Quản lý giá còn lỏng lẻo

02:11, 30/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ thường rất mẫn cảm với giá xăng. Thế nhưng, hiện nay dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng nhiều mặt hàng vẫn không chịu giảm theo dù trước đó đã “té nước theo mưa” khi xăng tăng giá. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng đắt đỏ hơn so với các tỉnh trong khu vực miền Trung. Điều này cho thấy công tác quản lý về giá của các cấp, ngành còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.

TIN LIÊN QUAN

Người tiêu dùng bị “móc túi”?

Từ đầu năm đến nay sự biến động mạnh của giá xăng khiến cho thị trường hàng hóa trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có nhiều xáo trộn. Trong đó, giai đoạn 6 tháng đầu năm giá xăng liên tục tăng đã đẩy giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, điện, vận tải… tăng cao. Tuy nhiên, từ quý III đến nay, giá xăng đã có nhiều lần giảm. Mới nhất là ngày 22.11, giá xăng tiếp tục giảm mạnh với mức giảm 1.140 đồng/lít xăng Ron 92. Như vậy, qua 10 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng đã giảm 5.390 đồng/lít, giảm 21% so với đầu tháng 7. Thế nhưng, giá cả các loại hàng hóa tăng theo giá xăng trước đó lại vẫn không hề nhúc nhích.

 Thị trường dầu hạ nhiệt sau khi giá xăng giảm mạnh.
Thị trường dầu hạ nhiệt sau khi giá xăng giảm mạnh.


Sự im lặng của giá cả hàng hóa và dịch vụ khiến cho người tiêu dùng bị ức chế, trong khi cách đây không lâu họ đã chia sẻ khó khăn với giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Dạo quanh một vòng các siêu thị, chợ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và các huyện, hầu hết các mặt hàng thiết yếu như thịt bò, trứng, rau, củ quả… đều đứng im. Có chăng chỉ giảm nhỏ giọt. Thậm chí là giảm theo kiểu đối phó.

 Chị Lê Thị Huyền, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), mua hàng tại chợ Quảng Ngãi, bức xúc: “Hàng hóa tăng thì người ta “đổ” cho giá xăng tăng. Nhưng giờ hàng hóa không chịu giảm trong khi giá xăng đã về gần với giá sàn. Cái này có phải là đầu cơ ăn theo giá xăng để “trục lợi” người dân không?”.

Không chỉ giá hàng hóa mà giá dịch vụ vận tải vẫn đang ở mức cao, dù lãnh đạo Sở GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải phải giảm 10% giá cước so với hiện hành. Theo ông Đỗ Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GTVT, Sở đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tính toán lại phương án kinh doanh và có hướng giảm giá cước. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, taxi thì bắt đầu hạ giá cước tùy theo chi phí có thể giảm 3 - 5%.

“Giá xăng, dầu Nhà nước điều hành qua thuế thì có thể điều chỉnh giảm xuống được. Còn giá dịch vụ vận tải, giá cả hàng hóa ngoài chợ thì Nhà nước không điều tiết được. Ở đây phải thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhà nước cần điều tiết ở phần đầu vào bằng giá xăng, dầu. Ngoài ra, cũng cần có chế tài quản lý chung và cần phải phạt nặng đối với các đại lý, đầu mối cung cấp hàng hóa không giảm theo giá xăng, còn nếu không người tiêu dùng sẽ bị “móc túi” một cách công khai” – ông Huỳnh Văn Tự, phường Chánh Lộ nói.

Tỉnh nghèo nhưng giá đắt đỏ

Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart.
Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart.


Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo. Nhờ sự hình thành và phát triển của Khu Kinh tế Dung Quất, trong đó có nhà máy lọc dầu đã mang lại cho tỉnh một nguồn thu đáng kể và đưa Quảng Ngãi lọt vào tốp các tỉnh có nguồn thu ngân sách cao. Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Chính phủ cho Quảng Ngãi được hưởng chính sách như khi chưa điều tiết nguồn thu địa phương về ngân sách Trung ương. Đồng thời  xin phép sử dụng nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phát triển hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

 Mặc dù nằm trong tốp các tỉnh, thành có số thu ngân sách cao, nhưng thực tế Quảng Ngãi vẫn là tỉnh nghèo. Song vì “bình quân thu nhập đầu người” cao phần nào đã đẩy giá hàng hóa, dịch vụ của tỉnh tăng cao và thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dẫn đến dân nghèo chịu nhiều thiệt thòi.

