Không thể chủ quan với 8 loài cây hoa độc

09:05, 23/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 4 vừa qua, hơn 50 học sinh ở Nghệ An ăn quả ngô đồng trồng trong khuôn viên trường học bị ngộ độc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề về việc chọn lọc cây xanh, để trồng ở những nơi công cộng.

Tám loài cây hoa độc hại được Bộ Y tế công bố gồm: Ngô đồng, huỳnh anh, thầu dầu, thông thiên, bông tai, cà độc dược, cây trúc đào, lá ngón. Trên địa bàn tỉnh, 8 loài cây độc hại này cũng được trồng phổ biến ở các công viên, khuôn viên công cộng, trường học, nhà ở, nhất là các loại cây có hoa rất đẹp là huỳnh anh, thông thiên, trúc đào.

Đẹp, nhưng độc tính

Ở Quảng Ngãi, không khó để bắt gặp các loại cây thông thiên, trúc đào, huỳnh anh, cà độc dược. Chúng được trồng nhiều trên các dải phân cách, Quảng trường đường Phạm Văn Đồng, công viên Ba Tơ, công viên núi Long Đầu, các khuôn viên trong khu dân cư trên đường Nguyễn Du... Đây là những địa điểm thu hút rất đông người dân đi tập thể dục, vui chơi, nghỉ mát.

 Hoa huỳnh anh được trồng ở dải phân cách đường Phan Bội Châu (TP.Quảng Ngãi).                                              Ảnh: Đ.SƯƠNG
Hoa huỳnh anh được trồng ở dải phân cách đường Phan Bội Châu (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đ.SƯƠNG


Dọc các nẻo đường quê, những cây hoa huỳnh anh, thông thiên vàng cũng được nhiều nhà dân chọn trồng. Hàng rào nhà ông Nguyễn Tấn Vinh, ở tổ dân phố Liên Hiệp 1C, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) trồng đến 5 gốc huỳnh anh. Loại hoa này được ông Vinh đưa về trồng cách đây 3 năm. "Nghĩ cây này được trồng ở nhiều nơi công cộng, nên tôi cũng trồng, chứ đâu biết hoa này lại có độc tính nguy hiểm cho sức khỏe”, ông Vinh chia sẻ.
 

TP.Quảng Ngãi chưa có hướng xử lý

TP.Quảng Ngãi là nơi có trồng rất nhiều các loại cây trong danh sách Bộ Y tế cảnh bảo, nhưng khi liên lạc với cơ quan có thẩm quyền của TP.Quảng Ngãi thì được biết thành phố vẫn chưa đề ra biện pháp xử lý cụ thể. Trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi, ông Phạm Tấn Vũ - Giám đốc Xí nghiệp Công viên, cây xanh (Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi), cho biết: Hiện tại công ty cũng chưa nhận văn bản chỉ đạo của UBND TP.Quảng Ngãi về việc xử lý các loài cây hoa độc hại được trồng ở công viên, khuôn viên khu dân cư... Vì đây là các công trình thuộc TP.Quảng Ngãi quản lý, nên chúng tôi không quyết định việc nên phá bỏ hay biện pháp xử lý như thế nào. Nếu cấm trồng mà vẫn cứ trồng, nếu xảy ra trường hợp đáng tiếc thì người chịu trách nhiệm là chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ đề xuất, tham mưu và xin hướng giải quyết từ UBND TP.Quảng Ngãi mới có thể có biện pháp xử lý cụ thể. Sau này có xây thêm công trình công cộng, thì các loài cây hoa nằm trong danh sách độc hại do Bộ Y tế công bố chắc chắn sẽ không chọn trồng.

Các loài cây, hoa trên được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại, song chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải. Thế nhưng, lâu nay rất ít người dân để ý trên các tuyến đường, công viên hay trường học đang trồng các loại cây gì, mà chỉ quan tâm đến cái đẹp và độ che mát của chúng. Chỉ đến khi ở Nghệ An xảy ra vụ 50 em học sinh tiểu học ăn quả ngô đồng được trồng ngay tại sân trường mới khiến cộng đồng quan tâm.

Dẹp bỏ hay cảnh báo?

Ngay sau khi vụ việc ngộ độc ở Nghệ An xảy ra, Bộ Y tế đã gửi công văn đến tất cả tỉnh, thành về việc không nên trồng 8 loại cây hoa độc trong khu đông dân cư. Thực hiện công văn này, Sở Y tế đã có công văn gửi đến Sở GD&ĐT về việc phối hợp phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây hoa trong khuôn viên cơ sở giáo dục mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng đã triển khai đến các Phòng GD&ĐT ở các huyện, thành phố để các trường thực hiện. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tuyên truyền và thông qua hình ảnh để người dân nhận biết về các loại cây hoa nguy hiểm này.

