Khi "nhà không nóc..."

02:04, 17/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai đứa trẻ Ngô Ly Na (16 tuổi), Ngô Gia Huy (11 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) không còn cha kể từ khi ngư dân Ngô Minh Vương mãi ra đi sau chuyến biển định mệnh. Không còn trụ cột gia đình, hai đứa trẻ cùng người mẹ nay ốm mai đau phải chật vật vượt qua cái nghèo để gắng gượng theo đuổi giấc mơ con chữ.

TIN LIÊN QUAN

Đã nửa năm kể từ ngày cha mãi nằm lại với biển, cũng là ngần ấy thời gian, cô học trò nhỏ Ngô Ly Na, hiện đang học lớp 9A, Trường THCS Bình Chánh cứ một mực xin mẹ cho nghỉ học để phụ mẹ may vá kiếm tiền nuôi em.

Nhìn đứa con gái ngoan ngoãn và là học sinh giỏi nhiều năm liền, nay lại muốn nghỉ học vì gia cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Phượng, vợ ngư dân vắn số Ngô Minh Vương, nói trong nước mắt: “Cả năm anh đi bạn trên biển, dẫu cơ cực, nhưng vẫn cố kiếm dăm triệu mỗi tháng để lo cho con học hành. Giờ anh mất, tôi thì đau ốm mãi, nhưng không vì thế mà cho con nghỉ học, để không phụ nguyện vọng của anh. Tuy vậy, đến chính tôi cũng không biết còn có thể gắng gượng lo cho con đi học được bao lâu”.

Từ khi chồng mất, mẹ con chị Phượng phải sống dựa vào tiền công may ráp quần áo. Chiếc máy may này cũng do cơ sở may gia công cho chị Phượng mượn.
Từ khi chồng mất, mẹ con chị Phượng phải sống dựa vào tiền công may ráp quần áo. Chiếc máy may này cũng do cơ sở may gia công cho chị Phượng mượn.

 

“Lời hứa theo ba nằm lại với biển”

“Ba thương em đi học đường xa, nên trước khi ra khơi, ba nói với em là “Ba ráng nốt chuyến này nữa là đủ tiền mua xe đạp điện để con đi học cho đỡ nhọc”. Nhưng rồi ba đi mãi, không về…”, em Ngô Ly Na, con gái của ngư dân Ngô Minh Vương kể.

Chuyện học của hai con giờ gánh vác một mình, nên từ chỗ may gia công phụ thêm tiền chợ búa với chồng, giờ chị Phượng phải tranh thủ may cả ngày lẫn đêm. Ráp hoàn thành một chiếc áo sơ mi nam, chị Phượng được trả từ 3.000-5.000 đồng.

Vậy nên, ngày nào chị cũng cặm cụi may khoảng 16 tiếng đồng hồ, ráp đủ 20 cái mới hy vọng một tháng kiếm được từ 1,8 – 3 triệu đồng. Làm việc cật lực, nhưng số tiền trên cũng chỉ đủ trang trải tiền gạo mắm hằng ngày, còn khi không may ốm đau, hoặc khi cần đóng tiền học cho con, chị Phượng phải chạy vạy khắp nơi...

"Mẹ bị đau dạ dày. Lúc đau quá thì mẹ nằm xuống nghỉ chút cho dịu cơn rồi lại may tiếp. Nói mẹ đi khám bệnh, mua thuốc uống mà mẹ không chịu đi, vì không có tiền. Nhìn cảnh ấy em đi học sao đành!”, Na nói.

Đang dở dang câu chuyện, thì chị Phượng tạm biệt chúng tôi để đi lấy hàng về may cho kịp giờ con đi học. Hóa ra, cả ba mẹ con chia nhau đi chung một chiếc xe đạp. Vì thế, chị Phượng phải tranh thủ đưa xe cho Na trước 12 giờ trưa.

Chị Phượng bảo, đây là chiếc xe đạp chị mua từ thời con gái, giờ tuổi đời cũng đã ngót nghét 20 năm, nên xe thường xuyên bị hư hỏng phải sửa chữa không biết bao lần. Nhưng vì hai vợ chồng làm quần quật mới tiết kiệm tiền mua được mảnh đất rồi sau đó gom góp xây căn nhà nhỏ, tiếp đó lại hùn tiền mua lưới, mua thúng cho anh đi biển, nên nợ nần cứ đeo bám mãi. Thành thử bao lần muốn sắm chiếc xe đạp mới cho con đi học cho đỡ nhọc, nhưng đến nay nguyện vọng đó vẫn chưa thực hiện được...

Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát, TP. Quảng Ngãi, hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi: 5701 0000 479377 tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển, chi nhánh Quảng Ngãi.
 

Bài, ảnh: Ý THU


 


.