Siết chặt quản lý mua, bán thuốc

05:03, 23/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành y tế đang triển khai công tác nối mạng hệ thống các nhà thuốc, quày thuốc trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường quản lý hoạt động mua, bán thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, công tác quản lý mua, bán thuốc vẫn còn nhiều bất cập.

Trước tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý kinh doanh thuốc được xem là giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, giảm tình trạng gian lận, kháng thuốc...

Nhân viên nhà thuốc Minh Vương đang kiểm tra, nhập thuốc vào phần mềm quản lý dược.
Nhân viên nhà thuốc Minh Vương đang kiểm tra, nhập thuốc vào phần mềm quản lý dược.


Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế), dược sĩ CKI Phan Thanh Bảng: "Người kinh doanh thuốc phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật"

Toàn tỉnh hiện có 110 nhà thuốc và trên 840 quầy thuốc. Sở Y tế đang phối hợp với Viettel và VNPT Quảng Ngãi triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc; đồng thời triển khai tập huấn, hướng dẫn, cài đặt phần mềm quản lý đối với các nhà thuốc từ tháng 8.2018 đến nay. Trên địa bàn tỉnh đã có 97 nhà thuốc được các đơn vị cung cấp phần mềm, để kết nối đến hệ thống dược quốc gia. Đối với các quày thuốc, đến 31.12.2019 phải hoàn thành việc kết nối mạng với hệ thống.

Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc, chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn thuốc và thực hiện tư vấn khi bán thuốc không kê đơn; lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết. Những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về chuyên môn dược, Sở Y tế sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Bên cạnh quản lý thông qua dữ liệu phần mềm, thì ý thức tuân thủ pháp luật của người kinh doanh thuốc là yếu tố quyết định hơn cả.

Để giải quyết tận gốc vấn đề phải thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất, quản lý và cơ sở kinh doanh thì mới chấn chỉnh được tình trạng mua, bán thuốc khó kiểm soát như hiện nay.

Chuyên viên CNTT chuyên trách lĩnh vực y tế (Viettel Quảng Ngãi) Lê Tấn Hoàng: "Tích cực hỗ trợ nhà thuốc cài đặt phần mềm quản lý"

Đến thời điểm này, Viettel đã tạo tài khoản cài đặt phần mềm cho 56 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Các nhà thuốc chỉ cần mở cổng kết nối cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin đưa lên cổng thông tin của Cục Quản lý Dược. Chúng tôi xây dựng 3 kênh hỗ trợ, đó là tư vấn trực tiếp, từ xa qua mạng xã hội, điện thoại và qua tổng đài bộ phận chăm sóc khách hàng, để hỗ trợ người dân.

Trong quá trình triển khai đơn vị gặp không ít khó khăn, do nhiều nhà thuốc, quày thuốc chưa có máy tính, một số người kinh doanh lớn tuổi chưa thành thạo công nghệ... Số lượng lớn quày thuốc không tập trung, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chúng tôi phải tăng cường nhân lực đến hỗ trợ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, nên tốn khá nhiều thời gian.

Trưởng khoa Dược (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) Phan Thị Trang: "Nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định dễ dẫn đến kháng thuốc"

Theo tôi, việc quản lý nhà thuốc qua việc ứng dụng CNTT là cần thiết. Bởi lâu nay, việc sử dụng thuốc kháng sinh không theo kê đơn của bác sĩ sẽ dễ dẫn đến nhiều tác dụng phụ ngoài mong muốn. Nếu sử dụng trong thời gian dài dễ dẫn đến việc vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc, việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc  quản lý mua, bán thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc, cần quản lý việc bán thuốc của bác sĩ ở phòng khám tư.

Điều đáng lo ngại là nhiều nhà thuốc cố tình mua thuốc trôi nổi, thuốc nhập lậu để bán. Tất nhiên các loại thuốc này họ không nhập vào hệ thống, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra mới phát hiện, nên rất khó để kiểm soát bằng công nghệ. Chính vì vậy, việc quản lý phải đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đầu vào, đến việc kinh doanh thì mới mang lại hiệu quả.

Đại diện nhà thuốc Minh Vương (TP.Quảng Ngãi), chị Vũ Ngọc Minh Vương: "Khó thuyết phục người dân mua thuốc theo đơn"

Nhà thuốc của chúng tôi đã trang bị máy tính và kết nối với mạng của Viettel để kết nối lên hệ thống với trên 1.000 mặt hàng thuốc. Trước đây, người dân đến chỉ cần nói mua thuốc kháng sinh, hay thuốc huyết áp, thuốc tránh thai... đều dễ dàng bán, nhưng nay thì mọi thứ phải đưa vào hệ thống phần mềm, nên phải bán theo đơn bác sĩ.

Tuy nhiên, rất khó thuyết phục người dân đến mua theo yêu cầu. Chúng tôi đã kiên trì giải thích với người dân là, nên đi khám bệnh trước để bác sĩ kê đơn rồi hãy mua thuốc. Song làm như vậy sẽ dễ mất khách hàng. Bởi nếu phần mềm không triển khai đồng bộ, nhà thuốc này không bán, thì họ mua ở  nhà thuốc khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn về chi phí thuê nhân viên nhập liệu vào máy vi tính và tốn kém chi phí cho nhà mạng mỗi năm gần 1,8 triệu đồng.


KIM NGÂN
(thực hiện)


 


.