Cai nghiện ma túy tại cộng đồng: Hiệu quả chưa cao, vì sao?

01:08, 14/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Điều trị ma túy dựa vào cộng đồng được xem là một mô hình mang tính nhân văn, nhờ không tách rời người nghiện ra khỏi cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, mô hình này hiện đã bộc lộ rất nhiều hạn chế.

Theo Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có 310 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trước đây, người nghiện ma túy chủ yếu do sử dụng heroin thì nay có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp (dạng ma túy đá). Để giúp người nghiện làm lại cuộc đời, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Nhiều giải pháp cai nghiện

Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Năm 2007, khi triển khai mô hình “Tổ phụ nữ vận động chồng con, người thân cai nghiện và quản lý sau cai” ở tổ 9, hội đã sắp xếp thời gian tiếp cận chị em có con em không may bị nghiện ma túy, tạo điều kiện giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, mặc cảm, để hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp với Công an phường vận động, tuyên truyền và ký 14 hồ sơ đề nghị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, giúp đỡ 8 gia đình có con bị nghiện ma túy vay vốn ngân hàng 150 triệu đồng, để làm kinh tế... Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số gia đình chưa cương quyết trong việc đưa con đi cai nghiện, nên thường xuyên tái nghiện.

Các đối tượng nghiện ma túy tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Các đối tượng nghiện ma túy tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.


Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Võ Mẫn, ngoài số cai nghiện tại các trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy trong và ngoài tỉnh, còn có 82 người tham gia điều trị cai nghiện ma túy bằng việc uống methadone hằng ngày tại trung tâm. Sau một thời gian điều trị, đa phần những người nghiện đã không sử dụng heroin trở lại. Biện pháp gắn kết chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã giúp bệnh nhân cải thiện được sức khỏe, có công ăn việc làm, giảm gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp tuy tự nguyện đến điều trị, nhưng uống đối phó, nên ra ngoài vẫn dùng thêm ma túy...

Anh B. ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Tôi từng điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thành công, nhưng về nhà được 2 năm thì bị bạn bè rủ rê, nên tái nghiện. Sau khi điều trị cắt cơn, tôi đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh dùng thuốc methadone. Sau 2 năm điều trị tôi không còn dùng heroin, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định.
 

Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Quảng Ngãi, trung tá Vũ Thanh Hùng cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động đối tượng nghiện hút từ bỏ ma túy là một việc không hề đơn giản, bởi những đối tượng này sẽ bất chấp tất cả để thỏa mãn mỗi khi lên cơn nghiện. Thêm vào đó, đa số gia đình các đối tượng nghiện ma túy có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, khi đối tượng đã nghiện nặng thì phải điều trị cắt cơn tại trung tâm cai nghiện của tỉnh và phải đóng tiền thì nhiều gia đình không có điều kiện. Thêm nữa là, sau khi được tổ chức cai nghiện, có đối tượng tiếp tục quan hệ với một số bạn bè có sử dụng ma túy,  nên tỷ lệ tái nghiện rất cao...

Nhưng còn hạn chế

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, song việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn nhiều hạn chế. Đó là, cơ sở vật chất phục vụ cai nghiện còn thiếu, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ở cơ sở chưa chặt chẽ, nên chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác cai nghiện.

Sự lồng ghép các chương trình phòng, chống tệ nạn ma túy chưa được thường xuyên, nên số đối tượng được dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm đạt rất thấp. Ý thức của người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa tốt. Họ không tuân thủ đúng và đầy đủ phác đồ điều trị, không hợp tác với các cán bộ điều trị, khiến việc cai nghiện kéo dài, nhưng không đạt kết quả.

Theo bác sĩ Võ Mẫn, việc đòi hỏi sự tự giác của người nghiện tham gia là rất khó. Rất ít trường hợp tự đến cai nghiện mà đa phần là do gia đình đưa đến, khi người nghiện đã nghiện quá nặng.

