Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Còn nhiều rào cản

02:06, 12/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện hạ tầng nông thôn cũng như thu nhập của người dân. Song, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020 vẫn chưa tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

TIN LIÊN QUAN

 

Quỹ đất sản xuất nông nghiệp – đặc biệt là vùng đất cát ven biển trên địa bàn tỉnh rất dồi dào nhưng việc sản xuất thì nhỏ giọt nên giá trị kinh tế mang lại rất thấp. Để “đánh thức” tiềm năng vùng đất này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần nghiên cứu đầu tư hoặc thu hút DN thực hiện mô hình sản xuất công nghệ cao. Thành công của Đề án TCCNNN chính là chọn lựa mô hình, dự án sản xuất phù hợp và sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là công tác tổ chức thực hiện  phải chuyên nghiệp, chứ không phải làm lấy có. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần phải chủ động và mạnh dạn liên kết với DN để tìm kiếm thông tin thị trường, xác định mặt hàng chủ lực và sản phẩm chuyên biệt phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng để tập trung đầu tư, tránh tình trạng làm theo phong trào như hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN  NGỌC CĂNG.

Đầu vào thiếu

Manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm nông sản qua tay quá nhiều trung gian khiến giá thành thấp, người sản xuất vì thế cũng thua thiệt... Đó là thực trạng lâu nay của ngành sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Nguyên nhân, ngoài điệp khúc thiếu vốn đầu tư hoàn chỉnh, hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn do nông dân sở hữu diện tích đất quá ít. Với hạn mức đất sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu) của mỗi hộ chỉ từ 500 – 2.000m2 nên nông dân rất khó, thậm chí không có cơ hội để đầu tư làm ăn lớn.

Nhận rõ những khiếm khuyết trên, Đề án TCCNNN xác định giải pháp mang tính chiến lược là dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm đưa máy móc vào sản xuất. Song, từ năm 2014 đến nay, trong khi chính quyền các địa phương và người dân tích cực thực hiện DĐĐT, thì kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh đã ít lại chậm phân khai. Nhiều địa phương trong tỉnh đành “hứa nợ” doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện DĐĐT với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Khí thế DĐĐT vì thế cũng trầm lắng. Vậy nên, toàn tỉnh hiện chỉ có gần 1.000ha được DĐĐT. Con số này quá nhỏ so với 21.700ha đất sản xuất cần được DĐĐT và chỉnh trang.

Trong khi đó, dù được xem là “chiếc phao” giúp hiện thực hóa Đề án TCCNNN, nhưng hiện nay, không có nhiều DN tham gia vào Đề án. Ngoài yếu tố lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp, chi phí đầu tư nhiều, rủi ro cao... thì sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương mới là nguyên nhân chính khiến DN không mặn mà góp sức thực hiện tái cơ cấu.

“Tích tụ ruộng đất và đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao giá trị là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường. Nhưng chính quyền địa phương một số nơi hiểu và nắm bắt được vấn đề này còn chậm. Vì thế, họ cũng chẳng nhiệt tình hỗ trợ DN tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi tư duy và phương thức sản xuất”, một lãnh đạo Nhà máy Đường Phổ Phong thổ lộ.

Ngoài việc sắp xếp và quy hoạch vùng, đối tượng sản xuất, thì Đề án TCCNNN còn tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh. Nhất là việc bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn và thiên tai theo kiểu “an cư lạc nghiệp”. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch giai đoạn 2013 – 2020, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành 76 khu tái định cư (TĐC), ổn định chỗ ở cho hơn 11.300 hộ dân các vùng ảnh hưởng thiên tai. Riêng giai đoạn 2013 – 2015 phải hoàn thành 7 khu TĐC và bố trí chỗ ở cho gần 1.600 hộ dân. Song, vì vướng công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo... nên hiện nay, chỉ có 3/7 khu TĐC hoàn thành và 368/1.600 hộ dân có chỗ ở ổn định.

