Giảng dạy kiến thức phòng, chống tham nhũng cho học sinh: Cần thiết, nhưng còn bất cập

07:09, 18/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.6.2013 quy định nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Từ học kỳ 2 năm học 2013 - 2014, có 39 Trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị này. Học sinh từ lớp 10 đến 12 đã được cung cấp các kiến thức cơ bản về PCTN. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập.

Chuyển biến tích cực

Theo Chỉ thị 10, việc đưa nội dung giảng dạy về PCTN nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh bậc THPT về mục đích, yêu cầu của công tác PCTN, trang bị cho học sinh các khái niệm, biểu hiện của tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với xã hội. Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, nội dung này đã được tích hợp vào môn học giáo dục công dân, với thời lượng 6 tiết, được phân bố trong 3 năm học (lớp 10 đến lớp 12). Các trường lựa chọn nội dung PCTN để đưa vào các hoạt động ngoại khóa, như: Báo cáo chuyên đề, các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Ngoài ra, nội dung này còn xây dựng các bài giảng E-learning đưa lên mạng để các trường tham khảo, vận dụng.

 Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học giáo dục công dân.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trong giờ học giáo dục công dân.


Thầy giáo Trịnh Phú Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: Bên cạnh việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào môn giáo dục công dân, trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa về nội dung này trong các hoạt động văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm học, thi tìm hiểu pháp luật về PCTN. Nội dung, thời lượng và hình thức tích hợp đưa vấn đề PCTN vào chương trình giáo dục công dân giúp học sinh có nhận thức đúng, qua đó hình thành kỹ năng và thái độ trước vấn đề tham nhũng ở nước ta hiện nay.  

 

Theo thầy giáo Hạ Quang Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia, hai năm qua, năm nào trường cũng tổ chức một buổi báo cáo chuyên đề về tìm hiểu Luật Phòng chống tham nhũng cho toàn thể Hội đồng sư phạm nhà trường. Từ những buổi như thế, không chỉ các giáo viên bộ môn giáo dục công dân được trang bị vốn kiến thức để giảng dạy, mà chính các thầy, cô giáo nhà trường cũng nâng cao hơn nữa ý thức về phòng chống tham nhũng.

Tại Trường THPT Ba Gia, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Công đoàn xây dựng hoạt động ngoại khóa tìm hiểu pháp luật về PCTN. Theo đó, các cuộc thi được tổ chức với nhiều hình thức như: Viết bài, sân khấu hóa… Thầy giáo Hạ Quang Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia, cho biết: Trong các tiết học, không quá phụ thuộc vào kiến thức sách giáo khoa, học sinh được tạo điều kiện tự nói lên hiểu biết, suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tiếp thu mới, như: Thi tìm hiểu, xây dựng các  hoạt cảnh… được thầy cô khuyến khích học sinh thực hiện, qua đó, các kiến thức về PCTN được tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ pháp luật được thành lập trong những năm qua ở các trường THPT là sân chơi thiết thực cho các em học sinh mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Nhiều nội dung PCTN  được triển khai trong các buổi sinh hoạt hằng tuần với hình thức hấp dẫn, như: Đóng kịch, làm video clip tuyên truyền... đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Đoàn trường cũng là một trong những “cánh tay phải” đắc lực để tuyên truyền về PCTN đến mỗi ĐVTN thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, gồm: Nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa… Em Nguyễn Văn Huy - học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp, cho biết: Dù kiến thức về PCTN đối với em còn khá mới mẻ, nhưng với hình thức giảng dạy rất hấp dẫn, sáng tạo của các thầy cô, nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích đã giúp em hiểu thêm về thực trạng tham nhũng và ý thức hơn về trách nhiệm đối với vấn nạn này.

Còn những bất cập

Theo Sở GD&ĐT, sau hai năm thực hiện Chỉ thị 10, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy ở trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên, giáo viên môn giáo dục công dân cấp THPT chưa được trang bị đầy đủ kiến thức PCTN. Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy là công việc mới và tương đối khó, môn giáo dục công dân lại chưa được chú trọng nhiều. Hơn nữa, với thời lượng 2 tiết/khối lớp là không nhiều. Tuy nhiên, môn giáo dục công dân hiện tại theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT phải tích hợp rất nhiều môn và các hoạt động khác như: An toàn giao thông, môi trường, tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, tư vấn sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống, các cuộc thi tìm hiểu… và bây giờ là PCTN. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động giảng dạy của giáo viên đối với  môn học này.

