UBND huyện Ba Tơ có hợp thức hóa hồ sơ đất của ông Phương

09:05, 28/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Phạm Ngọc Hoàng ở Tổ dân phố Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) có đơn tố cáo ông Phạm Văn Phương lấn chiếm đất trồng lúa, nhưng được UBND huyện Ba Tơ hợp thức hóa hồ sơ để công nhận QSDĐ, làm nhà trên phần đất không đảm bảo quy định của pháp luật.

Làm việc với chúng tôi, UBND huyện Ba Tơ cho biết, năm 2009, ông Phạm Văn Phương có đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại thửa đất số 239, tờ bản đồ số 7, diện tích 96m2. Hồ sơ này được UBND thị trấn Ba Tơ xác nhận, nhưng khi kiểm tra hiện trạng thì tổng diện tích sử dụng của ông Phương là 140m2. Qua phân tích, trong số 140m2 thì có 97m2 sử dụng ổn định trước tháng 10.1993 nên không thu tiền sử dụng đất, còn 43m2 sử dụng sau tháng 10.1993 và không có tranh chấp nên phải nộp tiền sử dụng đất. “UBND huyện khẳng định, diện tích cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phương hoàn toàn không có diện tích đất lúa. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phương là đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật”, ông Lê Hàn Phong-Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói.

Công trình kè chống sạt lở suối Tài Năng.
Công trình kè chống sạt lở suối Tài Năng.


Năm 2010, công trình kè chống sạt lở suối Tài Năng, thị trấn Ba Tơ được triển khai xây dựng có đi qua phần đất của ông Phương. Theo báo cáo của BQL các dự án đầu tư và xây dựng huyện Ba Tơ (chủ đầu tư), sau khi thi công công trình thì diện tích đất còn lại của ông Phương là 41m2. Sau đó, các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra cũng xác định, diện tích đất còn lại của ông Phương là 40m2. Nghĩa là, diện tích này không đủ điều kiện về diện tích để ông Phương làm nhà ở sau khi làm công trình. Vì thế, cuối tháng 10.2014, UBND huyện chỉ đạo thu hồi, bồi thường toàn bộ diện tích đất của ông Phương. Không đồng tình với quyết định này, ông Phương khiếu nại và được UBND huyện cho kiểm tra trở lại.

Theo đó, diện tích đất còn lại của ông Phương là 62,94m2 (cao hơn 2 lần đo trước là 20,94 m2), mặt tiền đoạn tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng còn 2,81m, mặt sau là 4,36m (cao hơn 2 lần đo trước là 1,26m). Trên cơ sở diện tích đất còn lại đủ điều kiện làm nhà nên UBND huyện Ba Tơ đồng ý cho ông Phương tái định cư tại chỗ.

Chính sự tiền hậu bất nhất này là cơ sở để ông Nguyễn Ngọc Hoàng và người dân trong khu dân cư có quyền đặt nghi vấn. “Cũng là cơ quan chuyên môn của UBND huyện, nhưng lần đo thứ 3 có sai số tăng so với 2 lần đo trước với tổng diện tích 20,94m2 là điều khó có thể thuyết phục được người dân. Mặt khác, năm 2009, ông Phương đăng ký cấp QSDĐ chỉ có 96m2, nhưng sau đó đo đạc cấp với diện tích 140m2. Nghĩa là, diện tích 43m2 mà ông Phương có được là lấn chiếm”, một người dân ở tổ dân phố Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ bức xúc, nói.

Không những thế, người dân này còn cho chúng tôi biết, tổng diện tích đất mà ông Phương sử dụng và được cấp sổ đỏ là 140m2, sau khi làm kè thì còn lại 62,94m2, nhưng ông Phương vẫn được UBND huyện Ba Tơ ưu ái cấp cho 1 lô đất tại khu dân cư phía bắc chợ thị trấn Ba Tơ. Lý giải điều này, ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói: “Việc giao cho ông Phương 1 lô đất là giao đất theo hình thức đổi đất. Việc giao đất này đều được thực hiện cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở thuộc công trình kè chống sạt lở suối Tài Năng”.

Trong vụ việc này, lý giải của UBND huyện Ba Tơ là chưa thuyết phục, bởi lẽ, ông Phương chỉ bị thu hồi 77m2 trong tổng diện tích 140m2 mà vẫn được cấp 1 lô đất như các hộ dân bị ảnh hưởng 100% diện tích đất. Do đó, việc một số hộ dân bức xúc trong vụ việc này là có cái lý của họ.

Bài, ảnh: PV

 


.