Tuyển chọn, giao quân: Những vấn đề cần khắc phục

10:04, 23/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kết thúc công tác giao quân 2016, mặc dù tỉnh ta vẫn đảm bảo chỉ tiêu nhưng số thanh niên bị loại trả vì sức khỏe vẫn còn khá lớn. Đây là vấn đề có phần nghịch lý, vì theo quy định thì không được đổi bù. Ngoài ra, vẫn còn không ít bất cập, hạn chế trong công tác gọi công dân nhập ngũ trong năm 2016 vừa qua.

TIN LIÊN QUAN

Khám kỹ vẫn bị loại trả!

Trong đợt giao quân năm 2016 vừa qua, tỉnh ta có số thanh niên bị loại trả vì lý do sức khỏe khá lớn, với 18 trường hợp/6 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Sơn Tịnh bị loại cao nhất với 6 trường hợp. Bác sĩ Đặng Tuấn Lộc – Giám đốc Bệnh viện Sơn Tịnh, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng đoàn khám sức khỏe NVQS huyện, tỏ ra bất ngờ: Trước hết, chúng tôi nhận trách nhiệm về số thanh niên bị loại trả, song chúng tôi vẫn không thỏa mãn. “Việc loại trả thanh niên sau khi các đơn vị nhận quân phúc tra lại sức khỏe cho thanh niên là có vấn đề. Trong 6 trường hợp mà huyện Sơn Tịnh bị loại trả vừa rồi, tôi khẳng định có đến 5 trường hợp vẫn hội đủ điều kiện để thực hiện NVQS”, bác sĩ Lộc khẳng định.

Nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thanh niên.
Nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thanh niên.

 

Đại tá Nguyễn Tấn Lâm – Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh:
Để công tác gọi công dân nhập ngũ năm 2017 và những năm tiếp theo tốt hơn, đề nghị các huyện, thành phố chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, không chủ quan, nhất là đạo đức, chính trị, kết quả về sức khỏe, thanh niên vắng mặt ở địa phương còn nhiều. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, nhất là Luật NVQS năm 2015. Kiên quyết xử lý các hành vi ngăn cản, trốn, chống lệnh nhập ngũ. Cơ quan quân sự các huyện, thành phố phải tham mưu xử lý nghiêm việc chống lệnh, chống khám, cần thiết thì phối hợp với công an truy tố hình sự.

Theo bác sĩ Lộc, quy trình khám sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ được tổ chức rất kỹ. Thậm chí, Sơn Tịnh là địa phương được đầu tư một máy siêu âm điện tim hiện đại để khám sức khỏe NVQS và những y, bác sĩ tham gia khám đã làm hết trách nhiệm. "Điều làm chúng tôi bức xúc là, khi vào đơn vị nhận quân bị trả về, chúng tôi không được trao đổi, chỉ biết lý do chung chung là không đủ điều kiện sức khỏe".

Theo quy định, sau khi giao quân thì các địa phương không được đổi bù. Do vậy, công tác khám sàng lọc về sức khỏe phải được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng ngay từ đầu. Nói về những nguyên nhân mà số thanh niên bị loại trả nhiều, ông Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe NVQS tỉnh, cho biết: Việc gọi thanh niên lên khám không đều, lúc ít lúc thì quá nhiều, nên việc khai thác tiền sử các bệnh của thanh niên chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng và không đầy đủ. Tình trạng thanh niên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và không hợp tác với bác sĩ khám... cũng gây ảnh hưởng đến kết quả khám, đặc biệt là tim mạch, huyết áp. Công tác quản lý thanh niên đã khám sức khỏe trúng tuyển chưa được tốt và chặt chẽ, dẫn đến khi có những biến động về sức khỏe, trong khi ngày giao quân đã cận kề nên việc  kiểm tra lại sức khỏe không đầy đủ.

Đối phó trốn nghĩa vụ

Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác giao quân năm 2016 mới đây, Hội đồng NVQS tỉnh nhận định: Dù chính sách miễn, hoãn mở rộng cho thanh niên theo học ở các trường; yêu cầu chất lượng tuyển quân cao hơn, nhưng những năm gần đây xuất hiện tư tưởng thanh niên trốn tránh nhập ngũ xảy ra nhiều.