Đầu ra hẹp

Cây keo nhiều năm nay được chọn là cây trồng chủ lực nhưng do thiếu giải pháp trong khâu chế biến, tiêu thụ nên giá trị mang lại chưa cao. Trong ảnh: Chế biến gỗ keo xuất  khẩu .                                                                                                                                                     Ảnh: PV
Cây keo nhiều năm nay được chọn là cây trồng chủ lực nhưng do thiếu giải pháp trong khâu chế biến, tiêu thụ nên giá trị mang lại chưa cao. Trong ảnh: Chế biến gỗ keo xuất khẩu . Ảnh: PV


Nông sản và thực phẩm chủ lực của Quảng Ngãi sản xuất ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng việc tiêu thụ lại khá gian nan. Bởi từ việc sản xuất đến chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đa phần phải dựa vào thương lái. Hiện nay, giá của nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh lại do chính tư thương đặt ra. Quảng Ngãi có đến 5 siêu thị lớn, sức tiêu thụ mạnh, nhưng hàng nông sản lên kệ siêu thị chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là hành tỏi Lý Sơn, cá bống sông Trà.

Về xuất khẩu, do sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo thành chuỗi ổn định nên lượng hàng hóa xuất khẩu không nhiều. Trong khi đó, sau khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết thì một lượng lớn hàng hóa ngoại nhập giá rẻ, chất lượng cao tràn vào thị trường Việt Nam, khiến không ít mặt hàng của Quảng Ngãi bị cạnh tranh khốc liệt và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, sự liên kết sản xuất giữa DN với nông dân theo chuỗi giá trị chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dù một số mặt hàng như keo, mì, mía đã hình thành được vùng nguyên liệu nhưng chủ yếu là chế biến và xuất thô nên giá trị mang lại không cao. Hơn nữa, công nghệ bảo quản, chế biến sau  thu hoạch và quản lý chất lượng nông sản, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường... cũng chưa được quan tâm đúng mức.


Theo ông Võ Thành Đàng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi thì muốn thực hiện Đề án TCCNNN thành công, tỉnh cần ưu tiên phát triển sản xuất các mặt hàng nông – lâm – thủy sản có lợi thế cạnh tranh; tăng cường xây dựng và hình thành vùng sản xuất nguyên liệu, cung ứng dịch vụ, chế biến và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thực hiện thí điểm mô hình đưa công nghệ cao vào đồng ruộng, đảm bảo tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. “Tạo đầu ra cho nông sản thông qua việc xây dựng mô hình thích hợp cho từng vùng; cũng như có giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị thay vì chỉ chú trọng số lượng như lâu nay”, ông Đàng đề xuất.
                         

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết: “Xác định cây, con chủ lực để tổ chức lại sản xuất".
Huyện Ba Tơ xác định nông- lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, để giảm nghèo bền vững, cải thiện thu nhập cho nông dân thì phải tổ chức lại cách sản xuất. Chọn cây, con phù hợp với thực tế địa phương, giúp nông dân đầu tư theo hướng cây hàng hóa, con hàng hóa. Ở Ba Tơ hiện tại có cây mì, keo, mía và con trâu đã và đang xây dựng phát triển thành cây, con hàng hóa. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đầu ra vẫn chưa ổn định; nguồn lực trong dân còn hạn chế dẫn đến chưa thể đầu tư thỏa đáng, để có thể thu lợi nhuận cao như mong muốn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng: “Hoạch định chiến lược và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực sản xuất có lợi thế cạnh tranh cao”.
Thủy sản được xem là lĩnh vực “đẻ trứng vàng” cho ngành nông nghiệp hiện nay khi sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh qua từng năm. Riêng năm 2015, chỉ riêng thủy sản đã mang về cho ngành nông nghiệp tỉnh hơn 13 triệu USD. Do đó, để khai thác hết tiềm năng và nâng cao giá trị của lĩnh vực này, tôi kiến nghị UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá và quy hoạch lĩnh vực khai thác thủy sản để phát triển lực lượng khai thác bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch để bảo đảm sự thống nhất thực hiện chiến lược hằng năm; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển khai thác thủy sản xa bờ theo hướng bền vững, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phạm Hoài Nam: “Phân định rõ phần việc của chính quyền và nông dân”.
Việc sắp xếp lại ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân là cần thiết. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Muốn thay đổi về chất trong công cuộc tái cơ cấu này thì cần xác định rõ chính quyền làm cái gì, còn nông dân phải làm gì. Quá trình làm gặp vướng mắc phải tập trung tháo gỡ. Cần đặc biệt quan tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giải quyết việc làm cho dân cư nông thôn.

M.HOA – T.NHỊ

 


.