Nguyên nhân chính là do sự kỳ thị trong cộng đồng khiến thân nhân, gia đình người nghiện không chủ động khai báo tình trạng nghiện của người thân mình. Ngoài ra, công tác quản lý, tư vấn, giáo dục để giúp bệnh nhân rèn luyện hành vi, nhân cách cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi với mô hình này, người nghiện ma túy vẫn ở trong cộng đồng, nơi mà người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn ma túy, người nghiện rất khó từ bỏ ma túy, nếu không ý thức được sự nguy hiểm và có sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Trước tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch cai nghiện ma túy và quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu giảm dần tỷ lệ cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, có 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đang có mặt tại địa phương được cai nghiện. 100% người đã hoàn thành cai nghiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được quản lý sau cai nghiện với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp. Trên 60% số người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ và tạo việc làm...

Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy trong tình hình mới đạt hiệu quả như chương trình, kế hoạch của tỉnh đề ra thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, đoàn thể cấp xã trong việc tổ chức cai nghiện, quản lý, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm sau cai cho người nghiện, nhằm giúp họ có việc làm, tự ổn định cuộc sống, không bị ma túy “dụ dỗ” dẫn đến tái nghiện.


Bài, ảnh: Bá Sơn

 

Quản lý đối tượng nghiện tại cộng đồng còn bất cập

 

Đó là chia sẻ của Trưởng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ- TB&XH tỉnh) Ngô Quy Ba.

Ông Ngô Quy Ba cho rằng, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình có tính nhân văn rất cao, song hiệu quả của công tác cai nghiện, quản lý đối tượng nghiện tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân, do người nghiện, gia đình người nghiện không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện khi con mình mới chớm nghiện. Điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí, chế độ, chính sách cho công tác cai nghiện tại cộng đồng hạn hẹp.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Ngô Quy Ba: Qua theo dõi, chúng tôi thấy hầu như những người cai nghiện tại cộng đồng đều tái nghiện. Nhiều người cai nghiện thành công, nhưng 2, 3 năm sau lại tái nghiện. Nguyên nhân là do nguồn ma túy không được cách ly khỏi môi trường, có sự rủ rê của người nghiện, bạn bè, sự quản lý của gia đình không tốt. Việc tổ chức cai nghiện của đội ngũ y, bác sĩ trạm y tế chưa được đào tạo, thiếu kinh phí. Việc điều trị theo hướng uống hướng thần phải được Sở Y tế cho phép mới được mua thuốc. Sự phối hợp giữa gia đình, xã hội chưa tốt. Bản thân người nghiện chưa có ý thức cai nghiện...

Vấn đề cai nghiện tự nguyện đang bị bỏ dở, thì việc quản lý người nghiện tại địa phương chưa được thực hiện tốt. Khi xuất hiện người nghiện hoặc tái nghiện, trước đây chỉ trong vòng 6 tháng là địa phương có thể đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhưng bây giờ phải làm đủ thủ tục, hồ sơ và phải qua tòa án, nên công an hay tổ cán sự xã hội rất khó làm việc với những người nghiện.

PV: Để cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hiệu quả cần có những giải pháp gì?

Ông Ngô Quy Ba: Theo tôi cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma tuý trên cả ba lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu, giảm hại. Trong đó, trước hết là các gia đình khi phát hiện con em nghiện ma túy cần sớm đưa đi cai nghiện từ tự nguyện đến cai nghiện bắt buộc, có như thế việc cai nghiện mới thành công. Tập trung làm tốt công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ họ có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Nếu địa phương, gia đình nào quản lý, hỗ trợ sau cai nghiện tốt thì sẽ mang lại hiệu quả. Đặc biệt, địa phương, gia đình cần có những chính sách hỗ trợ sau cai nghiện ma tuý phù hợp với đối tượng, để họ có việc làm, thu nhập ổn định, để không tái nghiện.

HƯƠNG MINH  (thực hiện)

 


.