Giữ hồn dân tộc bằng văn hóa - lịch sử

01:08, 31/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua đi, nhưng những giá trị về văn hóa - lịch sử của quê hương, đất nước luôn được các thế hệ nối tiếp nhau trao truyền bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, để công tác gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa- lịch sử của dân tộc được bền vững mà chỉ kỳ vọng vào nhiệt huyết của cán bộ làm văn hóa là chưa đủ.
 
TIN LIÊN QUAN


Say mê giữ hồn dân tộc

Là cán bộ Phòng VH-TT huyện Trà Bồng, anh Hồ Văn Biên ở Trà Sơn (Trà Bồng) vừa trở thành một trong ba nghệ nhân ưu tú đầu tiên của huyện, được Bộ VH-TT&DL công nhận. Để được danh hiệu đó, anh Biên đã đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân tộc Cor của mình. Kể về văn hóa Cor, đôi mắt anh Biên ánh lên niềm tự hào lạ thường. Với lấy chiếc chiêng, anh biểu diễn cho chúng tôi nghe các giai điệu sôi nổi, hùng tráng hay mềm mại, sâu lắng lòng người… và giải thích đó là âm nhạc của người Cor khi buồn hay vui. Không để văn hóa của người Cor mai một theo thời gian, trăn trở ấy đã thôi thúc anh rong ruổi băng rừng, vượt suối về khắp thôn, xóm trong huyện để dạy cho thế hệ trẻ biết đánh cồng chiêng.

 

Thuyết minh viên đang thuyết minh cho du khách đến tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn.
Thuyết minh viên đang thuyết minh cho du khách đến tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn.

Ở Trà Bồng bây giờ, xã Trà Thủy là nơi có đội chiêng mạnh nhất của huyện. Sở dĩ có được điều này là nhờ những người lớn tuổi luôn ý thức đến việc dạy cho con cháu cách cầm dùi, đánh chiêng. Vậy nên, Trà Thủy có đến hai nghệ nhân ưu tú là cụ Hồ Văn Hoàng và anh Hồ Ngọc An. Nhắc đến cụ Hoàng, ai cũng biết ông là người tâm huyết gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc Cor. Ông là nghệ nhân nổi tiếng với cây đàn Bro, sáo Talía và thuộc nhiều làn điệu dân ca của dân tộc mình. Ông đã truyền niềm say mê từng làn điệu cho nhiều thế hệ con cháu. Còn anh Hồ Ngọc An là con trai cụ Hoàng - cán bộ Văn hóa xã Trà Thủy, cũng là người rất yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Anh từng được cử tham gia liên hoan cồng chiêng, liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, Nghệ An, Phú Yên, Hà Nội… và đạt nhiều huy chương.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng, cho biết: Hiện nay, huyện có gần 1.000 người biết đánh chiêng. Đây là thành tích rất đỗi tự hào không chỉ của những nghệ nhân người Cor, mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của cán bộ ngành VH-TT huyện Trà Bồng. “Hiện Trà Bồng đã tập hợp được 12 nghệ nhân làm rường cột trong phát triển văn hóa dân tộc Cor, trong đó có ba người được Bộ VH-TT&DL công nhận nghệ nhân ưu tú. Hy vọng, với “vốn con người” này, những nét đẹp văn hóa của người Cor sẽ không bị mai một và được vinh danh trong lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật”, ông Tùng nói.

Những người “truyền sử”

Trong hành trình tìm hiểu lịch sử một thời đau thương mà oanh liệt của mảnh đất Sơn Mỹ, du khách sẽ được các thuyết minh viên BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ cung cấp nhiều tư liệu rất xúc động. Chị Phan Thị Vân Kiều - Trưởng Phòng thuyết minh BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ kể, quê ngoại chị ở Sơn Mỹ, chị lại có người thân trong vụ thảm sát, nên với chị, những di tích lịch sử ở Sơn Mỹ đã ám ảnh chị từ bé. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, năm 1996, chị xin vào làm tại BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ và gắn bó với nghề thuyết minh đến nay. Nghề thuyết minh, ngoài vốn kiến thức, hiểu biết về lịch sử đòi hỏi phải có duyên dẫn chuyện, giọng nói truyền cảm để có thể lay động lòng người. Chị Kiều tâm sự rằng, mỗi lần thuyết minh, nhìn xuống đoàn khách thấy có nhiều ánh mắt rưng rưng, là chị thấy hạnh phúc vô cùng, vì đã truyền được ngọn lửa yêu nước đến với du khách...
 
Đối với anh Trương Hoài Nam - cán bộ phụ trách, kiêm thuyết minh viên tại Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường thì công việc lại khá bộn bề trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Vạn Tường. Do thiếu nhân lực, nên việc gì ở Bảo tàng, anh đều xắn tay vào làm. Nhưng công việc đem lại sự hứng khởi cho anh nhiều nhất là thuyết minh về “trận đầu đánh Mỹ” cho mọi người nghe. Giữa cái nóng hầm hập của miền biển, Nam say sưa nhắc đến từng chiến công của quân và dân ta trong trận chiến không cân sức này, khiến ai cũng ánh lên niềm tự hào. Anh Nam chia sẻ: Mặc dù lượng khách đến tham quan ít, không thường xuyên, nhưng thuộc nhiều đối tượng, do đó, bản thân anh phải tự tìm hiểu, nghiên cứu tổng hợp nhiều thông tin để cung cấp cho khách các kiến thức thật khoa học, dễ nhớ, dễ hình dung về chiến thắng Vạn Tường oanh liệt.  

