Giống biến đổi gen- Có tạo đột phá cho nông nghiệp?

02:11, 16/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giống biến đổi gen hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên,  khi nghe giống biến đổi gen sắp được Bộ NN&PTNT thương mại hóa, nhiều nông dân trong tỉnh lại lo lắng.
   
Mới đây, Bộ TN&MT chính thức cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (CN ATSH) cho bắp biến đổi gen mang sự kiện GA21 (Công ty TNHH Syngenta VN) và NK603 (Công ty TNHH Dekalb VN) với đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ. Đây là sự kiện tiếp theo được cấp giấy CN ATSH sau sự kiện giống bắp MON89034. Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các sự kiện bắp biến đổi gen NK603, MON89034, GA21 và MIR162. Việc công nhận các sự kiện ngô biến đổi gen đang dần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, tiến tới mục tiêu trồng một số giống cây biến đổi gen tại Việt Nam vào năm 2015.

“Giống biến đổi gen hứa hẹn tạo hiệu quả”

 

Các loại giống đột biến gen hứa hẹn sẽ giúp cây trồng kháng sâu bệnh, nhằm tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Các loại giống đột biến gen hứa hẹn sẽ giúp cây trồng kháng sâu bệnh, nhằm tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.


Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở NN&PTNT. Lý do, cây trồng biến đổi gen không “làm khó” nông dân bởi kỹ thuật và quy trình canh tác của nó chẳng khác gì các loại giống lai truyền thống. Trong khi đó, năng suất và hiệu quả mà chúng mang lại sẽ cao hơn, còn chi phí sản xuất lại giảm nhờ khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hay thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, vì các sự kiện bắp biến đổi gen chưa được nghiên cứu, khảo nghiệm tại Quảng Ngãi nên nếu triển khai trồng thí điểm, Sở NN&PTNT sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT cấp giống nhằm “bảo đảm chất lượng; dễ kiểm soát thông tin nguồn gốc, xuất xứ”. Bởi hiện giờ, cây bắp đang được ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh ưu ái nên diện tích tăng dần đều qua từng năm (hiện có 10.500ha và dự kiến sẽ ổn định 12.000ha) nên nhu cầu giống sẽ rất lớn.

Còn theo ông Đàm Bàng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành - địa phương có diện tích trồng bắp nhiều nhất nhì tỉnh với trên 1.570ha và là nơi năng suất bắp đạt hơn 65 tạ/ha cũng khẳng định “giống biến đổi gen – mà cụ thể là bắp sẽ giúp nông dân tiến thêm một bước về tăng thu nhập”. Nguyên nhân là giống biến đổi gen đã “sửa” được khiếm khuyết mà bắp thuần và bắp lai thường mắc phải là dễ thoái hóa, mẫn cảm với sâu bệnh, cỏ dại… Vì vậy, “với lợi thế về diện tích, kinh nghiệm sản xuất thì nông dân và ngành nông nghiệp huyện sẵn sàng tiếp nhận và đưa vào sử dụng các giống biến đổi gen đã được Bộ NN&PTNT cấp phép”, ông Bàng cho hay.
 

Cây trồng biến đổi gen được lai tạo bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại (còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp) để chuyển một hoặc một số gen chọn lọc nhằm tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn. Điểm khác biệt duy nhất giữa giống lai truyền thống và giống chuyển gen là: Gen được chọn lọc một cách chính xác dựa trên khoa học công nghệ hiện đại và chuyển vào giống cây trồng để đem lại một tính trạng mong muốn nhưng có kiểm soát.

Nông dân băn khoăn

Trái với cái nhìn khả quan của ngành nông nghiệp, nông dân trong tỉnh lại cảm thấy lo ngại và hoang mang với việc giống biến đổi gen sắp được thương mại hóa. Lý do, họ chưa hề biết khái niệm “giống biến đổi gen” là gì? Sản phẩm của các giống này có được người tiêu dùng chấp nhận? Quy trình, kỹ thuật canh tác có gì khác? Rồi giá cả, thị trường tiêu thụ như thế nào?...

Đặc biệt là hiệu quả sản xuất có hơn giống lai truyền thống, bởi trước đây nhiều nông dân cũng đã “nếm trái đắng” với giống bông vải biến đổi gen mang đặc tính kháng sâu đục thân. Đó là dù giúp cây “né” được sâu đục thân nhưng vì chi phí thu hoạch tăng, mà hiệu quả sản xuất thấp nên chỉ sau một thời gian, giống bông vải biến đổi gen đã bị nông dân… chặt bỏ! Hẳn bà con chưa quên thất bại này nên khi nghe đề cập đến sự kiện bắp biến đổi gen, nhiều người tỏ ý không quan tâm. Nói như bà Nguyễn Thị Lan, người trồng bắp ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) thì: “Tôi chẳng thiết tha gì mấy cái giống lạ hoắc ấy. Tôi chỉ quen với PAC999 thôi!”.  

