Xi măng hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn: Tập trung cung ứng và sử dụng

01:04, 13/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí quan trọng để được công nhận là xã nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu này UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm đường. Thế nhưng, một số xã không dám đăng ký tham gia, số khác cần thì chưa đến lượt. Ngoài ra, nhiều địa phương nhận xi măng về nhưng việc quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập...

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện quyết định và quy định của UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng GTNT giai đoạn 2014 – 2015 trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm cung ứng xi măng cho 33 xã nằm trong diện được hỗ trợ với số lượng 30.253 tấn/136,7km đường. Sự hỗ trợ này rất quan trọng. Bởi, các địa phương trên đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nên được xếp vào nhóm ưu tiên hỗ trợ xi măng đợt đầu. Trong số 33 xã được hỗ trợ đợt này thì xã Phổ Hòa (Đức Phổ) không tham gia. 32 xã còn lại nhận xi măng thì việc thực hiện trong thực tế đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đơn cử như xã Hành Minh (Nghĩa Hành). Tính đến ngày 27.3, số xi măng Hành Minh thực nhận là 56 tấn nhưng mới chỉ làm được 300m đường.

Người dân xã Nghĩa Lâm làm đường giao thông nông thôn từ nguồn xi măng của tỉnh hỗ trợ.
Người dân xã Nghĩa Lâm làm đường giao thông nông thôn từ nguồn xi măng của tỉnh hỗ trợ.


Một số xã khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, mà nguyên nhân theo các địa phương là trong quá trình thực hiện do chưa có kinh nghiệm nên việc tính toán khối lượng không hợp lý dẫn đến khối lượng thực tế và khối lượng nhận chênh nhau, không đủ xi măng để làm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đăng ký nhận số lượng nhiều nhưng việc bảo quản sơ sài nên xi măng dễ bị hỏng khi chưa sử dụng hết. Đơn cử như xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) do nhận xi măng nhiều nhưng bảo quản không tốt đã bị đoàn kiểm tra của Sở GTVT nhắc nhở.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, hầu hết số xi măng xã nhận sau đó chuyển về các thôn và gửi ở nhà dân nên việc quản lý còn bất cập. “Ngay sau khi Sở GTVT nhắc nhở, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn mua bạt che chắn cẩn thận”– ông Thanh cho hay.

Theo báo cáo của Sở GTVT, việc cung ứng xi măng được chia làm 3 đợt. Đến thời điểm hiện tại đã cung ứng cho 20 xã khoảng 4.200/8.000 tấn, đạt khoảng 52% kế hoạch đợt I. Trong tháng 4 và tháng 5 sẽ tiến hành phân bổ đợt 2 và 3.

Diện mạo giao thông nông thôn ở xã Bình Mỹ, Bình Sơn thay đổi rõ rệt sau khi địa phương triển khai làm đường bê tông nông thôn.
Diện mạo giao thông nông thôn ở xã Bình Mỹ, Bình Sơn thay đổi rõ rệt sau khi địa phương triển khai làm đường bê tông nông thôn.


Ông Mai Văn Hà - Trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng – Sở GTVT cho biết, bên cạnh việc các địa phương tính toán không hợp lý dẫn đến không tiêu thụ hết lượng xi măng đã nhận, thì trung tuần tháng 3 vừa qua thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, mực nước các sông đều lớn nên người dân không thể khai thác cát làm đường được. Ngoài ra, việc cung ứng xi măng gặp một số khó khăn nên khối lượng chưa đạt như mong muốn.

“Đến thời điểm này các địa phương đã làm được 16km/136,7km đường bê tông nông thôn. Trong số các huyện thì Tư Nghĩa là địa phương được nhận xi măng hỗ trợ  nhiều nhất với gần 8.000 tấn. Nếu thời tiết thuận lợi thì từ nay đến mùa mưa các địa phương sẽ sử dụng hết số xi măng trên” – ông Hà nói.

 Việc đẩy mạnh bê tông đường giao thông nông thôn là vô cùng cần thiết để các xã từng bước hoàn thành các tiêu chí trong mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn nhưng đến nay chỉ có 33 xã nằm trong diện được cung ứng xi măng. Trong khi, nhiều địa phương trong số 32 xã lo ngại không thể sử dụng hết xi măng được nhận thì nhiều địa phương nằm ngoài danh sách đang rất muốn được hỗ trợ xi măng để làm đường.

Theo ông Võ Thái Truyền - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), hiện nay xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới nên không nằm trong số xã được hỗ trợ xi măng, trong khi nhu cầu cần hỗ trợ xi măng để làm đường là rất lớn. “Hiện toàn xã có gần 70km đường giao thông liên thôn, xã, nhưng đến nay mới chỉ bê tông được 13km. Xã rất mong được hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông, góp phần đạt thêm tiêu chí về giao thông để trong thời gian sớm nhất” – ông Truyền nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ:
Các địa phương trong diện 32 xã được cung ứng xi măng xây dựng GTNT phải tập trung nhân lực, vật lực và tính toán chi tiết, cụ thể để quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ và sớm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, phải hết sức chú ý đến việc bảo quản xi măng. Bởi hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, nếu không có biện pháp bảo quản tốt một khi mưa xuống thì xi măng sẽ hư hỏng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Nhân:
Trong số 33 xã thuộc diện cung ứng xi măng làm đường GTNT thì xã Phổ Hòa xin rút không tham gia. Còn một số địa phương ban đầu đăng ký nhiều nhưng sau đó lại sợ không sử dụng hết xi măng. Điều này sẽ rất bất cập nếu như nơi cần thì chưa có, nơi có thì sợ không dùng hết bởi xi măng chỉ chiếm 30% trong tổng số giá thành của một tuyến đường. Do đó, các địa phương phải tính toán lại mục tiêu, chủ trương cũng như số lượng kilômét đường để cung ứng vừa đủ và tránh bị hư hỏng khi không sử dụng hết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành:
5 xã trên địa bàn huyện tham gia chương trình bê tông  GTNT đều tập trung thực hiện. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay nguồn vật liệu khác là cát, sạn không thể đáp ứng. Trên địa bàn huyện có hai mỏ đá xây dựng, nhưng các mỏ này đang tập trung khai thác phục vụ các dự án giao thông lớn như Quốc lộ 1, cao tốc, nên huyện sợ sẽ không đủ vật liệu để làm GTNT.

Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa (Đức Phổ) Nguyễn Văn Nho:
 Trong đợt 1 xã Phổ Hòa không thể tham gia đăng ký nhận xi măng vì thời điểm đó chúng tôi chưa tính toán được chi tiết số kilômét đường, khối lượng cát, sạn và xi măng. Đồng thời, người dân mới chỉ đồng tình về mặt chủ trương chứ chưa thống nhất mức đóng góp nên xã không dám nhận xi măng. Hiện chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục chờ huyện phê duyệt là nhận xi măng về làm trong các đợt tiếp theo.

Ông Nguyễn Vũ Lâm, thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa):
Khi nghe Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, nhiều năm rồi con đường làng dài có 400m, mỗi khi mưa xuống là bị xói mòn, bà con phải tự bỏ tiền ra tu sửa nhưng chưa thấy được hỗ trợ xi măng. Mong các cấp ngành sớm cung ứng xi măng để người dân chúng tôi cùng với xã làm đường bê tông, để việc đi lại thuận tiện hơn.              

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 

 

 


.