Bên cạnh đó, tình trạng thanh niên trốn, tránh thực hiện NVQS bằng lạm dụng chất kích thích khi khám sức khỏe ngày càng phổ biến. Bác sĩ Đặng Tuấn Lộc kể, có trường hợp một địa phương gọi lên khám 50 thanh niên, thì hơn 30 thanh niên có huyết áp vượt mức bình thường nhiều lần. Về chuyên môn, chúng tôi nhận định ban đầu có khả năng do thanh niên đối phó bằng cách dùng chất kích thích. Còn thượng tá Nguyễn Thanh Trà – Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP. Quảng Ngãi, cho rằng: Không chỉ sử dụng cà phê, rượu, bia mà nhiều thanh niên còn có dấu hiệu dùng thuốc tăng huyết áp. Việc lạm dụng các chất kích thích nhằm trốn NVQS khi khám sức khỏe, khiến cho tỷ lệ đạt sức khỏe vừa thấp, lại vừa gây khó khăn cho Hội đồng khám sức khỏe NVQS, vì khó can thiệp.
 

Các địa phương tập trung xử lý thanh niên trốn, chống lệnh khám, lệnh gọi nhập ngũ. Xử lý các đối tượng vi phạm Luật NVQS, đồng thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, ngăn ngừa vi phạm đối với những người có ý né tránh, không thực hiện NVQS... Đó là một trong những giải pháp trong thời gian đến được Hội đồng NVQS tỉnh đề ra.

Thanh niên vắng địa phương nhiều

Năm 2016, toàn tỉnh tổ chức giao quân một đợt vào đầu năm, trong khi 7 huyện mới thực hiện công tác giao quân đợt 2/2015. Do đó, nhiều địa phương gặp khó khăn về quy trình tuyển chọn và thực lực thanh niên trong độ tuổi làm NVQS. Trong đó, Tư Nghĩa là địa phương không hoàn thành chỉ tiêu khi kết thúc khám giai đoạn 1. Trung tá Phạm Lượng– Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS Tư Nghĩa, cho biết: Sau khi giao quân đợt 2/2015, địa phương còn số thanh niên trong độ tuổi NVQS 2016 rất mỏng. Trong khi đó, số thanh niên đi làm ăn xa với số lượng lớn, ảnh hưởng đến công tác chốt thực lực, xét duyệt chính trị và gọi khám.

Tình trạng thanh niên đi làm ăn xa không về thực hiện NVQS ở Tư Nghĩa cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng NVQS các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, các địa phương vẫn còn tư tưởng công tác tuyển quân là của cơ quan quân sự. Công tác tổ chức chốt thực lực xét duyệt chính trị, chính sách ở một số địa phương chưa chặt chẽ, chốt không hết thực lực, nhất là đối với sinh viên ra trường đi làm ăn nơi khác. Sự phối hợp giữa cơ quan về quản lý hộ tịch, hộ khẩu, nhất là độ tuổi thanh niên diện sẵn sàng nhập ngũ còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến khi xét duyệt xong lại phải điều chỉnh về độ tuổi, văn hóa...

Bác sĩ Đặng Tuấn Lộc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh
Trước đây, quân đội thực hiện chủ trương “3 gặp, 4 biết” trong suốt quá trình thâm nhập tuyển chọn công dân nhập ngũ. Đây là chủ trương hay, vì giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân, cũng như gia đình và thanh niên được tiếp xúc, trao đổi, động viên trong suốt quá trình chuẩn bị giao nhận quân.Việc chốt thực lực sức khỏe cho thanh niên cũng được thường xuyên trao đổi. Qua đó, hiệu quả rất tốt, các bên đều thỏa mãn, nhưng không hiểu sao bây giờ không thực hiện nữa. Tôi mong muốn những cán bộ quân y khi phúc tra sức khỏe tại đơn vị khi nhận quân cũng cần công tâm, khách quan và chia sẻ với đội ngũ làm công tác khám sức khỏe ở địa phương. Ít nhất, chúng tôi cũng được trao đổi, chia sẻ những nguyên nhân, thì mới thỏa mãn được.

 

Trung tá Phạm Lượng – Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tư Nghĩa
Thời gian qua, việc xử lý thanh niên chống lệnh, chống khám, hành vi bao che, cản trở thi hành Luật NVQS các xã, thị trấn có làm nhưng chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính.

 

Số thanh niên đi làm ăn xa không về hoặc trốn nhiều năm nhưng chưa có biện pháp phối hợp với gia đình gọi về thực hiện NVQS hoặc gọi về chậm, gây ảnh hưởng đến thời gian khám. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật NVQS ở địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng.


       

Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.