Xăng giảm, giá cước vận tải vẫn "đứng yên"

03:09, 05/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù giá xăng đã có 4 lần giảm, nhưng đến nay giá cước vận tải vẫn không nhúc nhích. Doanh nghiệp vận tải (DNVT) thì “than khó kể khổ” với nhiều lý do khác nhau, dù các Bộ GTVT, Tài chính đã có công văn chỉ đạo các DNVT phải cân đối để điều chỉnh giá cước.
 

Nghịch lý trên đang khiến khách hàng bị thiệt thòi rất lớn. Vì sao nghịch lý này vẫn tồn tại dai dẳng?

Nghịch lý do đâu?

Khi giá xăng dầu tăng thì các DNVT đồng loạt kêu la  “không tăng sẽ lỗ”. Thế nhưng, khi giá xăng dầu sau 4 lần giảm gần 2 nghìn đồng/lít thì các doanh nghiệp lại “làm lơ”, dù các cấp, ngành đã có văn bản chỉ đạo.
 

 

 Giá xăng giảm mạnh nhưng giá cước vận tải của doanh nghiệp vẫn chưa giảm.
Giá xăng giảm mạnh nhưng giá cước vận tải của doanh nghiệp vẫn chưa giảm.

Theo nhiều ý kiến, nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, việc xử lý những doanh nghiệp vi phạm trên lĩnh vực vận tải chưa thật quyết liệt nên các DNVT vẫn chây ì, không chịu giảm giá cước khi xăng dầu giảm sâu. Đấy là bất lợi trước mắt mà người tiêu dùng phải hứng chịu và túi tiền của DNVT lại “phồng” lên bởi khoản chênh lệch từ giá xăng, dầu giảm.

Cuối năm 2014 cũng từng xảy ra tình trạng tương tự là giá xăng dầu giảm tổng cộng gần 5 nghìn đồng/lít, nhiều DNVT vẫn làm ngơ, chỉ khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt thì các DNVT mới chịu hạ giá một cách miễn cưỡng. Và tình trạng này hiện đang lặp lại, gây thiệt hại và bức xúc cho người tiêu dùng. Cùng với thiệt thòi về việc phải sử dụng dịch vụ bất công bằng thì việc giá xăng dầu giảm, nhưng giá cước vận tải không giảm đã kéo theo đó là giá các mặt hàng khác cũng “ngủ yên”.  

Lý giải cho việc không thể điều chỉnh giá cước theo chiều giảm của giá xăng nhiều doanh nghiệp cho rằng, do thời gian qua họ đầu tư nguồn vốn quá lớn, dịch vụ tăng lên và lãi suất ngân hàng khá cao nên không thể giảm giá cước được.

Theo ông Nguyễn Minh Tín- Giám đốc DN tư nhân vận tải Ba Tín, đến thời điểm này rất khó để giảm thêm giá cước vì giá đăng ký cho tuyến Quảng Ngãi-Đắk Nông là 290 nghìn đồng/chặng nhưng thực tế chỉ thu của khách 250 nghìn, cộng cả tiền bao cơm, nước uống. Bây giờ xe khách thì nhiều, cạnh tranh dịch vụ quyết liệt nếu điều chỉnh giảm xuống 250 nghìn đồng cũng được, nhưng giờ giảm thì dễ nhưng khi đến tết hay vào dịp lễ xin tăng giá thì rất khó. Vì thế tôi kiến nghị cho giữ giá cước hiện tại.

Cần bảo vệ người tiêu dùng

Một lý do thường được viện dẫn cho việc chưa có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp chậm trễ giảm giá cước là bởi DNVT hoạt động theo cơ chế thị trường, tự định giá và cạnh tranh nên không chịu sự điều tiết của các bộ, ngành, hiệp hội. Trong nhiều trường hợp, các hiệp hội chỉ có thể có ý kiến khuyến cáo, tuyên truyền, vận động DNVT giảm cước chứ không có chế tài. Do đó, việc quản lý và yêu cầu doanh nghiệp điều chính giá cước theo giá xăng là rất khó.
 

 

 Không chỉ vận tải đường dài mà các hãng taxi cũng không giảm giá cước theo giá xăng.
Không chỉ vận tải đường dài mà các hãng taxi cũng không giảm giá cước theo giá xăng.

Chính việc không có biện pháp chế tài đối với các DNVT khi yêu cầu điều chỉnh giá dẫn đến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi. Theo khảo sát của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại 4 hãng taxi trên địa bàn tỉnh gồm: Mai Linh, Sun, Tiên Sa và Quảng Ngãi Tourist đều không giảm giá cước theo giá xăng dầu. Lý do mà các đơn vị này đưa ra cũng như các DNVT hành khách đường dài.