Một chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm làm việc ở Sở Công thương chia sẻ: “Người kinh doanh lúc nào cũng muốn đẩy giá dịch vụ, hàng hóa tăng cao để thu lợi. Họ lợi dụng các kẽ hở trong quản lý nhà nước để làm. Ví dụ như tô bún ở Quảng Ngãi hiện nay giá thấp cũng 15.000 đồng. Trong khi cũng 15.000 đồng nhưng chất lượng tô bún ở TP.Hồ Chí Minh cao hơn nhiều. Bạn bè tôi thường than phiền giá cả ở Quảng Ngãi quá đắt, trong khi dịch vụ lại quá kém. Chúng ta có luật quản lý về giá nhưng không phải tất cả giá mà chỉ có một số đặc biệt có ảnh hưởng đến đời sống người dân như sữa, phân bón, xăng dầu… Còn lại hàng hóa vẫn thả nổi tùy vào cung cầu của thị trường. Do đó cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ”.

*Ông Nguyễn Xuân Thủy – Giám đốc Sở Công thương: Phải tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh những mặt hàng do Nhà nước quản lý thì hầu hết đều vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc giá hàng hóa không giảm theo giá xăng và người kinh doanh “ăn xổi ở thì” như hiện nay ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh. Nguyên nhân là tính cạnh tranh của thị trường thấp, chưa đủ sức tạo ra thế đối trọng trong cấu trúc cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi. Bản thân người kinh doanh chưa có quan niệm về kinh doanh. Do đó, cần phải tạo ra tính cạnh tranh cao trong thị trường một cách lành mạnh.

*Ông Nguyễn Vỹ Đại - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh:  Mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông minh.
 Việc giá cả thị trường không giảm theo giá xăng dầu là một nghịch lý. Trong đó, cần phải điều chỉnh giá cước vận tải xuống 15% thì giá hàng hóa mới giảm theo. Trong lúc chờ đợi “bàn tay” của Nhà nước kéo giá cước về đúng giá trị thật, thì bản thân mỗi người dân hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh. Trong đó phải lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm từ người đã sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, cần phải bỏ thời gian khảo sát thị trường trước khi chọn hàng để mua.

*Ông Nguyễn Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH vận tải ô tô Chín Nghĩa:  Giảm giá cước để giữ chân khách hàng.
Là doanh nghiệp vận tải, khi giá xăng giảm mạnh thì chúng tôi cũng phải giảm giá cước để giữ chân khách hàng. Hiện chúng tôi đang có phương ángiảm giá vé  2-3% tùy theo tuyến. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng. Không thể giá xăng giảm mà phí vận tải cao được.

*Ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi: Rất khó giảm giá.
Hiện Co.op Mart chỉ có vài mặt hàng giảm giá còn lại chưa thể giảm được. Nguyên nhân là do trong quá trình nhận hàng từ đầu mối không giảm thì doanh nghiệp bán lẻ cũng rất khó giảm. Bởi chi phí vận chuyển chiếm một tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu hàng hóa. Để giữ chân khách hàng Co.op Mart đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại.

*Bà Nguyễn Thị Tuyết – Xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh):Người tiêu dùng thua  thiệt nhiều mặt.
Chúng tôi đang phải mua hàng hóa với giá đắt đỏ. Không chỉ bị “móc túi” từ việc lợi dụng giá xăng dầu mà ngay cả cách điều hành giá, điều hành thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước  cũng “có vấn đề”. Chúng tôi đang bị “cào bằng” với những người có thu nhập cao từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Biết là thiệt thòi nhưng làm sao để “né” được. Cái này Nhà nước không làm được thì người dân như chúng tôi biết kêu ai?   

 


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.