Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

02:03, 05/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) gặp phải rất nhiều tồn tại, vướng mắc. Để DN phát triển ổn định, bền vững rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều tồn tại, bất cập

Đã 3 năm trôi qua, nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để đầu tư hạng mục vườn hoa trang trí, tạo cảnh quan trước dự án Khu dịch vụ Dầu khí tổng hợp Dung Quất của Công ty CP Dịch vụ dầu khí (PTSC) Quảng Ngãi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù DN đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp ngành, địa phương liên quan.

Bên cạnh đó, PTSC Quảng Ngãi còn “phàn nàn” việc xây đường dẫn vào khu vực dự án Bến số 2 – Cảng tổng hợp Dung Quất. Theo Giám đốc PTSC Quảng Ngãi Phạm Văn Hùng, những tồn tại, vướng mắc trên không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như định hướng phát triển của DN mà còn khiến cho nhà đầu tư “mệt mỏi”.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng kiểm tra, động viên DN sản xuất kinh doanh tại KCN Tịnh Phong sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.                         Ảnh: LAM UYÊN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng kiểm tra, động viên DN sản xuất kinh doanh tại KCN Tịnh Phong sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ảnh: LAM UYÊN


Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ, bên cạnh khó khăn trong quy hoạch, đầu tư vùng nguyên liệu, thì một khó khăn nữa là đầu ra của sản phẩm. Nhiều DN cho biết, hưởng ứng lời mời gọi của địa phương nên đến tìm hiểu, đầu tư với ý nghĩ sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân, nhất là ở khu vực miền núi. Thế nhưng, sau một thời gian đầu tư, DN gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, trong đó đầu ra sản phẩm là vấn đề nan giải nhất đối với DN.
 

Theo thống kê đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 489 dự án được cấp phép đầu tư (441 dự án trong nước và 48 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 185.580 tỷ đồng. Gần 200 nghìn tỷ đồng thu hút đầu tư đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Bên cạnh đó, việc đầu tư dự án khu vui chơi, giải trí và sân golf trên địa bàn tỉnh cũng đang vướng mắc về thủ tục. Lãnh đạo Công ty Hào Hưng cho biết, Dự án Khu phức hợp vui chơi giải trí Hào Hưng của công ty, được cho chủ trương đầu tư từ tháng 3.2017, nhưng hiện đang vướng về thủ tục, nên không thể triển khai các bước tiếp theo.

Dự án có tổng diện tích 268ha tại hai xã Tịnh Long và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), trong đó có 67ha quy hoạch sân golf. Tuy nhiên, vì Quảng Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf tại KKT Dung Quất, nên giờ muốn xây dựng sân golf ở khu vực khác thì phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, vướng mắc nan giải nhất đối với các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án là công tác đền bù, GPMB. Điển hình là dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn Tây, với công suất 18MW của Công ty TNHH MTV Năng lượng Sovico Quảng Ngãi (Sovico Quảng Ngãi). Giám đốc Sovico Quảng Ngãi Triệu Tiến Dũng cho biết, đến nay công tác GPMB đạt 90% và dự án đã triển khai được 70% giá trị công trình. Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB nên phải dừng thi công 6 tháng nay, khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng nói là mặt bằng dự án chỉ còn một hộ gia đình và hộ này đòi hỏi việc bồi thường quá cao,  nên DN không thể đền bù theo mức giá này. “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp của tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc  để tạo thuận lợi cho DN triển khai dự án, cũng như không để lại tiền lệ xấu trong công tác GPMB cho các dự án sau này”, ông Triệu Tiến Dũng kiến nghị.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi thực hiện các dự án công trình công cộng, quốc phòng an ninh, còn dự án của các DN phát triển kinh tế không thuộc nhóm Nhà nước phải thu hồi đất. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án của DN bị “dính” việc bồi thường, GPMB, nhất là các dự án thuỷ điện.

“Sắp tới UBND tỉnh sẽ giao cho Sở TN&MT chủ trì cùng với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh và một số ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh một giải pháp hữu hiệu để thực hiện và đảm bảo theo quy định pháp luật”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính khẳng định.

Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh còn mở nhiều kênh tiếp nhận các kiến nghị của DN. Điều này đã góp phần giải quyết căn bản những tồn tại, vướng mắc của DN trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều vấn đề mà DN gặp phải từ thực tế, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn.

Tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc cũng như giải quyết những kiến nghị của DN là vấn đề mà các cấp ngành của tỉnh cần phải thực hiện lúc này. Bởi nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ dẫn đến sự “chán nản” của DN khi họ phải “tự bơi” trong quá trình làm ăn tại tỉnh. Bên cạnh đó, những rào cản sẽ là trở ngại lớn đối với công tác thu hút đầu tư mà tỉnh đang hướng đến con số 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

P.DANH - L.ĐỨC
 

 

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi xoay quanh vấn đề tiếp nhận kiến nghị và đề xuất tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.

Bà Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Cộng đồng DN đã đóng góp rất lớn vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở KH&ĐT luôn nỗ lực đồng hành cùng DN, nhất là việc lắng nghe, tiếp nhận những kiến nghị, vướng mắc của DN và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để giải quyết. Trong đó, năm 2018 sẽ tiếp tục tham mưu tháo bỏ những rào cản về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền của Sở; tiếp nhận kiến nghị của DN qua nhiều kênh thông tin khác nhau để xử lý hiệu quả, nhằm hỗ trợ tối đa cho DN.

PV: Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong quá trình tiếp cận và phục vụ DN. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập mà DN gặp phải, theo bà, nguyên nhân do đâu?

Bà TRẦN THỊ MỸ ÁI: Thời gian qua rất nhiều tồn tại, vướng mắc của DN sau khi phản ánh, kiến nghị được Sở KH&ĐT tổng hợp trình UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương liên quan tập trung tháo gỡ và bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định, mang lại niềm tin cho DN. Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc phát sinh khi DN triển khai dự án mới gặp phải. Bên cạnh đó, có nhiều DN trong quá trình thực hiện chưa hiểu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nên khi thực hiện sẽ lúng túng, dẫn đến tồn tại kéo dài.

PV: Để đạt được mục tiêu thành lập mới 1.000 DN trong năm 2018, cũng như tiếp tục tăng cường thu hút dự án đầu tư vào tỉnh, vấn đề đặt ra hiện nay là gì, thưa bà?

Bà TRẦN THỊ MỸ ÁI: Bên cạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đối với nhà đầu tư, chúng ta cần tập trung tháo gỡ những tồn tại liên quan đến công tác  bồi thường, GPMB các dự án. Cần bố trí những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu, nắm bắt công việc, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm để hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, nhất là khâu giao đất, cho thuê đất, bồi thường, GPMB, cấp phép xây dựng. Tránh trường hợp gây khó dễ, hướng dẫn nhiều lần, bắt nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần tốn kém về chi phí và thời gian.

Về phía nhà đầu tư, sau khi được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cần liên hệ Sở KH&ĐT để tiến hành thỏa thuận ký quỹ đầu tư, hoặc thực hiện thỏa thuận khấu trừ ký quỹ đầu tư (nếu trước đó đã thực hiện khối lượng bồi thường, GPMB và được địa phương phê duyệt phương án bồi thường). Đây được xem như cam kết đầu tư dự án tại địa phương. Đồng thời, thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất gắn với lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường...

Ngoài ra, nhà đầu tư phải có kế hoạch chuẩn bị về nguồn lực, vật lực để triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ theo dự án được thẩm định và phê duyệt. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành và địa phương rà soát lại những dự án nào cấp giấy phép với thời gian dài mà không thi công, thì sẽ có phương án thu hồi; còn những dự án gặp khó khăn về thủ tục sau cấp chủ trương đầu tư về bồi thường, GPMB sẽ tham mưu, đề xuất những giải pháp hỗ trợ dự án sớm triển khai và đi vào khai thác.


P.DANH - L.ĐỨC
(thực hiện)

 


 


.