Cắt giảm Chương trình mục tiêu Quốc gia: Giảm phiền hà, tăng chủ động cho địa phương

03:08, 24/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 5.8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020. Nội dung Chỉ thị đề cập nhiều vấn đề, trong đó có  việc sẽ cắt giảm nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, để chuyển sang lồng ghép với các chương trình có cùng mục tiêu theo kế hoạch trung và dài hạn. Đây là một tin vui về đổi mới cơ chế đầu tư công cho các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi.

Theo Chỉ thị này, giai đoạn 2016 – 2020, cả nước sẽ chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia, giảm 14 chương trình mục tiêu quốc gia so với giai đoạn 2011 – 2015. Và trong từng ngành, lĩnh vực, nếu cần thiết, chỉ đề xuất phê duyệt thêm tối đa không quá hai chương trình  giai đoạn 2016 – 2020.

Bước đột phá về cải cách quản lý đầu tư công

Để đảm bảo tập trung nguồn vốn đầu tư công cho các chương trình thật sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc bố trí vốn tập trung, có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cắt giảm bớt chương trình mục tiêu quốc gia. Và hiện tại chỉ giữ lại hai chương trình là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

 

Thụ hưởng chính sách làm nhà 167 của Chương trình mục tiêu giảm nghèo, nhiều hộ dân tộc Hrê ở xã Ba Xa (Ba Tơ) đã làm được nhà mới chắc chắn, khang trang.
Thụ hưởng chính sách làm nhà 167 của Chương trình mục tiêu giảm nghèo, nhiều hộ dân tộc Hrê ở xã Ba Xa (Ba Tơ) đã làm được nhà mới chắc chắn, khang trang.


Thông tin trên đã làm cho các địa phương trong tỉnh, nhất là đơn vị, cá nhân thực thi nhiệm vụ quản lý đầu tư công rất phấn khởi. Theo nhận định của nhiều địa phương, khi Chính phủ thực hiện cắt giảm bớt chương trình mục tiêu quốc gia, để tập trung đầu tư công có trọng điểm là một bước cải cách lớn về đầu tư công. Bởi thực tế trong suốt nhiều năm qua, việc tồn tại quá nhiều chương trình mục tiêu, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công, gây phiền hà cho địa phương, đặc biệt là tình trạng “xin – cho”, “chạy vốn” xảy ra khá phổ biến. Địa phương vì phải lệ thuộc vào các chương trình mục tiêu được vạch ra từ Trung ương nên nhiều khi thụ động trong thực thi, chờ đợi, ỷ lại.

Thực tế, có nhiều chương trình mục tiêu đề ra tổng vốn đầu tư quá cao trong khi nguồn lực ngân sách có hạn. Vì thế có nhiều chương trình dù đã ấn định mức vốn đầu tư nhưng khi triển khai thực hiện vẫn phải cắt giảm 50%, thậm chí là 80 - 90% nguồn lực đầu tư so với nhu cầu. Ngay cả hai chương trình hiện giữ nguyên là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vẫn phải cắt giảm. Đơn cử như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nguồn vốn đầu tư của một số chương trình như Chương trình 30a đã phải cắt giảm vốn khá lớn so với đề án được duyệt. Tại Quảng Ngãi, theo chương trình được phê duyệt, mỗi năm toàn tỉnh được đầu tư giảm nghèo bền vững tới hàng ngàn tỷ đồng, song thực tế khoản vốn đầu tư 5 năm (2009 – 2014) chỉ khoảng 10%. Thiếu vốn, nhiều công trình sau khi khởi công lại bỏ dở, gây lãng phí, không mang lại hiệu quả.

Ngay cả trong nội tại chương trình giảm nghèo bền vững cũng có khá nhiều chính sách bất cập, cần thiết phải cắt giảm để chương trình không dàn trải, manh mún, chồng chéo. Hiện tại chương trình này có tới 16 chính sách, trong đó có chính sách chỉ 80.000 đồng/hộ/năm; chính sách dầu hỏa, hỗ trợ tiền điện cũng chỉ vài ba trăm ngàn mỗi năm. Trong khi các địa phương cho rằng, hỗ trợ đến cả dầu hỏa, tiền điện là không cần thiết, vô tình tạo nên tính trông chờ, ỷ lại, thụ động của người dân. Bởi vì thực tế khả năng của người nghèo vẫn có thể có tiền mua dầu hỏa thắp sáng, đóng tiền điện mỗi tháng.

Tại Quảng Ngãi, chính vì chính sách giảm nghèo quá dàn trải, nên nhiều hộ nghèo mặc dù hết nghèo vẫn không muốn ra khỏi diện chính sách. Hoặc cha mẹ hết nghèo thì lại tách khẩu đưa con cái vào sổ hộ khẩu của ông bà là hộ nghèo để hưởng chính sách ưu đãi. “Việc hỗ trợ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng phải tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, trừ trường hợp hộ nghèo bị tàn tật, đau ốm”,  ông Lê Văn Sáu - Phó Chủ tịch UB Mặt trận TQVN tỉnh ý kiến.

