Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu: Cần thêm giải pháp mạnh

10:10, 19/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi đang nỗ lực bứt phá vào thời điểm cuối năm. Đây là lúc mà doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất hoàn thành các hợp đồng đã ký kết trong năm, đồng thời mở rộng tìm kiếm những cam kết hợp tác làm ăn mới trong năm 2016 đã cận kề.

TIN LIÊN QUAN

Gấp rút chuẩn bị nguồn hàng

Trong 9 tháng đầu năm 2015, kinh tế Quảng Ngãi tiếp tục khởi sắc. Tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tiếp tục tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 310 triệu USD, giảm 38% so cùng kỳ. Nguyên nhân do một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm, như dầu FO, tinh bột mì, gỗ dăm và các sản phẩm bằng gỗ... Chính vì thế, hầu hết doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đều cố gắng tập trung tìm giải pháp đột phá đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Chuyển gỗ dăm lên tàu xuất bán ra nước ngoài tại cảng Germendep (thuộc cụm cảng biển nước sâu Dung Quất).
Chuyển gỗ dăm lên tàu xuất bán ra nước ngoài tại cảng Germendep (thuộc cụm cảng biển nước sâu Dung Quất).


Chúng tôi có mặt tại Nhà máy mì Sơn Hải (Sơn Hà) vào thời điểm nhà máy đang tăng tốc sản xuất cho lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Lâu nay, nhà máy chỉ xuất sản phẩm sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan. Theo kế hoạch, 2 nhà máy (Tịnh Phong và Sơn Hải) đề ra trong năm 2015 là sẽ sản xuất khoảng 62.000 tấn tinh bột mì, nhưng đến nay khi đã qua những tháng cao điểm của mùa thu hoạch mì, song sản lượng sản xuất mới đạt hơn 36.000 tấn tinh bột. So sánh với cùng kỳ năm trước, nhà máy tụt giảm sản lượng ước vài nghìn tấn. Hiện tại, ngoài thu mua mì củ tại huyện Sơn Hà, Sơn Tây, nhà máy đã mở rộng địa bàn thu mua sang Kon Tum, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác.
 

Chất lượng  lao động giảm sút vì điều kiện sinh hoạt thấp

Chính sách nhà ở cho công nhân quy định rõ nhưng khó thực thi. Hiện tại, các KCN tỉnh có 14.400 lao động, dự kiến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 15.000 lao động. Lao động tăng dẫn đến nhu cầu về nhà ở cho lao động cũng tăng. Tuy nhiên, tại các KCN tỉnh chưa có nhà ở cho công nhân. Công nhân phải tự lo tìm chỗ trọ ở gần KCN, điều kiện sinh hoạt thấp. Đời sống và sức khỏe công nhân không đảm bảo, dẫn đến chất lượng lao động bị giảm sút đáng kể. UBND tỉnh đã quy hoạch khu nhà ở cho công nhân rộng 13ha tại Tịnh Phong, nhưng hiện chưa triển khai do còn nhiều vướng mắc về cơ chế xây dựng, quản lý, khai thác công trình này.

Các nhà máy sản xuất gỗ dăm trên địa bàn tỉnh, hiện tại cũng đang đẩy mạnh thu mua keo để chế biến gỗ dăm. Với đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm lên đến hàng trăm nghìn tấn gỗ dăm, doanh nghiệp Nhất Hưng (Sơn Hà) đã phải tập trung máy móc, nhân lực đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu tiêu thụ keo của người dân vùng lân cận. Tuy nhiên, do năm nay không phải là “năm chu kỳ” thu hoạch keo nên sản lượng tụt giảm. Vì thế, có những thời điểm, các nhà máy chế biến gỗ dăm của doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo dự báo thị trường, từ nay đến cuối năm là thời điểm người dân thu hoạch keo cũ để trồng keo mới, khả năng về nguyên liệu sẽ được khôi phục.

