Giá thuốc tây mỗi nơi một kiểu

11:05, 30/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thuốc tây là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan tới sức khỏe, nên nhiều người không hề trả giá, mặc cả. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở kinh doanh bán thuốc với giá cao, mỗi nơi một kiểu giá khác nhau, khiến cho người tiêu dùng chịu thiệt.

Cầm trên tay toa thuốc dành cho trẻ em 5 tuổi chẩn đoán bệnh viêm phế quản, chúng tôi đến các nhà thuốc để hỏi mua thì mỗi nơi nói một giá. Trong toa gồm có các loại thuốc: Azithromycin (250mg/gói, kê 4 gói), Lactobacillus acidophilus (8 gói), Asnubyl (1 chai), Stadexmin (10 viên), Alimemazin (2 viên). Tổng toa thuốc này ở một quầy thuốc trên đường Lê Thánh Tôn (TP.Quảng Ngãi) bán với giá 93 nghìn đồng, nhưng tại một quầy thuốc trên đường Quang Trung, thì giá bán lên tới 155 nghìn đồng.

Cùng chung một loại thuốc, nhưng mỗi nơi có một giá bán khác nhau.
Cùng chung một loại thuốc, nhưng mỗi nơi có một giá bán khác nhau.


Để chắc chắn về sự chênh lệch giá thuốc giữa các cửa hàng bán thuốc tây, chúng tôi cầm một toa thuốc chữa bệnh tim do thiếu máu cục bộ mãn tính đến hai quầy thuốc trên địa bàn TP.Quảng Ngãi để so sánh. Trong toa thuốc gồm có các loại thuốc: Trimetazidin (60 viên), Rosuvastatin (30 viên), Farisant (20 ống). Hai cửa hàng bán thuốc với giá chênh lệch rất cao, một cửa hàng bán với giá 207 nghìn đồng, cửa hàng kia bán gần 350 nghìn đồng. Thấy khách hàng thắc mắc, người bán thuốc tại quầy thuốc ở đường Quang Trung lý giải: "Đừng nên so sánh giá thuốc với nhau, vì tùy thuộc vào xuất xứ, thời hạn sử dụng và chất lượng thuốc nội, thuốc ngoại thì sẽ có giá khác nhau".
 

Từ năm 2011 đến nay, Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc phải có lộ trình xây dựng cơ sở thực hành phân phối tốt để đạt chuẩn GPP. Hiện nay, tại Quảng Ngãi có 849 cơ sở kinh doanh thuốc, trong đó có 670 quầy thuốc đạt GPP, 85 nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Theo một cán bộ Sở Y tế, những cơ sở kinh doanh thuốc đạt chuẩn GPP mới đảm bảo chất lượng thuốc và giá thành giúp cho khách hàng mua thuốc an tâm hơn.

Trên thực tế có tình trạng "loạn" giá thuốc, nhưng kết quả thanh tra hoạt động kê đơn bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh thuốc trong quý I/2017 của Sở Y tế cho thấy, trong số 100 cơ sở kinh doanh thuốc được kiểm tra, chỉ có hai cơ sở vi phạm về việc bán thuốc không có toa thuốc của bác sĩ. Còn lại các cơ sở được thanh tra, kiểm tra đều chấp hành tốt về quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc.

Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Thành, việc theo dõi kiểm soát giá thuốc rất khó, vì hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều có bảng niêm yết giá. Khi đoàn thanh tra yêu cầu hợp tác kiểm tra các hóa đơn chứng từ, các cơ sở đều cung cấp đầy đủ, do đó không có cơ sở để kết luận bán giá cao so với quy định.

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế Phan Thanh Bảng cũng cho rằng, tùy thuộc vào thuốc nội, thuốc ngoại nhập và các nhà sản xuất khác nhau, chất lượng và giá thành sẽ khác nhau. Cho nên rất khó kiểm soát giá thuốc bán ra. "Nhiều người bán thuốc dựa vào điều này mà bán giá cao hơn so với giá niêm yết. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện ra các cơ sở sai phạm. Chỉ có thể dựa vào lương tâm, đạo đức nghề nghiệp mà bán thuốc và khách hàng tự đánh giá cảm thấy nơi nào bán thuốc hiệu quả, uy tín thì mua", ông Bảng cho biết thêm.

Như vậy, chính người tiêu dùng phải tự kiểm soát giá thuốc, tự chọn cho mình nhà thuốc bán đúng giá để mua. Khách hàng cần phải là những người mua thuốc thông minh mới nắm rõ hết xuất xứ, chất lượng thuốc. Nhưng thực tế, ít có người biết rõ giá thuốc theo quy định để kiểm chứng. Hơn nữa, trong lúc bệnh tình ít ai lại cân nhắc chuyện tiền bạc, chính điều này dẫn đến việc người tiêu dùng luôn chịu thiệt.    

Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG


 


.