Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư: Cần chú trọng khâu thẩm định

09:04, 23/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành quả trong thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua là rất đáng ghi nhận. Các dự án trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ngãi đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án “treo”, gây lãng phí đất đai...


Xin dự án... rồi để đó

Đó là thực trạng đã và đang xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là ở TP.Quảng Ngãi. Nhiều dự án sau khi được cấp giấy phép đầu tư đã không thực hiện dự án như cam kết ban đầu. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn thiếu thiện chí trong phối hợp giải quyết những tồn tại, vướng mắc.

Dự án khu du lịch biển Mỹ Khê sau 8 năm vẫn chỉ là bãi đất trống.
Dự án khu du lịch biển Mỹ Khê sau 8 năm vẫn chỉ là bãi đất trống.


Dự án khu du lịch biển Mỹ Khê do Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 27.1.2010, với tổng vốn đầu tư 824 tỷ đồng. Sau khi được cấp phép, nhà đầu tư triển khai giải phóng mặt bằng, hoàn thành 80% khối lượng san lấp mặt bằng và xây dựng một số công trình. Tuy nhiên, đến tháng 10.2012, dự án tạm ngừng triển khai xây dựng cho đến nay, dù đã bỏ ra 111 tỷ đồng để thực hiện. Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, nhà đầu tư cho rằng, do khó khăn về tài chính khi ngành dầu khí thực hiện tái cơ cấu. Đến nay, khu đất rộng hơn 23ha như một bãi đất hoang, cỏ cây mọc um tùm.

Tương tự, dự án Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghệ Dung Quất, tại phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào ngày 5.9.2011, với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, diện tích 3,71ha. Đến nay, khu đất này chỉ có nhà hiệu bộ, 2 khu nhà lý thuyết, thực hành, thư viện xây dựng dang dở. Dự án này chủ đầu tư cũng viện lý do gặp khó khăn về tài chính.

Không chỉ hai dự án trên, mà tại KKT Dung Quất và các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, hình ảnh những bãi đất hoang, những khối nhà trơ trọi giữa bốn bề cây cỏ là không hề hiếm. Chuyện nhà đầu tư “xí phần” rồi để đó, không chỉ làm hạn chế công tác thu hút đầu tư của tỉnh, mà việc xử lý những dự án chậm tiến độ cũng đầy khó khăn.

Đề nghị thu hồi những dự án nghìn tỷ

Theo thống kê, đến cuối năm 2017, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 224 dự án (chưa tính 11 dự án khai thác quỹ đất và 261 dự án trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh). Trong số 38 dự án triển khai chậm tiến độ (không tính 5 dự án khu dân cư, khu đô thị-PV), có 8 dự án đủ điều kiện chấm dứt hoạt động và thu hồi.

Dự án Nhà máy Bột giấy Tân Mai Quảng Ngãi do Công ty CP Tập đoàn Tân Mai làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, được UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư vào ngày 30.3.2009, trên diện tích 45ha. Ngay sau khi cấp phép, nhà đầu tư đã tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà văn phòng... Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, nên từ cuối năm 2012 đến nay, dự án ngừng triển khai, dù đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Một dự án nghìn tỷ nằm trong diện đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư là dự án Thông luồng, nạo vét, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại. Dự án được cấp phép thực hiện vào ngày 10.7.2009, do Công ty CP Trường Phát Lộc và Công TNHH TM-DV Ngọc Việt làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 1.468 tỷ đồng. Sau 5 năm kể từ ngày cấp phép, nhà đầu tư đã nạo vét hơn 2,8 triệu m3 cát, dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), khiến người dân phản đối, nên dự án dừng lại vào năm 2013.

Không nên nóng vội trong thu hút đầu tư

Để đánh giá tính hiệu quả trong thu hút đầu tư, không chỉ nhìn vào những con số bề nổi mà cần phải nhìn nhận một cách khách quan đối với những việc đã làm được và chưa được, để thực hiện một cách bền vững.

Bài học về thu hút đầu tư nóng vội, quyết tâm “lấp chỗ trống” ở một số dự án tại các KKT, KCN, CCN thời gian qua, là minh chứng rõ nhất. Nhiều dự án được xem là đòn bẩy, là động lực trong thu hút đầu tư của tỉnh, nhưng cuối cùng lại không triển khai. Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, có một thực tế rất rõ là, năng lực của một số nhà đầu tư yếu, nhưng lại đầu tư theo phong trào, đầu tư dàn trải nhiều dự án, nên gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.

Có những nhà đầu tư khó khăn thật sự, nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp chưa làm thật, không chịu triển khai đầu tư mà cố tình “giữ đất”, để chuyển nhượng dự án, kiếm lợi nhuận. Mặt khác, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nên nhiều dự án bị chậm tiến độ, khiến cho cả chính quyền lẫn nhà đầu tư mỏi mệt.

Nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các sở, ban ngành cho rằng, muốn tăng tính ổn định, sự hiệu quả trong thu hút đầu tư, ngoài việc "trải thảm" mời gọi đầu tư, tỉnh cần có một ban hỗ trợ trong việc “thẩm định” tính khả thi của dự án, phù hợp với nhu cầu của tỉnh, cũng như đánh giá chính xác năng lực của nhà đầu tư. Việc đánh giá này là vô cùng quan trọng, bởi đây là cơ sở để có thể thực hiện phép loại trừ ngay từ đầu đối với các nhà đầu tư yếu kém, giúp tỉnh đỡ mất thời gian trong việc tiếp xúc, thực hiện các phần việc liên quan đến dự án và hậu thu hồi.


Bài, ảnh: L.ĐỨC-P.DANH

 

Phải thẩm định chặt chẽ năng lực nhà đầu tư

Đó là ý kiến của thạc sĩ Huỳnh Ngọc Nghiêm - Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Tài chính - Kế toán về những tồn tại trong công tác thu hút đầu tư hiện nay.

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Nghiêm cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư khi trình hồ sơ xin dự án đều trưng ra những điều tốt đẹp nhất. Khi đó, các cơ quan tham mưu của tỉnh nếu có năng lực tốt về thẩm định, có thể can thiệp kịp thời, còn nếu năng lực thẩm định dự án kém, hoặc thẩm định không chặt chẽ, quá trình “gác cổng” coi như bằng không.

PV: Để thu hút đầu tư, tỉnh ta có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng thực tế những ưu đãi ấy vẫn chưa mang lại hiệu quả khi nhiều nhà đầu tư bỏ mặc dự án?

Thạc sĩ HUỲNH NGỌC NGHIÊM: Hỗ trợ nhà đầu tư nhiều, nhưng chúng ta không đủ khả năng để thẩm định năng lực của nhà đầu tư, hoặc có, nhưng làm không đến nơi đến chốn, dẫn đến một số dự án chiếm đất, xí phần. Kêu gọi đầu tư đã khó, nhưng thu hồi cũng đâu có dễ, bởi doanh nghiệp (DN) đã bỏ tiền ra rồi.

Chúng ta cần phải thật sự quyết liệt trong thu hút đầu tư, ưu đãi hết khung phải đi kèm với xử lý nghiêm, nếu chậm tiến độ, chứ không thể gia hạn nhiều lần mà nhà đầu tư không có quyết tâm triển khai dự án.

PV: Để thu hút đầu tư hiệu quả, theo ông tỉnh cần làm những gì?

Thạc sĩ HUỲNH NGỌC NGHIÊM: Thu hút đầu tư không nên nhìn vào số vốn đầu tư, không nhìn vào vốn điều lệ của DN, mà nên nhìn vào các dự án mà DN đó đã thực hiện, tham khảo các địa phương khác mà DN này đã có dự án để thẩm định. Tỉnh cũng cần phải rà soát lại hệ thống văn bản trong thu hút đầu tư, vì hiện nay nhiều văn bản còn chồng chéo. Luật Đầu tư quy định, khi đã cấp đất cho DN thì DN gần như toàn quyền sử dụng theo thời hạn cấp phép. DN làm nửa vời, muốn thu hồi đâu dễ, bởi họ thực hiện dự án kiểu “cù cưa”, nhưng đúng luật, thì thu hồi cách nào. Còn để DN tồn tại thì lãng phí quỹ đất, DN có năng lực thật sự không thể vào được.

Do đó, ngay từ đầu, khâu thẩm định DN phải thực hiện kỹ càng, rà soát lại doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DN. Bởi lợi nhuận sau thuế càng lớn, mới thể hiện năng lực nhà đầu tư. Vì đa phần DN đều “ém” doanh thu, nên lợi nhuận sau thuế là con số thực nhất, để đánh giá nhà đầu tư. Bên cạnh đó, phải đánh giá tiến độ dự án theo từng mốc thời gian, tình hình tài chính của DN... để đôn đốc. Từ đây, tỉnh có thể dễ dàng nắm thông tin của DN để xử lý kịp thời, nếu “sức khỏe” nhà đầu tư có vấn đề.

Ngoài ra, cần phải quy trách nhiệm đối với cơ quan thẩm định dự án, làm rõ trách nhiệm từ đầu, xử lý từng người cụ thể. Với nhà đầu tư phải thông thoáng, nhưng chúng ta có quyền thẩm định dự án và đây là “mắt xích” quan trọng nhất, để không lọt những dự án nửa vời.


NGỌC QUANG (thực hiện)

 

 


.