Giám sát, phản biện xã hội: Cơ chế có nhưng... khó thực thi?

02:11, 08/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992. Đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013, chức năng này một lần nữa lại được nhấn mạnh. Cuối năm 2013, Bộ Chính trị (Khoá XI) đã ban hành Quyết định số 217 về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Quyết định này vừa nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ các cấp, vừa củng cố trách nhiệm của tổ chức này. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217, MTTQ các cấp còn rất nhiều việc phải bàn...

Phát huy “tai, mắt” của dân

Tháng 9.2014, công trình sửa chữa đập ngăn mặn Hiền Lương nối hai thôn Hiền Lương và Hàm Long, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi làm chủ đầu tư chính thức được khởi công. Đây là công trình đầu tiên ở xã Nghĩa Hà được đơn vị thi công mời Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) của xã trực tiếp tham gia giám sát công trình.

Công trình đập ngăn mặn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã.
Công trình đập ngăn mặn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã.


Bà Phạm Thị Bích Thiều - Trưởng Ban GSĐTCĐ cho biết: Nếu đơn vị thi công mời thì chúng tôi mới có cơ hội giám sát được chất lượng, tiến độ công trình. Còn không thì cũng không có cơ sở nào để làm chức năng này. Từ khi công trình được khởi công, các thành viên trong Ban luân phiên nhau giám sát tiến độ thi công cũng như việc sử dụng vật liệu xây dựng cho từng hạng mục công trình. Nhờ sự giám sát đó, công trình đã đảm bảo về mặt kỹ thuật, chất lượng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo đúng thời gian. TP.Quảng Ngãi là một trong những địa phương làm tốt công tác giám sát này. Trên địa bàn thành phố hiện có 23 ban thanh tra nhân dân của 23 phường, xã với 400 thành viên, trong đó có 190 người kiêm thành viên ban GSĐTCĐ. Hầu hết các ban giám sát đã xây dựng được quy chế hoạt động.

Còn nhiều bất cập

Là tổ chức tập hợp được rộng rãi ý kiến của nhân dân và các tổ chức thành viên, trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực với chính quyền cùng cấp vào các dự thảo, nghị quyết, kế hoạch, chương trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ các ý kiến, kiến nghị của MTTQ, chính quyền cùng cấp đã có các giải pháp kịp thời để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, vẫn có những nơi, việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác này. Trước hết là do hệ thống cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu. Các quy định về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ còn nằm rải rác ở rất nhiều văn bản. Luật MTTQ Việt Nam quy định: "MTTQ Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hoá nội dung này, Nghị định 50/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật MTTQ Việt Nam chưa quy định rõ về nội dung giám sát, phạm vi giám sát, các cơ chế, điều kiện đảm bảo hoạt động giám sát, nhất là việc xử lý các kiến nghị sau giám sát….

Trong 3 hình thức giám sát của MTTQ thì hình thức vận động nhân dân giám sát được quy định tương đối đầy đủ hơn trong một số văn bản pháp luật. Tuy nhiên, các quy định về vai trò giám sát của Mặt trận trong các văn bản này cũng còn hình thức, chưa cụ thể. Các điều kiện đảm bảo hoạt động, chế độ giám sát chưa rõ ràng, khó thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa đầy đủ, đúng đắn.

 Thời gian qua việc thảm nhựa một số tuyến đường ở TP. Quảng Ngãi có sự tham gia giám sát của Ban GSĐTCĐ.
Thời gian qua việc thảm nhựa một số tuyến đường ở TP. Quảng Ngãi có sự tham gia giám sát của Ban GSĐTCĐ.


Một nguyên nhân nữa làm hạn chế công tác giám sát, phản biện là đội ngũ cán bộ MTTQ còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Nhiều cán bộ trình độ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát và phản biện xã hội còn có mặt bất cập. Cá biệt ở một vài nơi, cán bộ yếu về năng lực lại được chuyển sang làm công tác mặt trận, đoàn thể; đồng thời chính sách, điều kiện làm việc của Mặt trận chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng, chính quyền với Mặt trận chưa chặt chẽ, thống nhất. Mặc dù ở các cấp đều có quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với HĐND, UBND nhưng việc thực hiện nhìn chung còn nhiều hạn chế và hình thức.

Củng cố niềm tin của dân với Đảng

Quyết định 217 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội” ra đời đã tạo cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây cũng là cách thức để MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, vị trí của mình trong xã hội và nhân dân.

Đồng thời, đây chính là điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính đúng đắn, sát thực tiễn cơ sở, hợp lòng dân và có tính khả thi. Bởi, hơn ai hết, người dân mong muốn hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ thật sự góp phần làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước sát hợp với đời sống xã hội; bộ máy và cán bộ trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao về năng lực cũng như phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, chống quan liêu, tham nhũng lãng phí… để ngày càng đáp ứng tốt hơn công cuộc đổi mới của đất nước, cũng như nâng cao vị thế của Mặt trận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

 

*Ông Nguyễn Kim Hiệu - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh:
MTTQ phải chủ động động viên được các chuyên gia giỏi về chuyên môn, quản lý, có kinh nghiệm thực tế tham gia các Hội đồng tư vấn của MTTQ. Bên cạnh đó cần có chế độ đãi ngộ thoả đáng, khuyến khích những người có tâm, có tầm vào làm việc. Vì muốn giám sát và phản biện xã hội có chất lượng và hiệu quả, chủ thể giám sát và phản biện phải mạnh, phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, các cấp uỷ đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội.  

*Chị Hà Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh đoàn:
Là một tổ chức thành viên của MTTQ, Tỉnh đoàn thấy rõ trách nhiệm trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Trên cơ sở Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện đồng thời yêu cầu Ban thường vụ các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm. Định kỳ hằng tháng phải báo cáo, tổng hợp  ý kiến các vấn đề thuộc phạm vi giám sát của đoàn gửi về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn. Vấn đề được chọn phản biện xã hội phải là vấn đề nổi cộm, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân như sản xuất, ô nhiễm môi trường, đất đai…Đặc biệt, Tỉnh đoàn đã giao cho 50 thành viên CLB Trí thức trẻ hỗ trợ pháp luật để tư vấn tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham vấn cho Tỉnh đoàn trong việc phản biện xã hội về các lĩnh vực chuyên môn.

*Ông Nguyễn Chí Tuyển- Trưởng Ban Dân chủ- pháp luật (Ủy ban MTTQVN tỉnh):  
Những năm qua hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước…Tuy vậy, đến nay, vẫn còn không ít lĩnh vực giám sát của MTTQ chưa được pháp luật cụ thể hóa thành cơ chế, năng lực giám sát phản biện còn yếu, hoạt động giám sát, phản biện còn gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, để làm tốt vai trò quan trọng này, không chỉ Mặt trận mà toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải nhận thức đầy đủ và tạo mọi điều kiện để việc giám sát và phản biện của MTTQ đi vào cuộc sống.

*Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Quảng Ngãi:
Để thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị đòi hỏi cán bộ làm công tác mặt trận phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, am hiểu và nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, ủy ban MTTQ các cấp cần chú trọng đưa nội dung này vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, nhất là ở cơ sở.

 

Bài, ảnh: T.Thuận
                                                            
 


.