Đầu tư cho miền núi: Vì sao hiệu quả chưa cao?

08:07, 28/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Miền núi Quảng Ngãi, đặc biệt là vùng nghèo hiện nay có suất đầu tư khá cao. Nhờ sự đầu tư ấy mà diện mạo nông thôn, đời sống người dân miền núi đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả thì vẫn chưa thực sự tương xứng với suất đầu tư ấy, vì sao?

TIN LIÊN QUAN

Cái chưa cần nhưng vội xây!

Cơ sở vật chất được đầu tư đến hàng chục tỷ đồng để phục vụ cho mục đích dân sinh, nhưng thực tế sau nhiều năm hoàn thành một số công trình vẫn chưa phát huy tác dụng. Điển hình trong số ấy là các trung tâm dạy nghề ở huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà.

Từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo 30a, Sơn Hà đã quyết định đầu tư Trung tâm dạy nghề huyện với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Tại huyện Trà Bồng, từ nguồn vốn được Tổng Công ty Lương thực miền Nam hỗ trợ, huyện đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề với tổng vốn hơn 32 tỷ đồng. Cả hai trung tâm dạy nghề này đã khánh thành, bàn giao, đưa vào sử dụng nhiều năm nay. Thế nhưng, số lao động miền núi “tốt nghiệp” nghề tại các trung tâm này thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hai cơ ngơi này “ngủ đông” sau khi khánh thành sẽ phần nào thấy được tính chưa cấp thiết của công trình.

Hiện nay, lao động miền núi vẫn chủ yếu là lao động chân tay. Các nghề đào tạo quy củ kiểu thợ lành nghề thì tại địa phương chưa có nhà máy, xí nghiệp để có thể giải quyết “đầu ra” sau khi học xong nghề. Nếu dạy nghề để giúp người học nghề sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp của tỉnh thì lại quá lãng phí. Bởi vì, khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp sẽ chủ động đào tạo nghề cho người lao động theo yêu cầu công việc, cho dù họ có nghề hay chưa có nghề trong tay.

  Đường giao thông ở Ba Giang (Ba Tơ).
Đường giao thông ở Ba Giang (Ba Tơ).


Gần đây, huyện Trà Bồng đang đề nghị cơ quan chức năng cho chuyển đổi chức năng, công năng của trung tâm dạy nghề huyện để sử dụng cơ sở này vào mục đích khác. Còn trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà trong khi chờ đợi những lớp dạy nghề chưa biết đến bao giờ khai giảng thì đã được huyện trưng dụng vào một số mục đích khác như dùng làm địa điểm di dời dân vùng sạt lở đến ở tạm; cho công nhân thi công các công trình gần đó ở nhờ…

Người dân quanh vùng nhìn những trung tâm dạy nghề hoành tráng nhưng “cửa đóng then cài” mà xót dạ. Ông Đinh Văn Tá, tổ dân phố Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) bảo: “Chưa cần xây một trung tâm dạy nghề to như thế này để dạy nghề phổ thông đâu. Lẽ ra nên để tiền đầu tư cho việc khác cần thiết hơn. Còn nhiều học sinh chưa có chỗ học đàng hoàng, chưa có cầu qua sông, suối an toàn mỗi khi đến trường mà!”.

Chủ thể chưa vì quyền lợi của chính mình

Theo báo cáo về hiện trạng công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn miền núi hiện nay của Sở NN&PTNT. Hiện toàn tỉnh có 483 công trình cấp nước sinh hoạt, tổng vốn đầu tư hơn 338 tỷ đồng. Trong đó miền núi có 404 công trình, tổng vốn đầu tư 228 tỷ đồng. Hiện có 107 công trình cấp nước sinh hoạt thật sự  hiệu quả bền vững; hiệu quả trung bình có 146 công trình; kém hiệu quả có 48 công trình và 103 công trình không hoạt động.

Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những nguyên nhân dẫn đến hư hỏng, kém hiệu quả của công trình cấp nước sinh hoạt này là do quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư còn bất cập. Khi hư hỏng nhỏ không khắc phục kịp thời, lâu ngày dẫn đến hư hỏng lớn, thậm chí là “khai tử” công trình. Đặc biệt, ở khu vực miền núi hầu hết các công trình sau khi đầu tư xong, bàn giao đưa vào sử dụng không thu được tiền nước của dân nên không có kinh phí trả cho người vận hành nên công trình bị bỏ mặc. Mặt khác, nhận thức của người dân được hưởng lợi từ công trình cấp nước sinh hoạt này còn hạn chế, chưa có ý thức bảo vệ công trình. Thậm chí, khi bản thân gây hư hỏng cho công trình nhưng không tự khắc phục, lâu ngày dẫn đến hư hỏng lớn, công trình không phát huy tác dụng.

Thực trạng ở miền núi, việc đầu tư đường giao thông ngày càng được chú trọng, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, học hành. Thế nhưng không ít nơi, người dân tự ý đào phá đường, đặt ống nước, khiến đường như bị “chặt” ra làm nhiều đoạn rất khó đi. Ngoài ra, các xe tải chở nông sản như keo, mì quá trọng tải cũng góp phần “băm” nát nhiều tuyến đường, gây mất an toàn giao thông. Người dân được hưởng lợi từ những công trình dân sinh phải có trách nhiệm bảo vệ, nâng cao tuổi thọ của công trình. Đó cũng là cách bảo vệ quyền lợi của chính bản thân và gia đình mình.

