Kỳ vọng từ những chính sách mới

07:02, 22/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Quảng Ngãi sẽ ban hành và đưa vào thực thi nhiều cơ chế, chính sách mới. Cùng với quy định ngày càng chặt chẽ, tiến bộ của pháp luật, những cơ chế chính sách mới này sẽ góp phần tạo ra sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

TIN LIÊN QUAN


Sớm đưa Nghị quyết XIX vào cuộc sống

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX. Kế hoạch thực hiện nghị quyết đã được triển khai cụ thể với việc chuẩn bị ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, nhằm tạo ra đột phá phát triển toàn diện và vững chắc, bao gồm nghị quyết: Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; về đẩy mạnh phát triển du lịch; về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo; về phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ngãi.

 Phát triền hạ tầng giao thông được tỉnh đặc biệt quan tâm trong năm 2016. Trong ảnh: Thi công kè chống sạt lở kết hợp đường giao thông ở đảo Lý Sơn.                                             Ảnh: THANH  NHỊ
Phát triền hạ tầng giao thông được tỉnh đặc biệt quan tâm trong năm 2016. Trong ảnh: Thi công kè chống sạt lở kết hợp đường giao thông ở đảo Lý Sơn. Ảnh: THANH NHỊ


 Đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong năm 2016, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch ban hành 16 cơ chế, chính sách mới, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết XIX. Các cơ chế, chính sách mới này thuộc các lĩnh vực thu hút đầu tư, giao thông vận tải, xây dựng đô thị, thương mại; thu hút nhân tài, đào tạo lao động nông thôn. Trong đó, lĩnh vực xây dựng nhiều nhất với 4 cơ chế chính sách; giao thông vận tải 3 chính sách...

Có những chính sách đưa ra mốc thời gian phải ban hành gấp rút ngay trong quý I/2016, gồm: Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phê duyệt ngành nghề, danh mục khung và định mức chi đào tạo nghề lao động nông thôn trong tỉnh. Đặc biệt, với quyết tâm "xóa bỏ lò gạch cũ", trong năm 2016 này, lần đầu tiên UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng tham mưu ban hành chính sách xóa bỏ lò gạch cũ. Theo kế hoạch, quý II/2016, chính sách này chính thức ra đời, đưa vào thực hiện.
     

Băn khoăn chính sách thuế

Năm 2016, chính sách về miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều chính sách thuế mới cũng đang gây băn khoăn cho người dân. Cụ thể, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, trong đó, điểm quan trọng nhất chính là sự thay đổi thời điểm tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô-tô nhập khẩu dưới 24 chỗ. Qua đó sẽ trực tiếp làm tăng giá xe bán lẻ tới khách hàng. Ngoài ra, thuế tài nguyên môi trường; thuế xuất nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng… cũng đã có nhiều sự thay đổi. Đặc biệt, chính sách miễn giảm tiền thuê đất gặp nhiều bất cập vì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang vướng về thủ tục đất đai.

"Sáng dần" chính sách tài chính, tín dụng

Sau nửa năm triển khai chính sách tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực này. Trong đó, Agribank - Chi nhánh Quảng Ngãi là ngân hàng tiên phong trong cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, mức vay tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với trước và tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa đến 3 tỷ đồng mà không cần thế chấp tài sản. Tùy theo thời gian vay mà lãi suất ưu đãi từ 7 - 9%/năm. Hiện nay, Agribank - Chi nhánh Quảng Ngãi đang tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tăng trưởng dư nợ trong hội viên. Trong đó Hội Nông dân tăng dư nợ thường niên 120 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 dư nợ đạt 1.500 tỷ đồng. Hội Phụ nữ tăng dư nợ hằng năm tối thiểu 60 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 dư nợ đạt 500 tỷ đồng.

Năm 2016 này, chính sách  tín dụng cho người nghèo cũng có nhiều thay đổi, cải tiến. Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 75 của Chính phủ về cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, có trồng rừng sản xuất được vay với mức tối đa là 15 triệu đồng/ha; vay chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác sẽ được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ gia đình với lãi suất vay 0,1%/tháng. Thời hạn cho vay đối với trồng rừng tối đa là 20 năm và cho vay chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác tối đa là 10 năm.
        
