là chuyện học hành của con em trong vùng. Bọn trẻ phải nghỉ học dài ngày khi con nước lớn, phải dậy thật sớm vòng lên tuyến đường đi xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), tiếp cận với quốc lộ mới thoát khỏi cảnh biệt lập để đến trường. Nhiều hôm trễ học và bỏ tiết về sớm.
 
“Cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về giáo dục, y tế, đời sống. Không chỉ ngoài đường mà những ngôi nhà trong làng, nước cũng mấp mé sân, tràn vào nhà. Lương thực, thực phẩm, thuốc thang luôn được chủ động dự trữ, kẻo nước lên còn có cái để nấu ăn, đau ốm còn có thuốc uống. Đây là khu vực được ưu tiên đầu tiên để chúng tôi tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con mỗi khi nước lớn. Chúng tôi luôn mong muốn có một con đường kiên cố dẫn vào đội 2”, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Bình Hiệp Trần Trung Tiễn cho hay.
 
Chính quyền địa phương phải tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng mỗi khi mưa bão, lũ lụt.
Chính quyền địa phương tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng mỗi khi mưa bão, lũ lụt.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp Nguyễn Xuân Hiền cho biết, tình trạng ngập cục bộ ở tuyến đường vào đội 2, xóm Lộc Trung là nỗi trăn trở của địa phương trong nhiều năm qua, dù chiều dài chỉ vỏn vẹn vài trăm mét.
 
Ông cho biết: Mới đây nhất là vào năm 2019, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã cũng đã tạo điều kiện để nâng cấp tuyến đường với tổng vốn đầu tư 800 triệu, tuy nhiên vẫn chưa thể đảm bảo cho người dân qua lại vào mỗi mùa mưa. Đường ngập lại tối om.
 
“Đặc biệt, trên tuyến đường này vẫn còn một đoạn đường ngắn khác nối liền dẫn vào thôn ngập rất nặng vẫn chưa được đầu tư. Cùng với việc mong muốn được hỗ trợ ca nô, xuồng máy để giải quyết vấn đề trước mắt, về lâu dài, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tiếp tục nâng cấp tuyến đường này, để người dân không còn phải lo lắng mỗi mùa mưa bão đến”, ông Hiền bày tỏ. 
 
G. Nghi
 

.