Theo nhiều người dân, không nên chặt bỏ những loại cây chứa độc tố này, mà nên dạy cho trẻ kỹ năng nhận dạng, phân biệt các loại cây chứa độc tố, để trẻ không ăn phải. Bởi nếu Bộ Y tế chỉ khuyến cáo chặt cây chứa độc tố trong các trường học thì chỉ ngăn chặn được nguy cơ ngộ độc ở trường, trong khi học sinh đi chơi khắp nơi và thường tò mò, nên sẽ không nhận ra cây nào có độc.

Chị Nguyễn Thị Kiều (phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi) có 2 con đang học bậc trung học cơ sở cho rằng: Đối với các cháu học sinh từ bậc trung học cơ sở trở lên, nhà trường nên có biển báo ở mỗi cây, kể cả cây không độc. Điều này sẽ dạy cho trẻ biết được cây nào độc, cây nào không độc. Với những cây độc thì trong những giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, thầy cô nhắc nhở cho trẻ, chứ nếu không quản lý được mà chặt bỏ thì lãng phí. Nhiều trẻ em thành phố bây giờ còn không biết phân biệt con trâu với con bò, huống gì cây nào có độc, cây nào không!


NG.TRIỀU -  Đ.SƯƠNG


 

Những loài cây này có độc tố rất mạnh

 

Đó là cảnh báo của Trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) Lê Văn Phương khi nói đến 8 loài cây hoa độc được trồng nhiều nơi công cộng. Theo ông Phương, nếu trẻ nhỏ đùa nghịch bứt lá, hoa mà ăn hay vô tình dính nhựa mũ của các loại cây hoa này thì rất nguy hiểm. Nhẹ thì gây choáng váng, nôn mửa; nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Tuy ở Quảng Ngãi chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, nhưng chúng ta không nên chủ quan, phải cẩn trọng khi dẫn con nhỏ đi chơi ở công viên hay các địa điểm có trồng các loại hoa độc hại này.

PV: Xin ông cho biết 8 loại cây được Bộ Y tế công bố có độc tố như thế nào?

Bác sĩ LÊ VĂN PHƯƠNG: Đầu tiên phải nói rằng, trong 8 loại cây ngô đồng, huỳnh anh, thầu dầu, thông thiên, bông tai, cà độc dược, cây trúc đào, lá ngón, thì cây lá ngón đứng đầu danh sách có chứa độc tố mạnh. Chỉ cần vô tình nhai một bộ phận của cây có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức. Cây lá ngón mọc nhiều ở vùng miền núi. Từ xa xưa, người dân vùng núi đã quá quen thuộc với loại cây này, nên có nhiều trường hợp cố tình tự tử bằng cách nhai lá ngón. Còn ở đồng bằng, đặc biệt ở địa bàn đông khu dân cư, cây trúc đào, thông thiên, huỳnh anh là ba loại cây được trồng phổ biến. Vì ba loại cây hoa này có màu sắc hoa rực rỡ và chúng thích ứng với khí hậu ở Quảng Ngãi, nên được chọn trồng. Mức độ độc tính của ba loại cây hoa này cũng tương đối mạnh. Nhìn ngắm thì đẹp, nhưng nếu lỡ bứt lá nhai nuốt sẽ dẫn đến hôn mê, co giật, rối loạn nhịp tim hoặc nhựa mũ dính vào mắt dễ dẫn đến mù lòa, trường hợp xấu nhất là tử vong.

PV: Vậy khi bị trúng độc tố từ các loại hoa độc trên thì phương pháp xử lý thế nào, thưa ông?

Bác sĩ LÊ VĂN PHƯƠNG: Để tránh trường hợp xấu xảy ra, chúng ta cần tích cực tuyên truyền đưa thông tin hình ảnh lên các phương tiện thông tin đại chúng, để phụ huynh biết và giúp con trẻ không tiếp xúc với các loại cây hoa này. Còn nếu chẳng may bị trúng độc, người thân cần phải bình tĩnh nhanh trí cứu chữa bằng cách dùng nước sạch rửa sạch mắt, nếu dính nhựa mũ của các cây hoa này. Nếu nhai nuốt một bộ phận của cây thì có thể cho nạn nhân uống nước sắc cam thảo bắc hoặc nước chè, vì trong nước chè có chứa Tanmin sẽ làm kết tủa chất độc, hạn chế hấp thu vào ruột. Sau khi sơ cứu xong nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để ủ ấm, theo dõi mạch, huyết áp và loại bỏ chất độc bằng cách gây nôn, rửa dạ dày. Vì những nguy hiểm trên nên chúng ta cần thận trọng khi đưa trẻ vào chơi ở những công viên có trồng các loại cây gây độc. Tránh không để trẻ hái lá, hoa hay bẻ cành để chơi. Đặc biệt, không nên sử dụng cây có độc tố để làm cây cảnh trong nhà.

 

Đ.SƯƠNG - NG.TRIỀU
(thực hiện)

 


.