Thầy giáo Phạm Thạch Sinh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, cho rằng, vì mức độ hiểu vấn đề ở độ tuổi của các em còn một số giới hạn nhất định, nên chỉ có thể nắm bắt được một số vấn đề cơ bản, còn việc hiểu sâu sắc về vấn đề tham nhũng vẫn còn những hạn chế.

Bên cạnh đó, nội dung các bài giảng về PCTN được đưa vào giảng dạy cũng còn nhiều hạn chế. Cô giáo Vũ Thị Liên Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, đề xuất: Để giúp cho việc giảng dạy nội dung PCTN được hiệu quả, trong lộ trình cải cách sách giáo khoa THPT sau năm 2015, Bộ GD&ĐT cần có những bài giảng về nội dung PCTN một cách cụ thể, rõ ràng, cũng như đưa ra tư liệu, ví dụ điển hình về những vụ việc tham nhũng đã được xử lý nghiêm, giúp việc giảng dạy nội dung này đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, một số bài học trong sách giáo khoa môn giáo dục công dân nên được giảm tải và thay vào đó là nội dung PCTN.

*Ông Trần Hoài Trung - Chánh Thanh tra Sở GĐ&ĐT:
Qua theo dõi triển khai việc lồng ghép nội dung PCTN ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh, thì hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ từ học kỳ 2 năm học 2013 - 2014 và năm học 2014-2015. Học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về PCTN. Tuy nhiên, vấn đề lồng ghép này cũng còn gặp nhiều khó khăn, như giáo viên môn giáo dục công dân cấp THPT chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về PCTN. Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh để bồi dưỡng lại cho giáo viên môn giáo dục công dân về nội dung này. Ngoài ra, vì chưa có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng kinh phí cho hoạt động này, nên hai năm qua, Sở có bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động và tập huấn kiến thức PCTN, nhưng kinh phí này vẫn không được “giải ngân”.

*Thầy giáo Bùi Tấn Tuyển - Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tư Nghĩa:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT, nhà trường cũng tổ chức lồng ghép nội dung PCTN vào môn học giáo dục công dân. Để việc truyền đạt có hiệu quả nội dung này, trường tăng cường việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong nhà trường, như tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, viên chức và học sinh toàn trường. Bên cạnh việc dạy lồng ghép nội dung PCTN, nhà trường còn tổ chức CLB “Thanh niên với pháp luật” trong trường học, tổ chức các buổi ngoại khóa, sưu tầm các tài liệu thực tế qua sách báo về nạn tham nhũng, để truyền đạt cho học sinh. Mặc dù việc lồng ghép nhiều nội dung vào môn giáo dục công dân đã gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy, nhưng các thầy, cô giáo cũng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ này, giúp học sinh từng bước nâng cao ý thức PCTN.

*Cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Tổ trưởng Sử - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Lê Khiết:
Thực hiện lồng ghép nội dung PCTN vào môn giáo dục công dân khiến giáo viên quá tải. Vì hiện nay bộ môn này đã lồng ghép quá nhiều nội dung khác ngoài sách giáo khoa như: An toàn giao thông, biển đảo, giới tính, môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống… trong khi quy định là không tăng thời lượng giảng dạy khiến giáo viên bộ môn gặp khó khăn. Mặt khác, để truyền đạt hiệu quả các nội dung lồng ghép ngoài tài liệu được cung cấp, thì bản thân mỗi giáo viên phải tự tìm hiểu, nghiên cứu thực tế cuộc sống mới truyền đạt cho học sinh hiểu được. Nội dung PCTN đưa vào giảng dạy ở trường học là chủ trương đúng, nhưng chỉ nên áp dụng với khối lớp 12.

*Em Võ Thị Thu Sương - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng:
Em thấy việc đưa nội dung PCTN vào trường học là cần thiết, vì chúng em cần được tiếp cận nhiều vấn đề của cuộc sống. Qua những tiết học được lồng ghép về PCTN và những ví dụ sinh động từ thực tế cuộc sống được thầy, cô giáo truyền đạt, chúng em thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiểu biết về PCTN sẽ giúp những người trẻ có nền tảng vững chắc để mạnh dạn “tuyên chiến” với vấn nạn tham nhũng.

 

Bài, ảnh: THIÊN – TRIỀU


 


.