Những tháng cuối năm, ngoài việc đảm bảo xuất sản phẩm sang 10 thị trường nước ngoài truyền thống như Malaysia, Singapore, Campuchia, Nam Mỹ, Trung Đông, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích còn xúc tiến thương mại vào thị trường mới như Châu Âu, Nhật Bản. Ông Hồ Văn Vân – Giám đốc Nhà máy nước khoáng Thạch Bích cho biết: "Ngày 20.10, Thạch Bích sẽ tổ chức Hội nghị khách hàng tại Malaysia và Singapore để lắng nghe, chia sẻ với các nhà phân phối, nhằm tổ chức tốt hơn việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của Thạch Bích đang ngày càng gia tăng tại 2 thị trường này".

Vẫn còn nhiều khó khăn

Năm 2015, Quảng Ngãi tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển, hội nhập nhưng kết quả chưa như mong muốn, do còn nhiều bất cập. Theo quy định, khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc danh mục có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thế nhưng trong phụ lục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ có KCN Tịnh Phong, còn KCN Quảng Phú và Phổ Phong “lọt” ra ngoài không được hưởng ưu đãi trên.

Công nhân nhà máy sx linh kiện điện tử Foster (KCN Tịnh Phong) trong ca sản xuất.
Công nhân nhà máy sx linh kiện điện tử Foster (KCN Tịnh Phong) trong ca sản xuất.


Ngoài ra, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp mặc dù được chỉ đạo tháo gỡ, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp kích cầu thị trường tiền tệ nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn. Lãi suất có giảm theo chỉ đạo của Trung ương, song rào cản về thủ tục vẫn chưa được tháo gỡ.

Ngày 2.10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô đã có buổi làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Phạm Như Sô yêu cầu Ban Quản lý cần nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, tạo điều kiện tốt hơn nữa, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội vực dậy sản xuất, ổn định kinh doanh. Điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp mà còn giúp cho kinh tế tỉnh nhà phát triển, người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống.
 

*Ông Lê Hồng Hà – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh:
Hiện tại KCN Phổ Phong và Tịnh Phong chưa được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung; tất cả các KCN chưa có nhà ở tập trung cho công nhân; KCN Phổ Phong chưa được đầu tư hạ tầng trong hàng rào KCN. Vì thế, tỉnh cần tiếp tục đầu tư cho các KCN. Mục đích là để thu hút đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các KCN, giúp doanh nghiệp và người lao động an tâm làm ăn.

*Ông Lê Bình – Trung tâm Thương mại Ông Bố:
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ rất muốn nhập nông sản, thực phẩm tươi sống của nông dân trong tỉnh, nhưng hàng hóa lại chưa đầy đủ thủ tục công nhận là hàng đảm bảo chất lượng, an toàn. Điều này vừa gây thiệt thòi cho nông dân và cả doanh nghiệp vì phải bỏ thêm chi phí vận chuyển hàng nhập từ nơi khác về. Vì vậy, tỉnh cần hợp tác với doanh nghiệp để giúp nông dân thực hiện đăng ký, công bố chất lượng nông sản làm ra. Đó cũng là cách giúp doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh sản xuất.

*Bà Nguyễn Thị Lệ Thu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Đông Bắc:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng có đủ trình độ chuyên môn, tay nghề nhưng vẫn khó tiếp cận với các đối tác tìm kiếm công trình, dự án. Vì thế, doanh nghiệp cần tỉnh quan tâm tạo điều kiện tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn, mang lại việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ có đóng góp lớn hơn vào ngân sách tỉnh nhà.

*Ông Nguyễn Chính – Phó Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải:
Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, việc xuất sản phẩm ra nước ngoài của nhà máy phải thông qua hệ thống cảng ngoài tỉnh như Kỳ Hà (Quảng Nam), Tiên Sa (Đà Nẵng). Nếu việc xuất sản phẩm được thực hiện trong hệ thống cụm cảng của tỉnh thì sẽ giảm được chi phí. Ngoài ra, việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nói chung ngày càng gặp nhiều khó khăn, rủi ro hơn nên cần được hỗ trợ về thủ tục hành chính và trợ giúp pháp lý kịp thời, hiệu quả.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.