Tăng tính khả thi

Quảng Ngãi sẽ ban hành chính sách mới về khuyến khích thu hút đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2016.                                                                                        Ảnh: HOÀNG HÀ
Quảng Ngãi sẽ ban hành chính sách mới về khuyến khích thu hút đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2016. Ảnh: HOÀNG HÀ


Năm 2016, việc ban hành cơ chế, chính sách mới khá nhiều so với năm 2015. Trong đó có một số lĩnh vực có sự thay đổi lớn. Vì thế, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2016,  lãnh đạo các sở, ngành cho rằng, cơ chế, chính sách là "bộ khung" tối cần thiết cho việc chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc ban hành phải bám sát thực tế, đặc biệt phải nghiên cứu kỹ tính khả thi, nhằm đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đó.

Khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành năm 2015, ngay từ những ngày đầu năm 2016, UBND tỉnh đã có chỉ đạo và yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và nhiệm vụ 2016 để xác định trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy bằng các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách có chất lượng và đảm bảo tiến độ thực hiện. Đó là cơ sở để mỗi người dân Quảng Ngãi có quyền kỳ vọng năm 2016, từ cơ chế, chính sách mới này, kinh tế của tỉnh và của từng hộ gia đình sẽ có sự khởi sắc rõ rệt.

*Ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp: "Cơ chế, chính sách chất lượng sẽ tạo ra động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội"
Điều quan trọng nhất trong ban hành, cơ chế, chính sách là quy định phù hợp yêu cầu thực tế và nguồn lực tài chính để thực hiện. Cơ quan nào tham mưu ban hành cơ chế, chính sách cần nghiên cứu kỹ thực tiễn để chính sách có chất lượng, tạo động lực tích cực cho phát triển; đồng thời đề xuất nguồn lực tài chính, để việc thực thi không gặp vướng mắc, bất cập. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới cũng cần phải kịp thời, đặc biệt là những quy định liên quan mật thiết đến đời sống người dân.

*Ông Nguyễn Văn Luyện – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh: "Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về chính sách cho doanh nghiệp".
 Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách về miễn giảm thuế cho các DN. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân là do sự không đồng bộ trong quản lý Nhà nước giữa Sở TN&MT với doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tham mưu với UBND tỉnh tiến hành tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ các chính sách miễn giảm thuế của Nhà nước.

*Ông Nguyễn Thiên Phiến– Phó Giám đốc Agribank- Chi nhánh Quảng Ngãi: “Đảm bảo các đối tượng được vay đến mức tối đa khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.
Ngay sau khi triển khai Nghị định 55 của Chính phủ, Agribank Quảng Ngãi đã nhanh chóng triển khai cho vay. Tuy nhiên, để người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế thì, trong năm 2016, ngân hàng sẽ tiến hành rà soát lại và tiếp tục cho vay đạt mức tối đa đối với những hộ đã vay trước đây theo Nghị định 41. Riêng trường hợp những hộ nào có tài sản thế chấp thì ngân hàng sẽ cho vay đến mức tối đa 75% tổng giá trị thế chấp.

*Anh Bùi Minh - thôn Bắc, xã đảo An Bình (Lý Sơn): "Cần quan tâm tạo việc làm cho người dân đảo Bé".
Hiện nay người dân đảo Bé dường như vẫn chưa được thụ hưởng chính sách đào tạo lao động nông thôn. Đất sản xuất nông nghiệp ít ỏi, khí hậu khắc nghiệt, thu nhập của người dân thấp, trong khi mọi chi phí ở đảo Bé đều cao hơn ở những nơi khác. Tôi mong muốn tỉnh có chính sách đào tạo việc làm phù hợp với điều kiện ở đảo, giúp người dân có việc làm, thu nhập, an tâm định cư lâu dài ở đảo.

 

T.NHỊ - H.HOA


 


.