Làm gì để tận dụng thời cơ hội nhập?

02:06, 03/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra thời cơ rất lớn, cùng với đó, thách thức cũng không nhỏ nếu chúng ta không có đủ khả năng để tận dụng hết cơ hội.

TIN LIÊN QUAN

Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, chưa bao giờ Việt Nam lại hội nhập ở mức độ sâu rộng như thời điểm hiện tại. Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam – EU. Đây sẽ là một hiệp định toàn diện, có chất lượng cao với mức tự do hóa sâu rộng và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, từ đó góp phần gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.

Sản phẩm đồ gỗ dựa trên lao động giá rẻ, khéo tay có thể mở rộng xuất khẩu sang EU và TPP, nhưng phải cạnh tranh trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Sản phẩm đồ gỗ dựa trên lao động giá rẻ, khéo tay có thể mở rộng xuất khẩu sang EU và TPP, nhưng phải cạnh tranh trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.


Hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 quốc gia thành viên, với quy mô chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu, cũng đang được trông đợi sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2015. Là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, TPP là mô hình giống như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng thông thoáng hơn và Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất, vì mục tiêu lớn nhất của tổ chức này là giảm thuế và xóa bỏ các rào cản thương mại. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện các FTA gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN-Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản…

Việc tham gia các FTA mới sẽ cải thiện đáng kể vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cơ chế về thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường mới. Tiến trình này đang tạo ra thời cơ rất lớn, cùng với đó, những thách thức cũng không nhỏ nếu Việt Nam không có đủ khả năng để tận dụng hết cơ hội.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2015, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương dự báo kinh tế Việt Nam cho rằng, trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và trong những năm đến sẽ gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với việc nỗ lực cải cách về môi trường kinh doanh, kỳ vọng trong năm nay nền kinh tế sẽ tăng trưởng một cách bền vững.

Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cùng với các yếu tố mức giá dầu thô giảm thấp, giá nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng giảm mạnh, sức mua có khả năng thanh toán của người dân tăng lên, ông Doanh cho rằng các doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực của nền kinh tế được dự báo thì tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động khó lường. Vì vậy, phẩm chất rất cần thiết của kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là khả năng đề kháng và năng lực tự đổi mới, tự phát hiện những yếu kém để từng bước có những thay đổi thích hợp để có thể phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.
Doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.


Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi luôn tích cực hội nhập sâu rộng ra các thị trường bên ngoài, nhằm tìm kiếm thị phần, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời quảng bá tối đa hình ảnh, tiềm năng, lợi thế cùng chính sách ưu đãi hấp dẫn của tỉnh nhằm kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Với các FTA mà Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán, ký kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi nói riêng có cơ hội nhiều hơn nữa để hội nhập phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh. Với những ưu đãi thông qua sự bãi bỏ thuế quan, khuyến khích xuất khẩu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội lớn để tiến vào những thị trường lớn của thế giới, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp thu công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên vẫn còn những tồn tại, thách thức đang đặt ra trong tiến trình hội nhập đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, yêu cầu cần phải thay đổi để khắc phục các hạn chế, nhằm tận dụng tốt các thời cơ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

*Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Lộc: “Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch”
Với các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, để giữ được thị phần trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như thu hút các nhà đầu tư, thì cần phải có sự thay đổi, chuẩn bị mạnh mẽ từ phía cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực cải cách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững, một số ngành có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị một cách tích cực về năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, môi trường pháp lý, hệ thống thể chế phải được nâng tầm.

*Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên kinh tế cao cấp: “Tạo nên sự khác biệt là động lực chủ yếu để phát triển”
Ở Quảng Ngãi, phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó các doanh nghiệp phải cần chủ động tìm kiếm thị trường, tạo được uy tín trên thương trường. Đặc biệt khi hội nhập, cùng với hiệp định thương mại tự do mới, trong môi trường kinh tế biến động, yêu cầu đối với nền kinh tế là khả năng chịu đựng, thích nghi với những biến động từ bên ngoài. Năng lực cạnh tranh phải được nâng lên, trước hết thông qua cải cách thể chế, chính sách, áp dụng khoa học-kỹ thuật. Với doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tạo nên sự khác biệt là động lực chủ yếu để phát triển.

*Ông Võ Thành Đàng-Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi: “Tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi”
Trong môi trường hội nhập, công ty sẽ tiếp tục đầu tư phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi có thế mạnh, là sản xuất kinh doanh đường mía, sữa đậu nành và các sản phẩm khác. Trên cơ sở đó, Công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng công suất chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Lĩnh vực đường mía được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, vì thế ngoài việc tập trung hoàn thiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Đường An Khê và Phổ Phong, Công ty sẽ đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu mía tập trung, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm giống mía mới; tiến hành cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch để phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với mía đường khu vực và thế giới. Cùng với đó là khảo sát, nắm bắt thị trường đường mía để xây dựng và thực hiện chính sách tiêu thụ đường thích hợp, tạo hiệu quả cao nhất.

*Ông Vi Nhất Trường-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kim Thành Lưu: “Cần sự liên kết”
Việc cạnh tranh chắc chắn sẽ “khốc liệt” hơn, bởi không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và còn gặp sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và cả trong tỉnh. Hiện nay các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ và gỗ dăm của tỉnh đang có sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu. Nếu chính quyền không làm tốt công tác quy hoạch, các doanh nghiệp cùng ngành hàng không tăng cường liên kết, thì khó khăn sẽ càng khó khăn mà thôi.

Bài, ảnh: Hoàng Hà

 


.