Cần làm rõ việc chi, nhận tiền chế độ thương binh

10:03, 18/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, dư luận ở TP.Quảng Ngãi xôn xao trước thông tin có hàng chục trường hợp thương binh ở phường Trần Phú, Quảng Phú, Chánh Lộ, Nguyễn Nghiêm và Lê Hồng Phong bỗng nhiên không có người đến phường nhận tiền chế độ chính sách, trong khi trước đó đều có người ký nhận thay.

Nhận tiền, nhưng không có tại địa phương

Từ ngày 1.7.2018, Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi đã chuyển tiền cho các xã, phường để thực hiện chi trả tiền chế độ thương binh đối với những người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. Theo danh sách chuyển 104 thương binh đương chức về xã, phường nhận tiền chế độ, thì tại phường Chánh Lộ có 10 thương binh, nhưng chỉ có 3 người sinh sống tại phường trùng với tên trong danh sách.

Người dân nhận tiền chế độ thương binh tại phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi.
Người dân nhận tiền chế độ thương binh tại phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi.


Nhận thấy có điều không bình thường, UBND phường Chánh Lộ yêu cầu 20 tổ dân phố rà soát thì phát hiện có 7 trường hợp chưa từng sinh sống tại địa phương. Trong khi đó, có một người đang công tác tại Phòng Nội vụ TP.Quảng Ngãi xưng là người thân của các đối tượng trên liên hệ ký nhận tiền thay. Chị Lê Thị Bích Thảo, cán bộ LĐ-TB&XH phường yêu cầu đưa giấy ủy quyền của 7 thương binh thì người này không xuất trình. "Từ tháng 8.2018 đến nay, không có ai liên hệ để nhận tiền chính sách hằng tháng cho 7 trường hợp này nữa. Sau đó, UBND phường Chánh Lộ lập hồ sơ chuyển trả số tiền nói trên cho Phòng LĐ-TB&XH thành phố", chị Thảo cho biết.

Việc chi trả tiền chế độ cho thương binh là thực hiện theo ủy quyền của Sở LĐ-TB&XH, nên thành phố phải làm việc với lãnh đạo Sở để thống nhất hướng xử lý. Trên cơ sở báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH, UBND TP.Quảng Ngãi sẽ thành lập đoàn thanh tra để làm rõ vụ việc. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.


Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi
                   PHẠM TẤN HOÀNG

Còn tại phường Quảng Phú, Phòng LĐ-TB&XH thành phố chuyển danh sách 9 thương binh đương chức có địa chỉ ở phường để phường chi trả tiền. Qua rà soát, UBND phường Quảng Phú nhận thấy không có ai có tên trùng với danh sách mà Phòng LĐ-TB&XH thành phố cung cấp. Sau khi rà soát, phường phát hiện có người ký nhận tiền thay nên yêu cầu người này về làm giấy ủy quyền. Tuy nhiên, sau đó người này không đến cung cấp giấy ủy quyền và cũng không có ai đến nhận tiền, nên phường báo cáo và trả lại tiền cho Phòng LĐ-TB&XH thành phố.

“Tháng 10.2018, phường chuyển tôi danh sách 9 thương binh và yêu cầu rà soát. Tuy nhiên, do mới làm tổ trưởng tổ dân phố nên tôi họp cấp ủy, ban dân chính để trao đổi thông tin. Qua nhiều lần rà soát và trao đổi với các tổ dân phố khác thì nhận thấy trên địa bàn phường không có ai trùng với tên trong danh sách đang sống tại phường”, ông Dương Quốc Sỹ - Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Quảng Phú cho biết.

Chi trả chưa đúng nguyên tắc

Trong khi phường Quảng Phú và Chánh Lộ cương quyết không cho nhận tiền thay khi không có giấy ủy quyền, thì ở phường Trần Phú, Nguyễn Nghiêm và Lê Hồng Phong, từ tháng 7.2018 đến tháng 12.2018 vẫn cho người khác nhận thay tiền chế độ thương binh, mặc dù người nhận không có giấy ủy quyền.

Ba thương binh không sinh sống tại phường Nguyễn Nghiêm, nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền. Sau khi phát hiện, UBND phường Nguyễn Nghiêm đã hoàn trả lại cho Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi.
Ba thương binh không sinh sống tại phường Nguyễn Nghiêm, nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền. Sau khi phát hiện, UBND phường Nguyễn Nghiêm đã hoàn trả lại cho Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi.


Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ LĐ-TB&XH phường Trần Phú cho biết: Sau khi Phòng LĐ-TB&XH thành phố chuyển danh sách 20 người về phường để chi trả tiền chế độ thương binh thì có 9 người không có địa chỉ, không trực tiếp đến nhận. Tuy nhiên, khi chi trả tiền thì một chị đang công tác tại Phòng LĐ-TB&XH thành phố liên hệ nói những người trong danh sách là người thân nên phường cho nhận giùm 1 tháng. Còn từ tháng 8 - 12.2018 thì có một chị đang công tác tại Phòng Nội vụ thành phố liên hệ nhận giùm, mặc dù không có giấy ủy quyền.

“Nhiều lần tôi yêu cầu chị này làm giấy ủy quyền, nhưng chị ấy không thực hiện. Tôi nghĩ, với cương vị công tác của chị này nên tôi đồng ý cho nhận thay. Đến tháng 1.2019, phường yêu cầu phải có giấy ủy quyền mới cho nhận thì chị này không liên hệ nhận tiền và quà Tết 2019 của 9 người nói trên”, chị Hạnh cho biết thêm.

Còn tại phường Nguyễn Nghiêm có 3 trường hợp là: Nguyễn Đức Linh (thương binh 51%), Nguyễn Thị Tuyết Nhung (thương binh 51%), Nguyễn Tấn Cường (thương binh 61%) không sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên, từ tháng 7 - 12.2018, cán bộ LĐ-TB&XH phường vẫn cho người khác nhận thay tiền chế độ. “Sau khi rà soát, thấy các tổ dân phố báo cáo không có những người này sinh sống tại địa phương, nên phường yêu cầu cán bộ LĐ-TB&XH phường ngừng chi trả và báo cáo vụ việc cho Phòng LĐ-TB&XH thành phố và UBND thành phố”, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Nghiêm Bùi Phú Huy nói.

Tiền tỷ đi đâu?
 

Tỉnh ta đã triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2014 - 2015) theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cũng không phát hiện 33 trường hợp trên, mặc dù có dư luận về việc ký nhận tiền thay kéo dài từ nhiều năm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong danh sách 104 thương binh đương chức chuyển về nhận tiền chế độ tại xã, phường từ 1.7.2018 thì có 33 người ở 5 phường nói trên không có địa chỉ cụ thể và cũng không rõ họ công tác, làm việc tại cơ quan, đơn vị nào. Các trường hợp này, từ năm 2006 đến nay đều không liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH thành phố để nhận tiền chế độ, tiền quà Tết, tiền điều dưỡng... mà do người khác ký nhận thay. Thời điểm giữa năm 2014, số tiền chính sách phải chi trả cho 33 người này khoảng 64 triệu đồng/tháng và hiện nay là khoảng 75 triệu đồng/tháng.

Bà M, nguyên nhân viên hợp đồng lao động của Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi cho biết: "Khi tôi làm việc tại Phòng LĐ-TB&XH thành phố, thủ quỹ của phòng có nhờ tôi ký thay vào hồ sơ để họ chuyển tiền cho người khác nhận thay cho các thương binh. Khi ký, thủ quỹ của phòng có nói với tôi đây là những thương binh chuyển từ Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng và đang công tác tại lực lượng công an, Nhà máy đường Quảng Ngãi, nhưng do bận công tác nên không đi nhận được... Hơn nữa, vì chỗ quen biết nên tôi ký, chứ tôi không nghĩ sự việc lại phức tạp như hiện nay...".

Lý giải về vụ việc trên, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi Phạm Phới nói: Trong số 104 thương binh đương chức chuyển về các phường từ 1.7.2018 thì có 33 trường hợp không rõ địa chỉ, không có số điện thoại, không đến nhận tiền và được các phường báo cáo về phòng mới đây. Còn lý do vì sao họ không đến nhận tiền thì phòng chưa biết. Hiện nay, phòng đã báo cáo vụ việc cho lãnh đạo UBND thành phố.


Bài, ảnh: HƯƠNG MINH


 


.