Cần giảm phí đường bộ vùng gần trạm thu phí

07:09, 25/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tính đến nay, Trạm thu phí trên Quốc lộ 1 (Nghĩa Thương, Tư Nghĩa) đã chính thức đi vào hoạt động gần 2 tháng. Qua đó, đã phát hiện một số bất cập trong mức phí thu đối với phương tiện của người dân sống gần trạm thu phí này, cần thiết phải được quan tâm xem xét, điều chỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đặt tại xã Nghĩa Thương bắt đầu hoạt động từ ngày 1.8.2016. Mức thu phí hiện đang áp dụng theo quy định hiện hành và giao động tùy theo loại xe, tải trọng xe. Cụ thể: Vé lượt từ 35.000 -  200.000 đồng/vé; vé tháng từ 1.050.000 - 6.000.000 đồng/vé; vé quý từ 2.835.000 - 16.200.000 đồng/vé. Một số người dân các xã lân cận trạm thu phí như Nghĩa Phương, Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Trung, thị trấn La Hà, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) cho rằng, mức thu phí như trên là quá cao, vì hằng ngày các phương tiện vận tải phải qua lại trạm thu phí nhiều lần, nên chi phí phát sinh là rất lớn.

 Trạm thu phí Quốc lộ 1, đoạn qua xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).
Trạm thu phí Quốc lộ 1, đoạn qua xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).


Gia đình chị Đinh Thị Loan ở đội 6, xã Nghĩa Phương là chủ cơ sở kinh doanh trứng vịt và bạn hàng đa số ở thị trấn La Hà và TP.Quảng Ngãi. Mỗi ngày, hai chiếc xe tải chở hàng của gia đình chị đi qua trạm thu phí Nghĩa Phương từ 4 - 6 lượt. Chị Loan cho biết: "Khi vào đợt giao hàng, ít nhất mỗi ngày đóng phí qua trạm hết 480.000 đồng. Nhưng hàng thì lâu lâu mới có đợt, nên không thể mua vé tháng. Vả lại, tiền bỏ ra một lúc mua vé tháng cũng tốn khoảng 6 triệu đồng, trong khi làm ăn khó khăn, không có khả năng mua vé tháng".

Không chỉ có chị Loan, rất nhiều chủ xe chạy dịch vụ ở xã Nghĩa Phương, thị trấn Sông Vệ phản ánh có ngày phải mất gần 400.000 đồng khi qua trạm thu phí, dẫn đến việc kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Anh Dương Đình Vũ ở tổ dân phố 3, thị trấn Sông Vệ cho biết: "Gia đình có chiếc xe tải nhỏ để chạy dịch vụ. Mỗi chuyến hàng từ Sông Vệ ra TP.Quảng Ngãi tiền chở chỉ 180.000 - 200.000 đồng, nhưng phí qua trạm đã hết 70.000 đồng. Trừ xăng dầu, nhân công, chủ xe gần như là không thu lợi đồng nào".

Các chủ phương tiện ở gần Trạm thu phí Quốc lộ 1 -Nghĩa Thương tính toán: Xăng, dầu, nhân công đều tăng; lượng xe chạy dịch vụ vận tải tại địa bàn trong những năm gần đây cũng tăng mạnh. Muốn có việc làm phải hạ giá thành dịch vụ để cạnh tranh, nên không thể tùy tiện tăng giá. Giờ thêm khoản chịu phí qua trạm tối thiểu cũng phải mất 70.000 đồng/chuyến hàng, khiến công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn.

Cái lý khác mà những người kinh doanh vận tải sống gần trạm thu phí đưa ra để mong được giảm mức phí qua trạm còn là ở chỗ, bán kính hoạt động của các phương tiện quá ngắn, có trường hợp chỉ 1km, nhưng phải qua trạm thu phí này, nên tất yếu phải tốn tiền phí. Hơn nữa, trạm thu phí này nằm ở khoảng giữa đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nên mức thu phí đường bộ đối với các loại xe tải nhỏ, xe dưới 30 chỗ ngồi hiện đang áp dụng là quá cao. Vì đây là loại phương tiện chủ yếu đi lại nội tỉnh và thường xuyên qua trạm thu phí nhiều lần trong ngày.

Sau khi đưa trạm thu phí này vào hoạt động, huyện Tư Nghĩa đã nắm thông tin phản ánh từ người dân, làm việc với chính quyền địa phương và có tờ trình gửi tỉnh can thiệp. Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình đề xuất Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm mức thu đối với các loại phương tiện; đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH BOT Thiên Tân- Thành An (chủ đầu tư dự án) có chính sách ưu đãi, giảm mức thu đối với phương tiện của các hộ dân sống gần trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức và mức phí áp dụng đối với phương tiện của người dân sống gần trạm thu phí này vẫn đang áp dụng "cào bằng" theo quy định chung.


Bài, ảnh: THANH HUYỀN


 


.