Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần thực thi triệt để

04:03, 19/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định rõ trong pháp luật, được các doanh nghiệp (DN), các ngành chức năng cam kết thực hiện rất rõ. Tuy nhiên, trong thực tế quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) đang ngày càng bị thiệt thòi, bị xâm phạm nhưng chưa được bảo vệ kịp thời, hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương


Bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là của ngành chức năng và DN. Người tiêu dùng chính là lực lượng quan trọng giúp tạo ra sự minh bạch về chất lượng hàng hóa. Nếu quyền lợi không được bảo vệ thì NTD chắc chắn sẽ quay lưng với sản phẩm hàng hóa do DN đó làm ra. Khi NTD ý thức được quyền lợi của họ thì DN cũng phải đổi mới đáp ứng, đảm bảo an toàn cho NTD.

Quy định: Đề cao, tôn trọng

Ngày 15.3 năm nay, lần đầu tiên "Ngày quyền của người tiêu dùng" với chủ đề "Quyền được an toàn của người tiêu dùng" được tổ chức mang tầm quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10.7.2015 về Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Theo đó, lấy ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam, nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh...

Ngày 21.9.2015, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch số 9754 về việc tổ chức Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Các hoạt động Ngày Quyền của NTD Việt Nam sẽ được tập trung tổ chức trong tháng 3 trên phạm vi cả nước từ trung ương đến các địa phương, trong đó các hoạt động chủ yếu sẽ được thực hiện từ ngày 10.3 đến ngày 20.3.2016. Tại Quảng Ngãi, ngày 4.3.2016, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện "Ngày Quyền của người tiêu dùng" trên địa bàn tỉnh, với các hình thức tổ chức như: Tuần hành, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến phố, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền được an toàn cho NTD...

Thực thi: Chưa triệt để

Theo quy định của pháp luật, tất cả các sản phẩm phải đảm bảo an toàn cho NTD. Bên cạnh bảo vệ hàng hóa hữu hình, có cả những hàng hóa vô hình cũng được bảo vệ như dịch vụ ngân hàng, tài chính, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, thực tế không ít quyền lợi của NTD mới chỉ được quy định, còn việc thực thi vẫn chỉ nằm trong... các văn bản luật.

 Tại Quảng Ngãi, hiện tại ngoài các cơ quan có chức năng quản lý thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm còn có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị tham gia bảo vệ quyền lợi cho NTD. Các cơ quan có chức năng chuyên ngành như quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thanh tra chất lượng hàng hóa của các sở, ngành... hằng năm đều tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, phát hiện hàng trăm vụ, xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm.

 Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nước mắm có thương hiệu tại Hội chợ hàng tiêu dùng Quảng Ngãi.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nước mắm có thương hiệu tại Hội chợ hàng tiêu dùng Quảng Ngãi.

 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011. Sau gần 5 năm đi vào thực hiện, Luật này đã đem lại những kết quả nhất định, góp phần bảo vệ NTD. Tuy nhiên, trong thực tế những quy định của luật và các hoạt động khác có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, một số cơ quan khác, đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh, mặc dù được thành lập, đi vào hoạt động khá lâu nhưng việc thực hiện vai trò làm cầu nối giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của người tiêu dùng với nhà sản xuất, phân phối không được phát huy. Nhiều NTD khi mua sản phẩm bị cho là nhầm lẫn, có lỗi kỹ thuật, hàng không đảm bảo chất lượng đã tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD nhờ can thiệp nhưng rất khó khăn. Bà Đặng Thị Hạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Sau khi mua một loại bột ngũ cốc về dùng nhưng cả nhà đau bụng, ói mửa, phải nhập viện. Khi xuất viện, bà Hạnh có tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD để nhờ liên hệ với nhà sản xuất để khiếu nại, nhưng đi lại nhiều lần không gặp được cán bộ.

