Thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học: Hiệu quả sử dụng thấp

08:11, 09/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ngãi được đầu tư kinh phí mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, nhiều thiết bị dạy học không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí.

TIN LIÊN QUAN

Thiết bị dạy học (TBDH) và đồ dùng dạy học (ĐDDH) là phương tiện để phục vụ quá trình đổi mới phương pháp dạy học, nhằm phát huy tính chủ động, phát triển năng lực sáng tạo trong tiếp thu kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... Thế nhưng, qua khảo sát thực tế thì nhiều TBDH ở nhiều trường bậc THCS chưa phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra.

Thiết bị nhiều, nhưng hiệu quả thấp

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng TBDH hiện nay, thầy Phan Hoài Nam - giáo viên dạy Hóa, Trường THCS Nam Đàn, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) “lắc đầu” ngao ngán. Bởi theo thầy, nhiều lần sau khi giảng lý thuyết rồi đưa học sinh tới phòng thí nghiệm thực hành thì các hóa chất không phản ứng hóa học, không tương tác như nội dung bài giảng mà cho ra kết quả ngược lại. Điều nay khiến nhiều học sinh hoang mang, vì chẳng biết điều thầy giảng có đúng hay không! Và qua tìm hiểu kỹ, thầy Nam mới biết là hóa chất chuyển về trường đã hết hạn sử dụng nên kết quả phản ứng hóa học mới như thế.

 Do thiếu cơ sở vật chất, học sinh phải thực hành ngay trong phòng để thiết bị, hóa chất.
Do thiếu cơ sở vật chất, học sinh phải thực hành ngay trong phòng để thiết bị, hóa chất.


Cô giáo Trần Thị Viên dạy môn Sinh học từ khối 6 đến khối 9, cùng trường với thầy Nam, bộc bạch: “Dạy sinh vật cũng rất cần các thiết bị, đồ dùng dạy học để minh họa cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng đồ dùng dạy học ở trường hư hỏng nhiều. Các mô hình ADN, mô hình ếch, tôm… đều bị gãy, hư  hỏng nên đành phải... dạy chay”.

Trình trạng này cũng xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Chánh, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Theo lãnh đạo của trường, trong những năm qua thiết bị dạy học được ngành GD&ĐT cấp về trường khá nhiều, nhưng đa số đến nay đã cũ, hư hỏng, mục nát. Nhiều hóa chất mới đưa về trường đã không phát huy tác dụng. Những thiết bị cần thiết để thực hành môn hóa học, như bình điện phân muối ăn, mô hình ADN cũng bị hư hỏng. Các thiết bị phục vụ thực hành môn vật lý cũng như vậy...
 

Cần sự đầu tư đồng bộ

Để khắc phục tình trạng sử dụng TBDH, ĐDDH không hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các thiết bị trong trường học, ngành giáo dục cần tăng cường đầu tư, xây dựng CSVC trường học theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học bộ môn phục vụ cho công tác giảng dạy, bảo quản các TBDH; đồng thời thực hiện trang bị đủ các TBDH trong nhà trường theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT.

Lúng túng xử lý thiết bị đã hỏng

 Hóa chất hết hạn sử dụng, TBDH, ĐDDH hư hỏng nhưng chưa có cách nào xử lý đã trở thành nỗi lo của rất nhiều  trường.  Thầy Nguyễn Văn Phổ- dạy môn công nghệ, kiêm phụ trách quản lý các thiết bị dạy học Trường THCS Nam Đàn, cho biết: Đáng lý các TBDH, ĐDDH phải để riêng biệt với phòng thực hành, các hóa chất hóa học thì để riêng biệt với TBDH, nhưng do thiếu cơ sở vật chất nên tất cả để chung với nhau trong một phòng. Điều này không chỉ làm cho hóa chất, thiết bị nhanh hư hỏng, biến chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Thực trạng về TBDH của Trường THCS Nam Đàn cũng là thực trạng chung của nhiều trường THCS, THPT trong tỉnh, nhất là các trường học ở các huyện miền núi Tây Trà, Sơn Tây. Ở nhiều trường do chưa có điều kiện xây dựng phòng thực hành thí nghiệm nên việc bảo quản, sử dụng các thiết bị, hóa chất, ĐDDH còn bất cập. Thêm vào đó, do điều kiện bảo quản chưa tốt nên một thời gian sau các thiết bị này xuống cấp, trở thành nỗi lo của học sinh lẫn giáo viên. TBDH do Nhà nước trang bị bảo quản sử dụng chưa tốt, nhưng hằng năm Sở GD&ĐT đều tổ chức cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học tự làm”. Qua cuộc thi, nhiều thiết bị ĐDDH tự làm của giáo viên chuyển về trường lại thêm gánh nặng bảo quản cho trường, vì thiếu phòng bảo quản dẫn đến nhiều giáo viên chán nản, vì bỏ nhiều công sức để làm rồi đem “xếp xó” theo thời gian. Cách quản lý sử dụng các TBDH như vậy thì khó có thể nâng tầm chất lượng giáo dục.
 