Chính sách còn nhiều bất cập

Trong những năm gần đây, trên địa bàn miền núi Quảng Ngãi đã xảy ra tình trạng nhà thầu “ôm” vốn rồi bỏ trốn. Số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn Chương trình 30a giảm nghèo nhanh và bền vững mà Chính phủ dành ưu tiên đầu tư cho huyện nghèo. Một số công trình giao thông đầu tư xây dựng nhiều năm chưa xong, dẫn đến đoạn làm trước xuống cấp, đoạn sau mới hoàn thành.

Về chương trình, chính sách giảm nghèo, trung bình mỗi năm suất đầu tư trực tiếp và gián tiếp đối với hộ nghèo miền núi khoảng 20 triệu đồng. Nhưng do tính dàn trải của chính sách, chương trình nên cùng một chính sách giảm nghèo mà có rất nhiều cơ quan tham gia quản lý và hệ quả là chồng chéo, trùng lắp.

Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 16 chương trình, chính sách giảm nghèo đang triển khai thực hiện cho miền núi Quảng Ngãi. Trong đó có không ít chính sách bất cập, đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được điều chỉnh, đơn cử như: Hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện (mức hỗ trợ thấp hơn hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo ở vùng khó khăn); hỗ trợ sản xuất theo Quy định 290 với mức 80.000 đồng/hộ/năm. Mức này quá thấp, khó có thể mua con giống, cây giống cấp cho hộ nghèo…

*Ông Hồ Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà: Người dân hưởng lợi phải góp sức để bảo vệ các công trình.
Tây Trà hiện nay được đầu tư khá nhiều công trình cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trong số ấy có không ít công trình hư hỏng, xuống cấp, không phát huy tác dụng. Nhiều công trình bị trâu, bò, xe máy của người dân làm vỡ đường ống, nhưng người dân hưởng lợi quanh vùng không chủ động khắc phục, mà trông chờ, ỷ lại vào chính quyền và ngành chức năng. Nhiều công trình thủy lợi bị bồi lấp nhỏ, nhưng người dân chưa góp sức khai thông kịp thời. Một số trường học, công trình còn bị người dân lấn chiếm, phá hỏng. Theo tôi, người dân cần phải nâng cao ý thức, góp sức bảo vệ công trình hơn nữa để công trình phát huy tác dụng.

*Ông Võ Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long: Người dân miền núi vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Miền núi địa bàn rộng, dân cư thưa, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Vì thế muốn đưa kinh tế miền núi phát triển, cần phải đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, việc đầu tư cần phải xác định ưu tiên trước – sau và đặt ra lộ trình cụ thể. Khi đã chọn công trình đầu tư xây dựng thì phải tập trung vốn làm dứt điểm, hạn chế tình trạng kéo dài.

*Ông Dương Viết Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà: Sớm khắc phục bất cập trong chính sách, chương trình đầu tư cho miền núi.
Về cơ bản chính sách, chương trình, dự án đầu tư cho miền núi là phù hợp, song quá trình thực hiện cũng phát sinh không ít bất cập, thậm chí bất hợp lý. Khi cơ sở phản ánh bất cập có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng thì cấp có thẩm quyền cần tiếp thu, nghiên cứu, điều chỉnh, tạo thuận lợi cho việc thực thi chính sách. Ngoài ra, cấp có thẩm quyền cũng cần lắng nghe những kiến nghị đầu tư mới mang tính thiết thực, cấp bách để bổ sung, mở rộng chương trình, chính sách, tạo sự đồng bộ, tăng hiệu quả hơn nữa trong đầu tư phát triển miền núi.

*Ông Trần Quý - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây: Tập trung đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức cho người dân miền núi.
 Đầu tư cho miền núi không chỉ đầu tư công trình, dự án mà cần phải đầu tư nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân. Khi dân có nhận thức, có kỹ năng rồi mới đầu tư hỗ trợ cây, con giống cho họ sản xuất, phát triển kinh tế. Khi họ hiểu thấu đáo xóa đói, giảm nghèo trách nhiệm chính là của từng hộ dân, Nhà nước, chính quyền chỉ hỗ trợ để dân thực hiện thì hiệu quả của đầu tư mới phát huy tác dụng.

*Ông Đinh Văn Đum, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây): Nhiều công trình dân rất cần nhưng vẫn chưa được đầu tư.
Ở vùng hẻo lánh của miền núi như thôn Ra Manh này rất cần được đầu tư đường giao thông để đi lại. Nhiều nơi còn chưa có đường, dân phải đi đường mòn. Mong rằng Nhà nước dành cho Ra Manh ít vốn để làm đường cho học sinh đến trường, nhân dân đi lại thuận tiện. Những công trình cấp thiết thì ưu tiên làm trước và khi làm cần xuống dân tham khảo ý kiến, để người dân cùng góp công sức làm cho nhanh.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 


.