Nhiều ưu đãi cho Lý Sơn sẽ triển khai trong giai đoạn 2015-2020

09:10, 03/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội thảo Quốc gia “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thông báo những ưu đãi mà Chính phủ đang xem xét về cơ chế, chính sách khi nhà đầu tư vào Lý Sơn. Và các chính sách đặc thù cho huyện đảo này sẽ được áp dụng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020.

TIN LIÊN QUAN

Đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn

 

“Phải xây dựng Lý Sơn thành biểu tượng quốc gia”


PGS, TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:  
Ở Việt Nam có rất nhiều nơi được hưởng ưu đãi với mức cao nhất nhưng vẫn chưa nơi nào bứt lên được. Đảo Lý Sơn là biểu tượng cho chủ quyền quốc gia và ý chí chinh phục biển của dân tộc, là pháo đài biển đảo của Tổ quốc, là điểm tựa vươn khơi của ngư dân Việt Nam. Nhưng trước giờ Lý Sơn tự phát triển một mình nên vẫn nghèo, vẫn khó. Do vậy, mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển Lý Sơn là phải quy hoạch thật tốt ngay từ đầu, theo hướng vượt tầm và phải có tính đột phá.

 Cần xây dựng một đội tàu đánh cá hiện đại, đủ mạnh để  khai thác tiềm năng kinh tế biển,  xây dựng nền nông nghiệp tinh xảo, đặc sản dựa trên công nghệ cao và định hướng sạch; một ngành du lịch sinh thái biển đảo đẳng cấp và kết nối tốt; một đô thị biển hiện đại; trung tâm hậu cần biển lớn và mạnh. Trong thu hút đầu tư thì phải chọn nhà đầu tư tốt nhất cho Lý Sơn, không nên chọn nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời Lý Sơn và đất liền phải có kết nối thật tốt.

Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước được khuyến khích đầu tư vào Lý Sơn theo nhiều hình thức khác nhau và được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất trong việc hưởng các chính sách về thuế, đất đai, vay vốn tín dụng (như đang áp dụng cho các KKT Nghi Sơn, Dung Quất, Chu Lai…). Thủ tướng cũng đã giao các bộ, ngành bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình trọng điểm cấp bách ở đảo Lý Sơn trình Quốc hội thông qua để sớm đầu tư, hoàn thành dự án đưa vào sử dụng. Cụ thể là các dự án Vũng neo đậu tàu thuyền (giai đoạn 2), cảng Bến Đình; đường cơ động Đông Nam đảo (giai đoạn 2), dự án cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện, đường cơ động xung quanh đảo Bé, kết hợp tuyến kè chống sạt lở bờ biển, Trung tâm thông tin nghề cá... Các dự án này triển khai trong trường hợp thiếu vốn sẽ được ứng vốn năm sau để xây dựng hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Quân - Dân y kết hợp tại đảo Lý Sơn với hệ thống trang thiết bị hiện đại; có trách nhiệm luân phiên y, bác sĩ giỏi các bệnh viện tuyến Trung ương về công tác hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ, chiến sĩ công tác tại huyện đảo. Đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn được hỗ trợ mức cao nhất trong đánh bắt thủy sản theo Nghị định 67. Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm việc trên huyện đảo Lý Sơn được hưởng mức lương phụ cấp 0,7…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những ý kiến của các nhà khoa học, nhà kinh tế tham gia tại Hội thảo có ý tưởng tốt và có tính khả thi sẽ được tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm tạo bước đột phá cho huyện đảo Lý Sơn trong thời gian tới.      

250 nhà khoa học, học giả, chuyên gia kinh tế tham gia Hội thảo. Hơn 20 tham luận được trình bày mà theo GS, TS Vương Đình Huệ-Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gợi mở nhiều vấn đề để có thể định hướng rõ hơn đối với việc ra những cơ chế, chính sách để phát triển Lý Sơn. Và trên hết đó đều là những ý kiến đầy tâm huyết đối với huyện đảo tiền tiêu này.