Quan tâm hiệu quả của đầu tư

Một thực tế là cùng một chương trình mục tiêu nhưng có quá nhiều Bộ, ngành phụ trách, dẫn đến ở địa phương phải có từng ấy sở, ngành theo dõi. Nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, phân bổ vốn đối với 16 chương trình mục tiêu đang tồn tại. Từ đó gây ra sự phức tạp, khó khăn cho địa phương vì phải đến quá nhiều “cửa” mỗi khi đến hạn phân bổ vốn. Việc quản lý, sử dụng nguồn lực của chương trình mục tiêu còn nhiều bất cập. Hầu hết vốn được phân cho tỉnh, tỉnh phân về huyện thì huyện đều chậm trễ phân khai thực hiện.

Đồng bào Hrê xã Sơn Ba (Sơn Hà) tận dụng cơ hội hỗ trợ của Nhà nước, tập trung trồng lúa nước, chăn nuôi trâu. vươn lên thoát nghèo.
Đồng bào Hrê xã Sơn Ba (Sơn Hà) tận dụng cơ hội hỗ trợ của Nhà nước, tập trung trồng lúa nước, chăn nuôi trâu. vươn lên thoát nghèo.


Chẳng hạn năm 2014, đến nay nhiều huyện nghèo trong tỉnh vẫn chưa phân khai các nguồn vốn 30a. Thậm chí khi mới bắt đầu thực hiện Chương trình 30a, Quảng Ngãi còn phân khai sai mục đích nguồn vốn hàng chục tỷ đồng; một số phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cho vay sai đối tượng, gây thắc mắc trong dân. Khi cắt giảm bớt chương trình mục tiêu, đồng thời yêu cầu các địa phương lập kế hoạch trung và dài hạn, những bất cập trên sẽ dần được khắc phục.

Đối với các chương trình mục tiêu không tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 cũng được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015, các địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng, không mở thêm các dự án đầu tư mới. Trường hợp một số dự án đầu tư dở dang do khách quan, chưa thể hoàn thành trong năm 2015, bố trí nguồn ngân sách tiếp tục đầu tư trong năm 2016 – 2020 để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả đầu tư. Chỉ đạo quyết liệt này của Chính phủ đã khẳng định, giai đoạn 2016 – 2020 khi thực hiện đầu tư công sẽ đặc biệt chú ý đến tính hiệu quả của dự án, không dàn trải như lâu nay.

*Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, có không ít chương trình, dự án hiệu quả thấp, do nguồn lực chưa đảm bảo, thủ tục quản lý, điều hành liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Chủ trương cắt giảm bớt chương trình mục tiêu không cần thiết để tăng nguồn lực, tập trung đầu tư, tránh dàn trải là đúng đắn, phù hợp với thực tế.

*Ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây:
Việc phê duyệt và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu thời gian qua đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội miền núi Sơn Tây. Những nảy sinh bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện dẫn đến điều chỉnh cắt giảm một số chương trình mục tiêu để đầu tư tập trung là đúng đắn. Điều quan trọng là công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng nguồn lực đã có thêm thuận lợi, để địa phương có thể đảm bảo cao nhất tính hiệu quả của việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

*Ông Dương Viết Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà:
Hiện tại có quá nhiều chương trình, chính sách ưu đãi đã dẫn đến tính trông chờ, ỷ lại trong nhân dân. Trong đó không ít chương trình có sự chồng chéo, trùng lắp. Vì vậy việc điều tiết lại chương trình để đảm bảo tính mục tiêu, nâng cao hiệu quả, giúp cho địa phương dễ quản lý, người dân dễ tiếp cận các chương trình mục tiêu là hoàn toàn phù hợp. Quá trình thực hiện, cái nào địa phương khó khăn cần kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

*Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc BQL dự án ĐT và XD (UBND huyện Lý Sơn).
Cắt giảm bớt chương trình mục tiêu, thực hiện chủ trương đầu tư trung và dài hạn là một bước cải cách lớn về cơ chế, hạn chế tình trạng nợ đọng, giúp địa phương chủ động vốn để thực hiện đầu tư và quản lý đầu tư công. Tuy việc chủ động lập kế hoạch đầu tư trung và dài hạn có vất vả cho địa phương nhưng là vất vả bước đầu, sau đó được chủ động quản lý, thực hiện. Dự án, chương trình nào nguồn lực ra sao, địa phương nắm được, chủ động triển khai sẽ đảm bảo hiệu quả, mục tiêu mà chương trình, dự án đã đề ra. 

   

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.