Tính ra, nếu hành khách bước chân lên xe taxi Mai Linh với dòng xe 4 chỗ, mỗi kilômét ban đầu hành khách phải trả 11.800 đồng trong chặng từ 30km trở lại, còn dòng xe 7 chỗ là 16.400 đồng. Hay như Quảng Ngãi Tourist dòng xe 4 chỗ 1km đầu cho chặng dưới 30km là 10 nghìn đồng và 16 nghìn đồng đối với dòng 7 chỗ. Ngoài ra, hãng taxi này có “khuyến mại” theo cách của mình là nếu hành khách đi trên 30km thì sẽ làm hợp đồng theo chặng. Theo đó, dòng xe Kia Carens cho chặng 100km là 1.150 nghìn đồng, còn đối với dòng xe Innova là 1.260 nghìn đồng.

Như vậy, so với mức giá 20.430 đồng/lít xăng hồi tháng 5.2015 đến nay xăng đã giảm được 1.900 đồng/lít, tương đương 9,25% (từ 20.430 đồng xuống 18.530 đồng/lít) và dầu diesel giảm được 2.460 đồng/lít, tương đương 15,5% (từ 15.880 đồng xuống 13.420 đồng/lít). Tính toán thực tế của những hãng taxi cho thấy xăng chiếm khoảng 39% tổng các loại chi phí tạo nên giá thành, tương đương khoảng 5.070 đồng/km xe chạy. Với mức giảm của giá xăng, tính ra mỗi kilômét xe chạy đã giảm được ít nhất là 466 đồng. Thế nhưng, các nhà xe taxi hiện nay vẫn  giữ nguyên giá như khi xăng còn ở mức hơn 20 nghìn đồng/lít.

Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 756 phương tiện các loại. Trong đó, phương tiện vận tải hành khách có 687 xe, với tổng tải trọng hơn 10.000 chỗ ngồi. Với giá thành vận tải trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng cao nhất của giá xăng trong hơn 3 tháng qua, có thể thấy số tiền lời của gần 700 đầu xe chở khách đang hoạt động từ việc giá xăng giảm sẽ không hề nhỏ chút nào.

 Theo ông Nguyễn Vỹ Đại - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, chính việc chúng ta chưa có chế tài đối với các DNVT nên đã tạo cớ để DN chậm giảm giá. Do đó, để tạo sự công bằng theo thị trường, trước hết chúng ta phải có chế tài xử lý, biện pháp can thiệp. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
 
*Ông Nguyễn Hữu Đoan - Trưởng phòng Vận tải và Pháp chế (Sở GTVT):  
Việc điều chỉnh giá cước vận tải thuộc về Sở Tài chính, chúng tôi chỉ phối hợp và có phản hồi về giá cước khi các doanh nghiệp vận tải báo cáo quá trình điều chỉnh giá có hợp lý hay không mà thôi.

*Ông Nguyễn Anh Nam - Trưởng Phòng Quản lý giá và Công sản (Sở Tài chính):
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo, Sở đã yêu cầu các nhà xe báo cáo việc điều chỉnh giá. Tuy nhiên, đến chiều 31.8, chưa có đơn vị nào đồng ý giảm giá vé theo giá xăng. Do đó, trong vài ngày tới Sở sẽ phối hợp với Sở GTVT tiến hành kiểm tra các đơn vị. Nếu thật sự các đơn vị giải trình được một số khó khăn cũng như đầu tư mới của mình thì sẽ cho giữ nguyên giá, còn nếu ngược lại thì sẽ yêu cầu phải giảm giá cước. Quan điểm của chúng tôi là giá xăng giảm thì giá cước phải giảm.

*Ông Nguyễn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô Chín Nghĩa:  
Công ty không thể giảm giá vé theo giá xăng được. Nguyên nhân là dù giá xăng giảm mạnh, nhưng một số chi phí không giảm mà tăng từ 10-20%. Trong đó, phí cầu đường tăng gấp đôi so với trước đây, giá thuê mặt bằng đầu bến tăng 20%, giá xe phương tiện và phụ tùng tăng 10% so với đầu năm. Vì vậy, nếu giảm giá cước theo giá xăng công ty sẽ không có lãi.

*Ông Lê Huy Bình - GĐ Công ty Cổ phần Vận tải du lịch Phú Hoàng, chi nhánh Quảng Ngãi:
Đối với hãng taxi Tiên Sa, việc giá xăng, dầu lên xuống thế nào thì DN vẫn không có động thái điều chỉnh giá. Mà cụ thể là từ tháng 2.2015 đến giờ chúng tôi chưa một lần điều chỉnh giá dù giá xăng tăng, giảm liên tục. Do vậy đợt này chúng tôi không thể giảm giá do chúng tôi vừa đầu tư mới, dịch vụ tốt. Khách hàng vẫn bình thường và không ai phàn nàn gì.

*Anh Nguyễn Viết Long - TP. Quảng Ngãi:
Các DNVT “đổ thừa” cho việc đầu tư dịch vụ và các khoản khác để không giảm giá vé là thiếu hợp lý. Bởi lúc giá xăng tăng các nhà xe đều đồng loạt tăng, vậy tại sao lúc giá xăng giảm thì không chịu giảm. Trong kinh doanh vận tải mặc dù có sự cạnh tranh nhưng dường như các nhà xe đã “bắt tay” với nhau. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để thì người dân sẽ chịu thiệt thòi rất lớn.

 


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 

.