Lãng phí - lực cản của sự phát triển

04:02, 07/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội…”.

Những thất thoát do lãng phí gây ra có nhiều trường hợp còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các hành vi tham nhũng, nhưng không có ai chịu trách nhiệm? Chúng ta thường lên án gay gắt, mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, nhưng lại nương tay, xem nhẹ lãng phí. Cho đến nay, chưa có vụ án nào xét xử tội lãng phí?

Diện tích đất của dự án Thép Quảng Liên tại KKT Dung Quất không đầu tư hàng chục năm gây lãng phí đất đai, vừa bị tỉnh thu hồi.                                                                                                               ẢNH: PV
Diện tích đất của dự án Thép Quảng Liên tại KKT Dung Quất không đầu tư hàng chục năm gây lãng phí đất đai, vừa bị tỉnh thu hồi. ẢNH: PV


Nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Có hai dạng lãng phí: Lãng phí hữu hình và lãng phí vô hình. Lãng phí rất đa dạng, xảy ra với các cấp độ khác nhau ở mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực, từ lãng phí trong sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên đến các dự án với nước ngoài, lãng phí từ những dự án “treo” kéo dài trong nhiều năm…

Một số công trình quốc gia sau khi khánh thành không lâu thì bị lún nứt, xuống cấp nhanh chóng..., cần được bổ sung vốn để khắc phục rất tốn kém. Có công trình thủy lợi, công trình nước sạch cho nông thôn tiêu tốn tiền của vào đó khá nhiều, nhưng khi hoàn thành chẳng thấy nước ở đâu, nguyên nhân là do khâu thiết kế, quy hoạch không sát với thực tiễn. Một số chợ được xây dựng bạc tỷ, nhưng không họp được do địa điểm không phù hợp...

Việc sử dụng xe con đưa đón cán bộ đi làm việc không đúng tiêu chuẩn quy định; thậm chí, xe công được dùng cho việc riêng; đến nay, số 7.000 xe thừa, vượt định mức chưa được điều chuyển hợp lý... Các hội nghị sơ kết, tổng kết, khánh tiết, khánh thành, lễ đón nhận huân chương quá nhiều và quá linh đình... Festival, lễ hội tràn lan, nhưng hiệu quả không tương xứng với công sức, tiền của đã bỏ ra tổ chức. Bội chi ngân sách hằng năm vượt chỉ tiêu do Quốc hội giao.

Ngoài những lãng phí hữu hình nêu trên, còn những lãng phí vô hình thì sao? Tình trạng lãng phí giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; lãng phí chất xám và “chảy máu chất xám”. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp ngành, cấp địa phương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng rất hoành tráng, xếp trong tủ các viện nghiên cứu, trường đại học như các vật trang trí. Trong khi đó, khoảng dưới 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn.

Để khắc phục tình hình lãng phí nghiêm trọng nêu trên, Đại hội XII của Đảng quyết tâm: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực”.

Việc phòng, chống lãng phí ở nước ta hiện nay không thể chỉ hô khẩu hiệu chung chung mà phải bằng những biện pháp quyết liệt và thiết thực. Các cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí, đồng thời với việc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp trong sạch và vững mạnh. Song song với vấn đề đó là việc tích cực cải cách nền hành chính quốc gia, chống mọi thủ tục phiền hà, rắc rối do quan liêu và vô trách nhiệm của cán bộ gây ra. Nhà nước ban hành đầy đủ hệ thống pháp luật quản lý hành chánh và quản lý kinh tế, tạo ra môi trường, hành lang luật pháp chuẩn mực cho các đối tượng bị quản lý hành động trong khuôn khổ đó và các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những ai gây ra lãng phí bất cứ trên lĩnh vực nào.

NGUYỄN XUYẾN

 


.