Hầu hết các TBDH, ĐDDH  ở các trường đều bị hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, do sử dụng bảo quản không đúng cách.
Hầu hết các TBDH, ĐDDH ở các trường đều bị hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, do sử dụng bảo quản không đúng cách.

Qua trao đổi với lãnh đạo Văn phòng Sở GD& ĐT thì trong năm học 2015-2016, ngành sẽ không tổ chức thi làm đồ dùng dạy học mà chỉ tổ chức Hội thi “Kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học”. Còn việc sử dụng và bảo quản thiết bị, hoá chất  từ nhiều năm học qua, Sở đã chỉ đạo các trường phải chủ động bố trí nhân viên và phòng để lưu trữ, bảo quản. Mỗi trường đều có hồ sơ theo dõi việc sử dụng TBDH của từng giáo viên và có sổ theo dõi việc mua sắm, tiêu huỷ TBDH đã hết hạn sử dụng. Hiện nay, hầu hết các trường đều có bố trí nhân viên làm nhiệm vụ này. Tuy vậy, do nhiều trường thiếu phòng bảo quản thiết bị, thiếu phòng thực hành thí nghiệm nên việc bảo quản, sử dụng, phát huy hiệu quả từ tiết dạy thực hành chưa tốt.          
                    

*Ông Nguyễn Ngọc Tựu - Chánh Văn phòng Sở GD& ĐT:
Hằng năm, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường tự chủ về việc mua sắm các TBDH, ĐDDH; rà soát lại các TBDH, hoá chất cần thanh lý, tiêu hủy và mua sắm mới đủ dùng cho năm học. Đối với các hóa chất hư hỏng và quá hạn sử dụng tại các trường nhưng chưa được tiêu hủy, Sở đã có công văn chỉ đạo các trường thu gom, tiêu hủy và cung ứng hóa chất mới. Sau khi cung ứng xong hoá chất, thiết bị, Sở sẽ tổ chức kiểm tra thực tế tại các cơ sở giáo dục về tình hình sử dụng và bảo quản TBDH, hoá chất. Qua đó, sẽ chấn chỉnh và tư vấn để việc sử dụng TBDH có hiệu quả hơn.

*Cô Dương Thị Thu Thủy– Phó Phòng GD& ĐT huyện Sơn Tịnh:
Các TBDH, ĐDDH ở các trường được cấp quá lâu. Hiện nay, đã có nhiều thiết bị hư hỏng, phòng đã nhiều lần kiến nghị lên trên cần có hướng xử lý, nhất là hóa chất đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, phòng chỉ đạo các trường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hiện toàn huyện có 11 trường THCS đã được đầu tư máy tính, trong đó có 6 trường có bảng tương tác. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy, nên việc sử dụng TBDH, ĐDDH thực chất vẫn tốt hơn nhiều.

*Thầy Lê Thê - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chánh, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh):
Trường được cấp phát TBDH, ĐDDH từ năm 2012 phục vụ cho công tác giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, hiện nay các thiết bị này đã hư hỏng, trường đã nhiều lần trích kinh phí sửa chữa, nhưng hiện chỉ sử dụng được 50% thiết bị phục vụ dạy học. Trường đã được hỗ trợ 1 phòng máy tính và đầu tư 1 bảng tương tác. Nhờ đó, nhiều thầy cô đã sử dụng thay thế các TBDH khác. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT chỉ là thực hành ảo, không giúp cho học sinh ghi nhớ tốt nội dung bài học. Hơn nữa, máy tính cũng chưa đủ để phục vụ cho công tác dạy và học. Trường đã lên kế hoạch thu gom thiết bị hư hỏng và đề xuất cung cấp thiết bị, máy tính mới cho trường.

*Thầy Nguyễn Văn Phổ - quản lý TBDH, ĐDDH ở Trường THCS Nam Đàn (Mộ Đức):
Vẫn biết thiếu TBDH, ĐDDH là trách nhiệm của trường, của ngành GD. Nhưng với người làm công tác giảng dạy, kiêm quản lý TBDH, ĐDDH đôi lúc cũng quá mệt mỏi. Bởi các thầy cô cứ gọi mà thực tế thì thiết bị không có. Nhiều giáo viên phải bỏ tiền túi để mua các dụng cụ thiết yếu, như thước đo góc, e ke, cồn… để phục vụ cho bài giảng, còn các hóa chất thí nghiệm, đo độ PH của đất thì đành chịu… Do vậy, rất nhiều giáo viên phải dạy chay.  

 

Bài, ảnh: MAI HẠ


                                           
 


.