Hỗ trợ thoát nghèo: Nhiều hộ dân tự ý bán bò

10:08, 09/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng mua bò giống hỗ trợ cho người dân để có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả trái với kỳ vọng, đàn bò giống không sinh trưởng thêm mà ngày càng giảm dần, vì nhiều hộ dân tự ý bán bò lấy tiền sử dụng vào mục đích khác.



Quản lý không chặt chẽ

Tháng 10.2017, gia đình ông Võ Nhạc, hộ nghèo ở thôn Bàn An, xã Phổ Quang (Đức Phổ) được hỗ trợ một con bò giống từ chương trình hỗ trợ sản xuất giúp người dân thoát nghèo của UBND huyện Đức Phổ, với giá trị khoảng 10 triệu đồng. Chưa đầy 2 tháng sau, bò bị bệnh nên gia đình ông Nhạc bán bò với giá khoảng 4 triệu đồng. Theo chị Võ Thị Mai, con gái ông Nhạc, lúc nhận bò, chính quyền địa phương không yêu cầu gia đình phải báo cáo với lãnh đạo thôn, xã khi bò bị bệnh, nên đã tự ý bán.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Quang (Đức Phổ) Lê Văn Cường trao đổi với người dân về lý do tự ý bán bò Nhà nước hỗ trợ.     Ảnh: NG.TRIỀU
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Quang (Đức Phổ) Lê Văn Cường trao đổi với người dân về lý do tự ý bán bò Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: NG.TRIỀU


Gia đình ông Võ Nhạc là 1 trong số 60 hộ dân ở xã Phổ Quang được hỗ trợ bò giống (bình quân 10 triệu đồng/con), nhưng đến nay có 7 hộ tự ý bán bò. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Quang Lê Văn Cường, sau khi nhận bò hỗ trợ, một số hộ tự ý bán, không báo cáo với UBND xã. Lý giải nguyên nhân tự ý bán bò, nhiều hộ dân cho rằng bò bị bệnh; mặt khác chính quyền địa phương không yêu cầu phải cam kết thời gian chăn nuôi. Thực tế trên cho thấy, việc xét cấp bò cho các đối tượng chăn nuôi trên địa bàn xã chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, một số hộ không đảm bảo các điều kiện và khả năng chăn nuôi.
 

"Ở xã Phổ Quang, trong khi chương trình hỗ trợ bò sinh kế cho người dân qua kênh của chính quyền có nhiều bất cập, thì chương trình hỗ trợ bò cái sinh sản cho hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện từ năm 2015 đến nay lại phát huy hiệu quả. Từ 8 con bò giống ban đầu, đến nay số lượng bò tăng lên 14 con. Khi giao bò cho dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm lý lịch quản lý cá thể bò; bò được cấp do người dân được chọn mua tại địa phương, có nguồn gốc rõ ràng, không bị bệnh; người dân nhận bò cam kết làm chuồng trại, không bán bò giống... Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thường xuyên đến nhà từng hộ dân để kiểm tra việc chăn nuôi bò".


Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Quang (ĐứcPhổ)  LÊ VĂN CƯỜNG

Bò giống không phù hợp điều kiện chăn nuôi  

Ở huyện Bình Sơn, một số hộ dân cũng đã tự ý bán bò sau khi được Nhà nước hỗ trợ. Trong 2 năm (2016-2017), từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND các xã trên địa bàn huyện đã mua 520 con bò để hỗ trợ cho 520 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 7,6 tỷ đồng. Để gắn kết trách nhiệm trong chăn nuôi, các địa phương yêu cầu người dân đóng góp kinh phí đối ứng để làm chuồng trại, mua thức ăn cho bò hoặc đóng góp cùng với kinh phí Nhà nước để mua bò với số tiền từ 1-4 triệu đồng, tùy vào điều kiện của từng hộ và từng địa phương.

Qua khảo sát tại 10 xã trên địa bàn huyện Bình Sơn cho thấy, trong số 260 con bò hỗ trợ cho 260 hộ dân thì có 37 trường hợp tự ý bán bò, 11 con bò bị chết, chỉ có duy nhất 1 hộ có bò giống đẻ được 1 con bê. Hàng chục hộ dân bán bò sau khi nhận nuôi từ 2-5 tháng. Nguyên nhân bán bò theo lời người dân là do không có điều kiện chăn nuôi, bò bị bệnh, bò nuôi không phát triển, có trường hợp cần tiền hoặc gia đình không muốn nuôi nữa nên bán. Trong khi giá trị mỗi con bò Nhà nước bỏ tiền mua cả chục triệu đồng, nhưng nhiều hộ dân chỉ bán với giá 4-7 triệu đồng/con. Người dân ở các xã ven biển còn cho biết, loại bò lai được hỗ trợ không thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ giống bò cỏ địa phương.

Mô hình sinh kế hỗ trợ bò cho hộ nghèo để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế hộ có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, kết quả trái với kỳ vọng, việc hỗ trợ bò không giúp người dân phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống, mà còn gây lãng phí tiền của Nhà nước. Từ thực tế ở các địa phương nói trên, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện vào cuộc kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ này, khắc phục tình trạng người dân tự ý bán bò lấy tiền sử dụng không đúng mục đích.


 P.LÝ-NG.TRIỀU




 


.