GS, TS Vương Đình Huệ-Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội nghị.                                                                                                  Ảnh: T.Nhị
GS, TS Vương Đình Huệ-Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội nghị. Ảnh: T.Nhị

 

*PGS, TS Vũ Thanh Ca-Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam): “Phát triển  bền vững du lịch biển đảo Lý Sơn”
Phát triển bền vững du lịch biển đảo Lý Sơn là một định hướng rất quan trọng trong phát triển KT-XH huyện đảo. Đây là một trong những hướng đi quan trọng nhất của huyện đảo Lý Sơn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chú trọng sản xuất hàng hóa sang dịch vụ. Bởi huyện đảo này có những tài nguyên du lịch đặc trưng như cảnh quan, lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng biệt có sức mạnh thu hút du khách.

Tuy nhiên, phát triển du lịch Lý Sơn phải bền vững, phù hợp với chiến lược quy hoạch, phát triển du lịch chung của tỉnh.  Điều quan trọng là cần khẩn trương triển khai khu bảo tồn biển Lý Sơn, đồng thời từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án phát triển Du lịch biển đảo Lý Sơn.

*Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Triển khai thành lập Quỹ đầu tư xây dựng Lý Sơn”
Phải hoàn thiện, bổ sung quy hoạch phát triển huyện đảo Lý Sơn phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Làm rõ vị trí chiến lược của Lý Sơn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó cần bổ sung các yêu cầu và nội dung về chiến lược biển. Hiện đại hóa nghề cá, phát triển đánh bắt xa bờ, dài ngày, có tàu chế biến và tiếp tế trên biển, tăng cường sự hiện diện của tàu cá Việt Nam trên các vùng biển cần bảo vệ.

Cùng với đó là, thành lập Quỹ đầu tư xây dựng Lý Sơn, huy động nguồn vốn đóng góp của toàn dân, trong nước và cả nước ngoài, từ các thành phần kinh tế và nhân dân để đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của Lý Sơn. Trong đầu tư, phát triển Lý Sơn cần xây dựng phương án đối phó với nước biển dâng, vị trí, cao trình các công trình xây dựng cần được tính toán phù hợp với dự báo nước biển dâng.

*Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong-Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT: “Nhanh chóng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”

Để nhanh chóng đưa Lý Sơn phát triển mạnh về KT-XH, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh cần có sự đầu tư đích đáng cho Lý Sơn, đặc biệt từ ngân sách nhà nước, kể cả Trung ương và địa phương, cho phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 phải nhanh chóng tiến hành lập quy hoạch phát triển giao thông cho huyện đảo cùng với các quy hoạch phát triển KT-XH, các quy hoạch chuyên ngành khác. Trọng tâm là nâng cao năng lực và chất lượng vận tải cho tuyến kết nối hiện tại từ TP.Quảng Ngãi đến Lý Sơn; đẩy nhanh việc xây dựng cảng Bến Đình để thúc đẩy phát triển du lịch; nâng cấp, mở rộng vũng neo đậu tàu thuyền; cơ cấu lại đội tàu vận tải theo hướng đa chủng loại để nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường bộ trên đảo và tăng cường khả năng kết nối với đảo Bé.

*GS, TS Lê Vinh Danh-Trường Đại học Tôn Đức Thắng: “Không nên tham vọng phát triển với quy mô lớn”
Diện tích Lý Sơn nhỏ, mật độ dân số đông, môi trường, sinh cảnh tuyệt đẹp nhưng rất mong manh, dễ phá hủy, nguồn nước ngọt hạn hẹp… Nên các dự định đầu tư cho Lý Sơn không nên tham vọng phát triển với số lượng và quy mô lớn để hy vọng tạo ra một Lý Sơn “vượt bậc”, tiên tiến.

Chúng ta nên giữ Lý Sơn vẫn là Lý Sơn để dành cho các thế hệ mai sau, không nên khai thác “cạn kiệt” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển trước mắt mà làm mất đi một Lý Sơn hồn hậu, tự nhiên giữa đất trời Quảng Ngãi. Muốn làm được điều đó thì địa phương phải mời được đơn vị tư vấn, quy hoạch có uy tín của thế giới để tiến hành khảo sát chi tiết và quy hoạch Lý Sơn. Các định hướng phát triển phải được quy hoạch và quản lý sao cho đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng bản địa. Và mấu chốt của vấn đề là dù cho đầu tư gì đi nữa, phát triển theo hướng nào đi nữa thì Lý Sơn cũng phải thu hút được nhà đầu tư chiến lược mới thu hút được vốn và khách hàng.           

                              

H.T (lược ghi)


                              
 


.