Trao đổi vấn đề này, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho rằng, với những giống mới, nông dân thường e ngại, đơn cử như bắp lai. Đó là khi mới xuất hiện, bà con lo giống bắp này yêu cầu kỹ thuật canh tác cao nên… không dám trồng! Nhưng sau khi được cán bộ kỹ thuật động viên, hướng dẫn trồng thử, họ đã bị các giống bắp lai CP333, CP919, PAC999… chinh phục vì dễ làm, ít tốn phân thuốc mà năng suất lại đạt đến 8 - 9 tấn/ha, cao hơn giống thuần VN10 3 - 4 tấn/ha. Với các giống biến đổi gen, hẳn nông dân cũng có cái nhìn tương tự. Thế nên ông Bàng cho rằng, để bà con yên tâm tiếp nhận các loại giống biến đổi gen nói chung, ngành nông nghiệp trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình thí điểm cấp huyện để vừa khảo sát, đánh giá hiệu quả, chất lượng giống, vừa giúp họ hiểu hơn đặc tính, ý nghĩa cũng như kỹ thuật canh tác.

Đề nghị trên nhận được sự đồng tình của nông dân. Bởi nói như ông Bùi Kinh Anh, người trồng bắp ở đội 7, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) thì: “Chủ trương của Nhà nước, của Chính  phủ là muốn giúp nông dân bớt nghèo, bớt khổ. Vậy nên trước khuyến cáo chúng tôi dùng giống này giống kia, ngành chức năng nên kiểm tra kỹ nó có phù hợp với đất Quảng Ngãi không, rồi mới nói đến chuyện năng suất, giá cả”.  

*Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Dũng: “Nên mạnh dạn sử dụng giống biến đổi gen”.
Hiện giờ, giống biến đổi gen ở Việt Nam chỉ mới có bắp được các Bộ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cũng như an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Có nghĩa là, giống và các sản phẩm của chúng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, cái tên “giống biến đổi gen” chắc chắn sẽ khiến nông dân lo lắng, hoài nghi. Nó mới lạ nên khó làm, giá giống cao, sản phẩm khó bán... nên trước khi đưa vào sử dụng, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi nên trao đổi với Bộ NN&PTNT về nguồn cung giống, đặc tính sinh học, quy trình kỹ thuật canh tác, năng suất thực tế, các yếu tố ảnh hưởng cũng như thời gian sản xuất thí điểm… để hỗ trợ nông dân, tránh những rủi ro không đáng có.

*Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường: “Sẽ xây dựng nhiều mô hình điểm để nông dân làm quen”.
Thực tế, ngoài một số khả năng đặc biệt như kháng sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, sâu đục thân cùng cái tên nghe rất…khoa học, thì bản chất giống biến đổi gen cũng tương tự giống lai mà lâu nay nông dân vẫn thường sử dụng. Tuy nhiên, để tránh “vết xe đổ” của bông vải biến đổi gen, Sở NN&PTNT sẽ chọn lọc những loại giống cây trồng nằm trong diện ưu tiên phát triển của tỉnh và phù hợp với nhu cầu thị trường như bắp, lúa…để xây dựng mô hình thí điểm. Đặc biệt, trên những diện tích chân cao thiếu nước hay vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, Sở sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp những giống bắp biến đổi gen có khả năng chịu hạn, chịu đất xấu để trồng thay thế.      

*Trưởng Phòng NN &PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Phải giúp người tiêu dùng hiểu, biết và yên tâm sử dụng sản phẩm của giống biến đổi gen”.
Trong khi nông dân quan tâm đến năng suất, hiệu quả sản xuất, thì người tiêu dùng lại chú ý đến chất lượng, độ an toàn sản phẩm. Vậy nên với giống biến đổi gen, chắc hẳn người tiêu dùng sẽ e ngại vì nghi vấn: Gen của giống bị biến đổi thì liệu chất lượng sản phẩm có thay đổi? Khi sử dụng, nó có thực sự an toàn? Với những thắc mắc này, ngành chuyên môn nên lưu tâm và có biện pháp làm an lòng người tiêu dùng. Bởi dù nông dân có nhiệt tình sản xuất và cho ra đời nhiều loại sản phẩm, nhưng nếu bị người tiêu dùng quay lưng thì xem như giống đó cũng thất bại, dù đó là giống tốt.  

*Ông Nguyễn Tiến Sơn, người trồng bắp ở thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành): “Nông dân vốn trước lạ sau quen”.
Trước giờ, tôi chỉ làm giống thuần, giống lai chứ chưa bao giờ biết đến giống biến đổi gen. Nhưng sau khi nghe giải thích, rồi lên mạng xem thì tôi thấy nó cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Nhưng điều khiến tôi lo lắng là trồng thì được, nhưng sản phẩm bán cho ai, bán ở đâu? Bởi hiện giờ, bạn hàng chỉ quen mua bắp lai thôi. Chẳng thế mà khi tôi vô tình nói về giống biến đổi gen, họ bảo tôi “dở hơi”, kiếm đâu ra cái giống… lạ hoắc, coi chừng trồng xong rồi... bỏ! Tôi thấy cũng lo. Tuy nhiên, nông dân hay thương lái gì cũng thế cả, ai nghe giống mới cũng sợ nên nếu được giải thích đầy đủ, họ sẵn sàng chấp nhận vì “trước lạ sau quen” mà.                                                                       

 

Bài, ảnh: Mỹ Hoa

 


.