Nhiều NTD Quảng Ngãi sau khi mua phải hàng giả, hàng nghi ngờ về chất lượng không đảm bảo đã tìm đến cơ quan quản lý thị trường tỉnh để báo cáo và cung cấp mẫu đối chiếu với hàng thật. Cơ quan quản lý thị trường tỉnh liên hệ với nhà sản xuất, song không ít nhà sản xuất không hợp tác. Thậm chí có nhà sản xuất sau khi đối chiếu phát hiện hàng chính hãng của công ty mình bị làm giả nhưng lại đề nghị để DN tự xử lý, không muốn công bố thông tin rộng rãi.

Cần "bảo hành" cho cam kết bảo vệ

 Bảo vệ quyền lợi NTD đang ngày càng được coi trọng, nhưng thực chất các giải pháp bảo vệ vẫn chưa thực sự phát huy. Việc phát hiện quyền lợi của NTD có thể bị xâm hại chủ yếu là các biện pháp "từ xa" thông qua các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, với thủ đoạn của hành vi buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, trong khi đó lực lượng chức năng mỏng, công cụ, phương tiện hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ chưa đảm bảo, dẫn đến kết quả hoạt động này chưa như mong muốn.

Thực tế không ít DN kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải thường đặt lợi ích kinh doanh lên hàng đầu, khi có dịp thường chèn ép khách, tự ý nâng giá, thu tiền cao hơn giá cước đã đăng ký. Tại cuộc họp đánh giá vận tải Tết Bính Thân, nhiều hãng taxi đã bị Ban chỉ đạo phục vụ vận tải Tết phê bình vì hành vi thu tiền cước cao hơn giá cước đồng hồ; giá nhiên liệu giảm mà không giảm giá cước.

Bảo vệ quyền lợi NTD được quy định rất rõ trong luật, được DN tự nguyện cam kết và từ năm 2016 này, được nâng tầm lên một bước nữa từ việc chọn ngày 15.3 làm ngày Quyền của NTD. Tuy nhiên, thực tế quyền lợi của NTD vẫn chưa thực sự được tôn trọng. Vì thế, các quy định về bảo vệ quyền lợi cho NTD cần một tấm giấy "bảo hành" cho việc thực hiện cam kết này từ chính quyền, ngành chức năng và toàn xã hội.
 

*Ông Võ Minh Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh
Lực lượng quản lý thị trường của tỉnh tăng cường kiểm soát khâu lưu thông hàng hóa nhằm phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi NTD, ổn định thị trường; đồng thời bảo vệ DN làm ăn chân chính. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi cũng chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông vẫn còn trên thị trường. Mong rằng người dân tăng cường phối hợp, phát hiện, hợp tác với quản lý thị trường để ngăn chặn hành vi vi phạm quyền lợi của NTD.

*Ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi
DN bảo vệ quyền lợi của khách hàng vừa là nghĩa vụ nhưng cũng là thể hiện sự tri ân đối với niềm tin tiêu dùng của khách hàng. Quan tâm đến quyền lợi của khách hàng phải là mục tiêu đặt lên hàng đầu của DN. Hàng hóa sản xuất khi đưa vào khâu lưu thông phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phục vụ tốt gắn với bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD chính là xây dựng thương hiệu cho DN.

*Chị Phạm Thị Đua - Trưởng thôn Nước Trinh, xã Ba Chùa (Ba Tơ)
Bảo vệ NTD là trách nhiệm của Nhà nước. Hàng hóa đưa lên miền núi cũng cần phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ, để không có hàng kém chất lượng, hàng giả được đem lên bán cho bà con. Ở vùng cao, đường sá đi lại khó khăn, chợ không gần nhà, muốn mua hàng chất lượng cũng khó khăn. Theo tôi, cần tổ chức kiểm tra hàng hóa của cả những người đưa hàng lên miền núi bán, để phát hiện, loại ra hàng kém chất lượng, giúp bà con vùng cao bảo vệ sức khỏe.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.