Và những trăn trở

Hiện nay, việc truyền thụ văn hóa các dân tộc thiểu số chủ yếu nhờ vào các nghệ nhân dân gian của dân tộc đó. Nhưng các nghệ nhân này phần lớn đều gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình một cách tự nguyện, chứ không được hỗ trợ gì nhiều. Do đó, sự “ràng buộc” về trách nhiệm là không có. Còn cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn cao, hiểu rõ văn hóa dân tộc thiểu số lại rất hạn chế. Theo lãnh đạo ngành VH-TT&DL tỉnh, không chỉ riêng nhân lực nghiên cứu chuyên sâu và truyền bá văn hóa dân tộc Cor, Ca Dong hay Hrê, mà với lĩnh vực văn hóa nói chung, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đang trở thành vấn đề rất bức thiết. Bởi thực tế, đội ngũ cán bộ của ngành đã và đang lộ ra những thiếu hụt, mà trước tiên là sự thiếu hụt của bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhắc đến vấn đề thu hút nguồn nhân lực trên lĩnh vực thuyết minh bảo tàng, di tích, đến giờ, lãnh đạo BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ vẫn còn tiếc nuối những cán bộ đã chuyển công tác. Họ đều là những thuyết minh viên có chuyên môn tốt, nhưng vì chế độ đãi ngộ thấp, nên họ đã tìm đến những nơi làm việc có thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, thời gian làm việc của thuyết minh viên cũng khá đặc thù. Vào những dịp lễ, tết, thuyết minh viên lại càng bận. Áp lực là thế, nhưng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ thuyết minh viên còn hạn chế đã dẫn sự thiếu hụt lực lượng thuyết minh viên chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, các thuyết minh viên tại các di tích trên địa bàn tỉnh phần lớn có trình độ đại học liên quan đến ngành sử học, văn hóa, ngoại ngữ. Tuy nhiên, để tự tin trong quá trình hướng dẫn, các thuyết minh viên đều mong muốn được theo học các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp, ngoại ngữ và cập nhật những thông tin mới, cần thiết cho công việc. Nhưng, những ràng buộc về chế độ, chính sách đãi ngộ đã làm hạn chế khả năng tham gia của họ.
*Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL:
So với thời điểm trước đây, đội ngũ những người làm công tác VH-TT&DL của tỉnh hiện nay được đào tạo tương đối bài bản và tuổi đời còn khá trẻ. Riêng đội ngũ thuyết minh viên ở các di tích tương đối đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển hiện nay thì lực lượng hiện tại bắt buộc phải được đào tạo cao hơn nữa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Những người làm công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa không nhiều, dẫn đến việc duy trì các thiết chế văn hóa – lịch sử nói chung, của dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, công tác bồi dưỡng thường xuyên phải được chú trọng hơn nữa. Để từng bước khắc phục điều đó, hằng năm, ngành VH-TT&DL đều cử cán bộ đi học, tham gia nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ.

*Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:
Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Lý Sơn thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm văn hóa, du lịch trên địa bàn bước đầu mới đáp ứng phần nào việc phục vụ tìm hiểu tham quan của du khách. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cách làm văn hóa - du lịch hiện nay còn thiếu chuyên nghiệp. Nguyên nhân một phần là vì du lịch còn quá mới với Lý Sơn, mặt khác do đội ngũ làm văn hóa - du lịch ở huyện đảo vừa thiếu, lại chưa được đào tạo chuyên ngành nên chưa thể đáp ứng tốt được nhu cầu. Mặt khác, biên chế của ngành văn hóa cấp huyện lại ít. Muốn khai thác tối đa những giá trị lịch sử, văn hóa hiện có để làm du lịch, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ du lịch, thì đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu về văn hóa, làm du lịch cần phải đào tạo bài bản, Nhà nước cần mở ra cơ chế “thoáng” hơn về tuyển dụng những cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

*Ông Phạm Thành Công - Giám đốc BQL Khu chứng tích Sơn Mỹ:
Hiện nay, đội ngũ thuyết minh viên của Khu chứng tích Sơn Mỹ  có 7 người, luôn nhiệt tình, năng động, gắn bó và tự hào với nhiệm vụ của mình. Phấn đấu để trở thành người thuyết minh hướng dẫn khách tham quan đạt những tiêu chuẩn quy định là cả quá trình học tập và phấn đấu rất cao, trong khi khung lương nhà nước quy định còn thấp so với nhu cầu của đời sống. Do đó, Nhà nước nên nghiên cứu lại ngạch lương của cán bộ làm công tác thuyết minh; tăng thêm chế độ bồi dưỡng thanh sắc cho thuyết minh viên và có kế hoạch cụ thể về phí đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ.

*Chị Trần Thị Lan Chi - Kế toán, kiêm thuyết minh viên BQL Di tích Điện Trường Bà (Trà Bồng):
Công việc chính của tôi là phụ trách kế toán, nhưng khi có nhiều đoàn khách đến thăm, cùng với các bác, các chú ở BQL, tôi cũng phải tham gia hướng dẫn, giới thiệu cho du khách muốn tìm hiểu về di tích Điện Trường Bà. Một kế toán chuyên việc sổ sách mà phải kiêm luôn hướng dẫn viên, hơn nữa, đây lại là di tích lịch sử tâm linh, thì với một người mới vào nghề như tôi gặp không ít khó khăn. Do vậy, bản thân tôi mong muốn được đào tạo thêm về nghiệp vụ hướng dẫn viên để phục vụ du khách.  

 

Bài, ảnh: THIÊN - TRIỀU

           
 


.