Cần đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị

04:05, 12/05/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư từ ngân sách, cũng như huy động các nguồn vốn xã hội hoá để phát triển đô thị. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hoá (ĐTH) của tỉnh rất chậm. Đến năm 2018, tỷ lệ ĐTH của Quảng Ngãi mới đạt 20,55% và chỉ tiêu năm 2019 là 21,37%, trong khi bình quân cả nước đã đạt 38,4%. So với các tỉnh lân cận thì tỷ lệ ĐTH của Quảng Ngãi cũng xếp dưới, với khoảng cách khá xa, như Quảng Nam hiện đã đạt 28%.
 
Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.        Ảnh: Minh Thu
Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Thu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ ĐTH phải đạt 23%. Theo nhận định của các ngành chức năng, chỉ tiêu này không cao, song để thực hiện đạt và vượt cũng không phải chuyện dễ. Vì thế, để đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các cấp, các ngành và địa phương liên quan là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt.
 
"Các đề án phát triển đô thị của tỉnh và các địa phương tuy có làm, nhưng quá trình, lộ trình thực hiện còn rất chậm. Nhất là việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, đầu tư chắp vá. Công tác quản lý quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đầu tư các khu dân cư, thị trường bất động sản cũng thực hiện chưa tốt. Trong thời gian tới, để phát triển đô thị và tăng tỷ lệ ĐTH, TP.Quảng Ngãi phải khẩn trương rà soát, xây dựng đề án, ít nhất phải đưa thêm 3 xã lên phường thì mới giữ chuẩn đô thị loại II. Riêng đối với huyện Đức Phổ, phải khẩn trương quy hoạch xây dựng chi tiết, đưa các xã trở thành phường và đưa đô thị loại IV lên thị xã. Có như vậy mới góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra".
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH
 
 
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phong: “Đô thị hoá chậm là rào cản đối với phát triển kinh tế”

Nguyên nhân tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt thấp là do xuất phát điểm thấp, vì sau khi tách tỉnh năm 1989, cơ sở hạ tầng của Quảng Ngãi rất yếu kém. Bên cạnh đó, nguồn lực của tỉnh đầu tư cho phát triển đô thị còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn các huyện chưa hình thành đô thị như: Tây Trà, Sơn Tịnh, Sơn Tây và Minh Long. Từ đó, dẫn đến tốc độ phát triển đô thị chậm.

Riêng đối với TP.Quảng Ngãi, dù được công nhận đô thị loại II từ năm 2014, nhưng từ năm 2015 đến nay, quá trình đầu tư phát triển để hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II cũng chưa đạt. Việc ĐTH chậm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi, mọi vấn đề phát triển kinh tế đều tập trung từ đô thị, làm trọng tâm lan toả ra xung quanh.
 
Chẳng hạn, đối với thu ngân sách, trong số 14 huyện, thành phố, thì chỉ mỗi TP.Quảng Ngãi là thu cao nhất, với trên 1.000 tỷ đồng/năm. Còn ở các huyện, thì nguồn thu tại các thị trấn là cao hơn các xã. Tốc độ phát triển của đô thị chậm chính là rào rản cho sự phát triển hạ tầng, khiến sức hút đầu tư yếu đi, cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, đời sống nhân dân khó khăn.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, các huyện, thành phố trong tỉnh cần tích cực triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị của từng huyện, từng thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện 14/14 huyện, thành phố của tỉnh đã xây dựng chương trình phát triển đô thị và được UBND tỉnh phê duyệt (riêng đô thị Vạn Tường, do Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đang xây dựng, chưa phê duyệt). Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, cần phải đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để phát triển đô thị.

 
 
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng: “Phấn đấu đưa các xã trở thành phường để tăng tỷ lệ đô thị hoá”

Thực hiện Nghị quyết 05 của Thành ủy Quảng Ngãi về phát triển đô thị, thời gian qua thành phố đã tập trung đầu tư và đạt được những kết quả tích cực, diện mạo của thành phố từng bước được đổi mới, khang trang hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển 5 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Nghĩa Phú, Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây trở thành phường còn gặp nhiều khó khăn; kéo theo tỷ lệ ĐTH đạt thấp, hiện tỷ lệ ĐTH của thành phố chỉ đạt 47,57%, trong khi chỉ tiêu Nghị quyết Thành ủy đề ra đến năm 2020 phải đạt 60%.

Để giải quyết “bài toán” về tỷ lệ ĐTH, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển các khu dân cư, khu đô thị để thu hút dân cư vào sinh sống, nhằm tăng dân số cơ học trong đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân trong 9 phường hiện tại. Cùng với đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phấn đấu đưa các xã trở thành phường theo nghị quyết đề ra. Trong đó, có 3 xã là Tịnh Ấn Tây, Tịnh Khê và Nghĩa Phú có khả năng sẽ hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V và lên phường vào năm 2020. Song, khó khăn hiện nay đối với thành phố là nguồn lực đầu tư và một số cơ chế chính sách đánh giá, chấm điểm các tiêu chí đô thị thay đổi, nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu đưa các xã trở thành phường.

Nguyên Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Quảng Ngãi Nguyễn Kim Hiệu: “Cần có vốn, quy hoạch và năng lực quản lý tốt”

Để tăng tỷ lệ ĐTH và phát triển đô thị bền vững, Quảng Ngãi cần có vốn, có quy hoạch và năng lực quản lý tốt. Ngoài huy động nguồn lực, thì cần có tầm nhìn chiến lược, kết hợp phát triển công nghiệp - dịch vụ. Công nghiệp - dịch vụ chưa phát triển thì đô thị chưa thể phát triển. Quảng Ngãi đi lên từ một tỉnh thuần nông, phải phát triển công nghiệp và dịch vụ mới đẩy nhanh quá trình ĐTH.
 
Trước đây, công nghiệp ở tỉnh chưa phát triển tương xứng, nên tỷ lệ ĐTH không cao. Vài năm trở lại đây, từ sức hút của KKT Dung Quất và các KCN Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi... đã "kéo" nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn tìm về Quảng Ngãi. Hàng loạt dự án mới được khởi động, xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, tỉnh không đủ nguồn lực để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị đáp ứng nhu cầu thị trường, nên phải kêu gọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân.

Một vấn đề nữa là, Quảng Ngãi vẫn chưa có dự án về du lịch nào đủ lớn và có sức lan tỏa để tạo động lực phát triển. Do đó, trong thời gian tới cần phải đầu tư mạnh hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ ĐTH của tỉnh.
 
 Thu hút đầu tư các khu dân cư, khu đô thị để tăng tỷ lệ dân số cơ học trong đô thị là một giải pháp để nâng tỷ lệ đô thị hoá của Quảng Ngãi. Trong ảnh: Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi.                                                                   Ảnh: PD
Thu hút đầu tư các khu dân cư, khu đô thị để tăng tỷ lệ dân số cơ học trong đô thị là một giải pháp để nâng tỷ lệ đô thị hoá của Quảng Ngãi. Trong ảnh: Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: PD


PHẠM VINH
(thực hiện)
 

.