Xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu: Cần bảo vệ nguyên trạng thực địa

09:03, 04/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc đồng ý cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe ý kiến từ các chuyên gia, ngành chức năng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là, việc quy hoạch chi tiết, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ chưa được triển khai ngoài thực địa.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi tiêu chí để được công nhận là CVĐCTC phải đảm bảo các giá trị nguyên gốc của địa mạo, địa chất, giá trị di sản văn hóa, di sản định cư biển đảo, thắng cảnh, hệ sinh thái...

Lo ngại di sản bị xâm hại

Theo Đề án, CVĐCTC lấy khu vực Lý Sơn làm trung tâm và mở rộng ra xung quanh với bán kính 40km, bao gồm khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận, với tổng diện tích hơn 12.760ha. Trong đó, Lý Sơn có gần 8.000ha, Bình Châu (Bình Sơn) có gần 2.000ha, xã Tịnh Kỳ và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) có hơn 1.900ha. Riêng đảo Bé, khu vực cần bảo tồn trên cạn là gần 60ha, dưới nước hơn 2.530 ha, trong đó có hàng trăm hecta bao bọc di sản địa chất, địa mạo, đất rừng và đất nông nghiệp, hệ sinh thái vùng triều, cỏ biển và rạn san hô dưới nước cần bảo tồn nghiêm ngặt.

Bảo tồn các di sản đảo Bé, kể cả tập quán sản xuất, ruộng bậc thang để thu hút du khách. Trong ảnh: Du khách tham quan ruộng hành tại Lý Sơn.
Bảo tồn các di sản đảo Bé, kể cả tập quán sản xuất, ruộng bậc thang để thu hút du khách. Trong ảnh: Du khách tham quan ruộng hành tại Lý Sơn.


Tại khu vực quy hoạch công viên địa chất Lý Sơn hiện có hơn 66.755 người dân định cư, sinh sống bằng nghề biển hoặc liên quan đến biển. Nhiều người đã khai thác san hô, rong mơ, cát làm phá vỡ môi trường sinh thái. Tuy địa phương và ngành chức năng đã ngăn chặn, nhưng tình trạng đánh bắt bằng thuốc nổ, nghề giã cào vẫn còn tồn tại ở xã Bình Châu (Bình Sơn) và Lý Sơn, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển. Phó Giám đốc Sở TN&MT Phí Quang Hiển, lo ngại: “Ngoài những vấn đề đã nêu, tình trạng san lấp đồng ngập mặn, rừng ngập mặn để nuôi tôm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quy hoạch, xây dựng hồ sơ cho CVĐCTC”.

Tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ Việt Nam) chia sẻ thêm: “Cứ mỗi lần đến Lý Sơn, chúng tôi thấy hòn đảo xinh đẹp này, đây đó một số điểm bị phá hỏng so với lần trước khi tôi đến. Bên cạnh đó, các dịch vụ đưa đón, lặn biển, ồ ạt phát triển ở đảo Bé sẽ tác động đến cảnh quan môi trường, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì môi trường ở đây sẽ bị ảnh hưởng”.

Bảo tồn và phát huy di sản bằng cách nào?

Trước thực trạng các di sản địa chất trong khu vực CVĐCTC có nguy cơ bị xâm hại, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp về lấy ý kiến xây dựng Đề án Bảo tồn khẩn cấp đảo Bé. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy di sản này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc bảo vệ cụ thể như thế nào thì ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư vẫn đang loay hoay.

 Các chuyên gia khuyến cáo cần bảo vệ khẩn cấp các địa chất, địa mạo ở  Lý Sơn.
Các chuyên gia khuyến cáo cần bảo vệ khẩn cấp các địa chất, địa mạo ở Lý Sơn.


Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Quý Nhân cho rằng: Đề án do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương xây dựng, nhưng chưa nói rõ cách bảo tồn giá trị di sản địa chất, địa mạo, văn hóa, môi trường, đa dạng sinh học như thế nào trong khu vực khoanh vùng, mà chỉ chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng. Mặt khác, vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản đó không đơn thuần là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà là của Nhà nước và cộng đồng. Hiện tại, Sở cũng đang lúng túng về vấn đề này.

 Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) Vương Văn Thẩn cho rằng: “Tình trạng khai thác rong mơ, san hô có hạn chế, nhưng đây mới là chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, còn người dân ở đây chưa ai nghĩ đến bảo vệ để trở thành CVĐCTC". Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân, cho biết thêm, Đề án chưa đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ tác động đến di sản địa chất, địa mạo Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận như thế nào để có giải pháp bảo vệ ngay từ bây giờ.

Trước những băn khoăn ấy, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương Đoàn Sung cho biết: “Công ty đã mời các chuyên gia địa chất, môi trường, văn hóa để tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân thấy được giá trị di sản trên đảo Bé. Đồng thời, vận động dân giữ lại ruộng bậc thang, giữ gìn văn hóa, lối sống, cách kinh doanh... Cũng theo ông Sung, trong dịp lễ 30.4 đến, công ty sẽ trưng bày tất cả các giá trị văn hóa bản địa, thuyết minh các điểm địa chất trên đảo Bé, hướng dẫn cho du khách lối đi để tránh phá vỡ di sản, chuẩn bị ca nô, chòi canh, ống nhòm để cứu nạn, cứu hộ trên biển.

 Việc bảo vệ và phát huy giá trị địa mạo, địa chất, giá trị di sản văn hóa, di sản định cư biển đảo, thắng cảnh, hệ sinh thái là hết sức quan trọng. Nếu các ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp xây dựng dự án không có sự gắn kết, phối hợp kịp thời để bảo vệ thì sẽ gây khó khăn cho việc thẩm định, để công nhận CVĐCTC.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 Lý Sơn: Tạm dừng đầu tư các dự án

 

(Báo Quảng Ngãi)- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, cho biết: Huyện đã nhận thức vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch là phá vỡ cảnh quan môi trường trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến các giá trị địa chất, địa mạo, nên đã chỉ đạo tất cả các dự án đầu tư xây dựng trên đảo hiện nay đều tạm dừng. Riêng đảo Bé, huyện có chủ trương không cho xây dựng cả nhà vệ sinh công cộng. Khi có quy hoạch tổng thể 1/2000 trên toàn huyện mới tính toán lại.

-PV: Huyện sẽ quản lý các dịch vụ đưa đón, ngắm san hô, mở quán buôn bán tại các điểm di sản như thế nào, thưa ông?

Ông LÊ VĂN NINH: Huyện đã và đang tiến hành lập lại trật tự kinh doanh buôn bán ở chùa Hang, hang Câu, và bãi Sau đảo Bé. Xây dựng lều, quán phải đảm bảo hài hòa với cảnh quan, môi trường và không xâm thực di sản địa chất, địa mạo, văn hóa... Đối với dịch vụ đưa du khách lặn ngắm san hô, tắm biển, hay dịch vụ đưa đón khách thì huyện chưa có biện pháp chế tài, chỉ khuyến cáo người kinh doanh đưa đón khách an toàn...

-PV: Về lâu dài, việc bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất, địa mạo, di sản văn hóa trên địa bàn được triển khai thế nào?

Ông LÊ VĂN NINH: Trên cơ sở công bố quy hoạch bảo tồn biển Lý Sơn của Sở NN&PTNT, đến nay, Khu bảo tồn đã đi vào hoạt động. Huyện sẽ tiến hành phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn tuyên truyền cho dân hiểu giá trị hệ sinh thái ven bờ, dưới nước và có hình thức xử lý nghiêm đối với người vi phạm. Huyện đã cắm biển cấm du khách leo trèo ở một số khu vực nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và khuyến cáo du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến di sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, chung tay bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản.

TRƯỜNG AN
(thực hiện)

 


 


.