Doanh nghiệp không chịu "lớn", vì sao?

07:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD). Đây là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu 6.000 doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 (hiện nay có hơn 5.000 DN đang hoạt động). Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay các cơ sở SXKD đủ điều kiện thành lập DN lại ngại "lớn".

TIN LIÊN QUAN

Một trong những vấn đề mà hầu hết các DN cũng như cơ sở SXKD ngại “lớn” hoặc chuyển từ mô hình cơ sở SXKD thành DN theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp là họ gặp quá nhiều bất lợi từ thủ tục hồ sơ, đến việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn. Bên cạnh đó, những rắc rối, rủi ro về chính sách và kinh tế vĩ mô... cũng là lực cản không nhỏ đến việc “nâng cấp” DN.

Không muốn "lên" doanh nghiệp

Vùng đất Sa Huỳnh có rất nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống được phân phối đi hầu hết các cửa hàng, siêu thị trong cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, có một thực tế là không có cơ sở sản xuất nào "lên" DN, dù họ đủ điều kiện. Chị H, chủ cơ sở sản xuất nước mắm B.H, cho biết luôn khát khao đưa nước mắm truyền thống mà gia đình làm ra trở thành thương hiệu lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, khi được hỏi sao không thành lập DN để dễ dàng trong việc ký kết hợp đồng với đối tác hoặc dễ tạo thương hiệu hơn, chị H. không chút ngần ngại bảo, không có ý định thành lập công ty, vì khi đó DN sẽ được “quan tâm” nhiều hơn từ thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường...

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.Quảng Ngãi. ẢNH: P.DANH
Hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.Quảng Ngãi. ẢNH: P.DANH


Còn anh V, chủ một DN chuyên sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ hoạt động sản xuất gần 20 năm trên địa bàn tỉnh, cho rằng, trong thời buổi hiện nay, ngoài việc cạnh tranh trên thị trường rất vất vả thì các khoản chi phí, thuế... cũng quá lớn. “Tôi và anh em cũng muốn đưa công ty phát triển hơn, nhưng thực tế là càng làm lớn, doanh thu càng cao thì "được" nhiều cơ quan “quan tâm” hơn, nên phải thận trọng”, anh V phân tích.

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho rằng, để các sản phẩm từ nông nghiệp, ngư nghiệp có thương hiệu, các cơ sở SXKD mạnh dạn thành lập DN thì cần sớm loại bỏ những rào cản vô hình và hoàn thiện khung quản lý để tránh việc chồng chéo trong thanh, kiểm tra. Có như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVN) cũng như các hộ kinh doanh cá thể mới mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh

Cần tạo mọi điều kiện để DN lớn mạnh

Trong Hội nghị phân tích đánh giá kết quả PCI năm 2015 và giải pháp cho những năm tiếp theo, diễn ra trong năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức, có một chi tiết mà hầu như ai nhìn qua đều giật mình, đó là gánh nặng từ chi phí không chính thức đối với DN. Theo đó, các DN được khảo sát cho biết, trong số các hình thức “gây khó dễ” thì nhũng nhiễu là phổ biến nhất, chiếm đến 73%.

Để “vượt cửa ải” này có đến 13% DN phải chi hơn 10% doanh thu của mình cho chi phí không chính thức để hồ sơ chạy trơn tru. Có thể thấy, sức nặng từ chi phí “bôi trơn” đang cản đường DN lớn mạnh. Ngoài ra, có quá nhiều đợt thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan chức năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh cá thể, DNVVN ngại "lớn".

Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi Nguyễn Văn Luyện cho rằng, những phàn nàn của DN liên quan đến thuế là có thật, nghe thông tin thì nhiều nhưng không có cơ sở. Hỏi DN khâu nào gây phiền hà, làm khó dễ thì họ không chỉ ra, mà chỉ phản ánh chung chung. Chúng tôi không phủ nhận việc này, cảm nhận là vẫn có, nhưng rất khó giám sát.

Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều DN chậm kê khai thuế hay những vấn đề có liên quan hết thời hạn thì bị phạt theo quy định, nhưng DN cứ nghĩ du di thêm vài ngày không sao, khi bị phạt thì bảo là ngành thuế gây phiền hà. “Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa vào thực hiện việc hoàn thuế điện tử; lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của DN, cơ sở sản xuất cá thể cũng như minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến thuế. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân gây phiền hà cho DN”, ông Luyện khẳng định.

Có một thực tế nữa là những bất cập về chính sách. Việc thiếu ưu đãi về các điều kiện phát triển như nguồn vốn vay, trong khi các sức ép về thuế, phí, thủ tục phiền hà từ các cơ quan nhà nước khiến hầu hết các DN, cơ sở sản xuất cá thể không mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, mặc dù họ có điều kiện.

Để DN và các cơ sở SXKD phát triển, các chủ DN cho rằng, tỉnh cần triển khai cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển, như chính sách hỗ trợ DNVVN trong lĩnh vực tài chính, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ DN trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường tiềm năng để DN tiếp cận đầu ra cho sản phẩm; tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNVVN; hỗ trợ DNVVN nâng cao trình độ kỹ thuật, đổi mới công nghệ. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ phát triển DNVVN như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân...


LÊ ĐỨC

 

Cần hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp
 

Đó là đề nghị của Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái đối với các ngành chức năng để hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn thay đổi quy mô sản xuất để lớn mạnh.

“Còn nhiều điểm chưa gặp nhau giữa nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước với cộng đồng DNVVN và các đối tượng đang sản xuất kinh doanh để khuyến khích phát triển mở rộng quy mô. Riêng Sở KH&ĐT sẽ tập trung hỗ trợ tối đa cho cá nhân và tổ chức khi muốn thành lập DN. Người dân cứ mạnh dạn thành lập DN, bởi có nhiều lợi thế hơn so với hộ sản xuất kinh doanh cá thể”, bà Ái nói.

-PV: Hiện nay, số lượng DNVVN và cơ sở SXKD chiếm phần lớn trong cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, theo bà vì sao họ ngại "lớn"?

BÀ TRẦN THỊ MỸ ÁI: Đa phần DN chủ yếu tập trung ở TP.Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng, còn những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì rất ít. Hầu hết DN tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 29,47%; tiếp đến là DN xây dựng chiếm 27,08%, công nghiệp chế biến là 10,15%...

Đa số DN thường không tiến hành, hoặc tiến hành thiếu đồng bộ các yếu tố của chiến lược marketing, chưa xem xét kỹ và có những phân tích chính xác về môi trường kinh doanh. Mức độ hiểu biết về pháp luật liên quan đến hoạt động SXKD còn thấp. Việc chấp hành luật pháp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các quy định về thực hiện các nội dung sau đăng ký kinh doanh, về thuế, quản lý tài chính, quản lý nhân sự. Không những vậy, nhiều người dân ngại làm các thủ tục hành chính, kê khai thuế, xuất hóa đơn, báo cáo thuế hằng tháng khi chuyển đổi thành DN.

-PV: Để DNVVN cũng như hộ SXKD cá thể mạnh dạn mở rộng SXKD, cơ quan chức năng cần làm những gì?

BÀ TRẦN THỊ MỸ ÁI: Theo tôi, các sở chuyên ngành, ngành thuế và các cơ quan liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ cơ hội phát triển các hoạt động SXKD của mình khi thành lập DN. Hỗ trợ có hiệu quả chính sách bồi dưỡng kỹ năng mềm cho DN và các đối tượng có nhu cầu thành lập DN. Đồng thời, cần quan tâm đến mục đích kinh doanh của người dân để có phương pháp hỗ trợ cho phù hợp như: Miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập DN; tư vấn xây dựng phương án SXKD, chính sách tiếp cận và bảo lãnh tín dụng ngân hàng, các quỹ đầu tư;  hỗ trợ người nộp thuế, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc qua đường dây nóng, thậm chí cử cán bộ xuống tận nơi hỗ trợ người nộp thuế kê khai thuế...


L.Đ
(thực hiện)

 


 


.