Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời: Còn nhiều bất cập

09:11, 19/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các bảng, biển, băng rôn, hộp đèn quảng cáo ngoài trời được xây dựng, lắp ráp không đúng quy định, gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn là thực trạng tồn tại nhiều năm nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thực tế này đặt ra nhiều nỗi lo, nhất là khi mới đây, bão số 9 đã làm bảng quảng cáo ngoài trời cỡ lớn ngã đổ gây sập nhà một số hộ dân tại huyện Bình Sơn.
[links()]
Trong bão số 9 vừa qua, 2 bảng quảng cáo ngoài trời loại lớn đã đổ sập vào 3 nhà dân tại thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Đây là bảng quảng cáo được doanh nghiệp xây dựng trên phần diện tích đất thuê từ người dân địa phương. Điều đáng nói là, dù chỉ hợp đồng thuê đất từ 2010 - 2014, song từ năm 2014 đến nay, dù đã quá hạn 6 năm, nhưng doanh nghiệp vẫn không tiến hành tháo dỡ.
 
Điều may mắn là, khi sự việc xảy ra, các hộ dân này đều đang di chuyển đến khu vực khác để tránh trú bão số 9, nên không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc trên một lần nữa cảnh báo về thực trạng các bảng quảng cáo ngoài trời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng công tác quản lý trong lĩnh vực này vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa đi vào quy củ. 
 
Nhiều bảng quảng cáo ngoài trời đã bị ngã đổ trong đợt bão số 9 vừa qua.
Nhiều bảng quảng cáo ngoài trời đã bị ngã đổ trong đợt bão số 9 vừa qua.
 
Tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố Quảng Ngãi và dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ... trên địa bàn tỉnh, các bảng quảng cáo cỡ lớn được xây dựng ngày càng nhiều. Nhiều bảng quảng cáo, dù đã bong tróc, hoen rỉ từ lâu, nhưng đơn vị lắp đặt vẫn không bảo dưỡng định kỳ hay tháo dỡ. Một số bảng quảng cáo lớn nằm dọc theo Quốc lộ 1, đoạn ngang qua các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, do đã xuống cấp từ lâu, nên sau bão số 9, nhiều bảng đã xiêu vẹo, thậm chí ngã đổ.
 
Cùng với nguy cơ mất an toàn từ bảng quảng cáo cỡ lớn đặt ngoài trời, là tình trạng lộn xộn bảng quảng cáo đặt ở bên hông tường và mặt tiền các tòa nhà. Theo Luật Quảng cáo năm 2012, kích thước biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định cụ thể: “Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m, nhưng không được vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu”.
 
Quy định cụ thể là thế, song, nhiều bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền các nhà vẫn có chiều dài, chiều cao vượt quá quy định. Một số bảng quảng cáo dù đặt tại mặt tiền nhà, nhưng không thi công cố định vào tường, mà lại được dựng tạm bằng các trụ sắt khá lỏng lẻo. Vì vậy, trong bão số 9 vừa qua, có rất nhiều bảng quảng cáo mặt tiền nhà làm từ tôn, nhôm... bị ngã, đổ và bay ra đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và các phương tiện giao thông.
 
Ngoài ra, dù Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã quy định sẽ phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Song, chế tài trên vẫn chưa đủ sức răn đe, chấn chỉnh tình trạng treo, đặt bảng quảng cáo lên cột điện, cây xanh nơi công cộng.
 
Trước thực trạng trên, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiến hành kiểm tra hoạt động quảng cáo ngoài trời và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Có như thế mới chấn chỉnh được tình trạng vi phạm, kịp thời ngăn chặn các vi phạm mới và đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống và lưu thông ngang qua các khu vực xây dựng, lắp đặt quảng cáo ngoài trời. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.