Chống đuối nước: Đừng chậm!

09:04, 24/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chín học sinh của Trường THCS xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) chết tức tưởi sau vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên sông Trà Khúc hôm 15.4 khiến cho cả xã hội bàng hoàng, đau xót.

TIN LIÊN QUAN

Lâu nay, đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi lo lớn. Hằng ngày, đâu đó ở địa phương này, địa phương nọ lại xảy ra những chuyện đau lòng từ đuối nước đối với trẻ em do tắm sông, tắm biển. Nguyên nhân chính lại rất cũ và tái đi tái lại thường xuyên: Do không biết bơi!

Dạy cho trẻ em biết bơi đang là nhu cầu của nhiều phụ huynh học sinh.    Ảnh: THANH NHƯ
Dạy cho trẻ em biết bơi đang là nhu cầu của nhiều phụ huynh học sinh. Ảnh: THANH NHƯ


Theo con số báo cáo mà Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từng công bố cho thấy, tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chỉ đứng sau tử vong do tai nạn giao thông. Lo ngại hơn khi so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 8 đến 10 lần. Con số trung bình hằng năm có khoảng 3.000 trẻ tử vong do đuối nước mà Bộ LĐ-TB&XH công bố mới đây cũng đủ làm những người lớn chúng ta giật mình và đau xót.

Cơ quan hữu trách từ Trung ương đến địa phương đã từng đưa ra rất nhiều giải pháp để chống đuối nước ở trẻ em. Ngành giáo dục còn có “sáng kiến” dạy bơi trong trường học. Vậy nhưng, xem ra mọi hoạt động để “cứu” sinh mạng trẻ em thoát khỏi “miệng hà bá”, tránh được họa từ “thủy thần” vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Thử hỏi trẻ em Việt Nam ở bậc tiểu học, THCS, THPT có được bao nhiêu em biết bơi lội? Nếu tính ra thì chắc chắn một điều rằng sẽ không thể vượt qua ngưỡng 50% học sinh biết bơi. Vậy thử hỏi sao các em có thể thoát chết khi gặp bất trắc trên sông nước và sóng biển?

Một thực tế hiện nay là ở các trường học việc dạy bơi cho học sinh vẫn còn rất hạn chế, nhiều trường còn chưa đưa môn bơi lội vào giảng dạy. Trong khi đó, phụ huynh học sinh thì phần đông đều không quan tâm và coi nhẹ việc dạy bơi cho con mình. Trong Chỉ thị 1408 của Chính phủ năm 2009 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đó lưu ý đến việc phòng chống đuối nước bằng việc tăng cường hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Vậy nhưng, xem ra các địa phương, các hội, đoàn thể vẫn chưa thật sự thực hiện quyết liệt.

Người xưa từng nói: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Điều này cho thấy sự cần thiết trong việc giúp trẻ em biết bơi lội để ngăn ngừa tai nạn đuối nước. Vậy nên, chống đuối nước ở trẻ em không thể tiếp tục “chậm” được nữa, phải xem chuyện chống đuối nước ở trẻ em là chuyện cấp bách. Có như vậy mới không còn tái lặp lại nỗi đau xé lòng như vụ 9 học sinh chết đuối thương tâm vừa qua. Hãy hành động ngay, đừng chậm!
                          

VÕ MINH HUY
 


.