Khởi kiện, xét xử án hành chính: Còn lắm gian truân

01:11, 17/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, việc ra đời các Tòa hành chính đã giúp người dân có cơ hội khiếu kiện các cấp chính quyền khi ban hành quyết định hành chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc khởi kiện, xét xử các vụ án hành chính còn rất gian nan…

“Ngại” xử án hành chính

Cách đây hơn 5 năm, ông Trần Cửu- Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn dù không muốn nhưng cũng phải phát đơn khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Bình Sơn về việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với ông. “Lúc đầu, tôi kiến nghị với mong muốn huyện xem xét thu hồi lại quyết định, phục hồi quyền lợi cho tôi, nhưng huyện cho rằng quyết định đó là đúng nên tôi đành phải khởi kiện ra toà”, ông Cửu kể.

 

Ông Trần Xuân Quang (Tịnh Bình- Sơn Tịnh) cho rằng đất của gia đình nhưng UBND huyện lại cấp sổ đỏ cho ông Trần Công Cựng.                                                                                          Ảnh: BS
Ông Trần Xuân Quang (Tịnh Bình- Sơn Tịnh) cho rằng đất của gia đình nhưng UBND huyện lại cấp sổ đỏ cho ông Trần Công Cựng. Ảnh: BS


Qua thụ lý hồ sơ, TAND huyện Bình Sơn nhận thấy, quyết định xử lý của UBND huyện Bình Sơn có một số sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Cửu, nhưng sau nhiều lần hòa giải không thành, nên buộc phải đưa ra xét xử. Kết quả, TAND huyện Bình Sơn đã tuyên hủy quyết định của UBND huyện Bình Sơn về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trần Cửu... Để xét xử vụ kiện hành chính này, cán bộ, thẩm phán và thư ký phiên tòa “đầy tâm trạng”, nhưng với quyết tâm thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, bảo vệ lẽ phải, họ cũng vượt qua được rào cản tâm lý đó.

Bà Lê Thị Hồng Tâm -nguyên Chánh án TAND huyện Bình Sơn, chủ tọa phiên toà hôm đó, chia sẻ: Ngày đó, TAND huyện tổ chức hòa giải hai bên và gặp riêng lãnh đạo huyện phân tích rằng, bộ phận tham mưu cho UBND huyện chưa chặt chẽ, dẫn đến sai sót khi ra quyết định xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện vẫn giữ nguyên quan điểm. “Khi đưa vụ án ra xét xử, tôi biết rằng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của cán bộ huyện, nhưng vì công lý nên chúng tôi phải làm”, bà Tâm trần tình.

Hay như mới đây, ông Trần Xuân Quang, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) khởi kiện hành chính UBND huyện Sơn Tịnh ra TAND huyện về việc huyện xét cấp GCNQSDĐ theo Nghị định 64/CP không đúng đối tượng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Bởi lẽ, trước khi đưa ra xét xử, UBND xã Tịnh Bình đã thừa nhận việc lập hồ sơ trình huyện cấp sổ đỏ cho ông Trần Công Cựng thời điểm đó có nhiều sai sót... Thế nhưng, TAND huyện vẫn bác đơn khởi kiện của ông Quang; đồng thời khẳng định việc huyện cấp sổ đỏ cho ông Trần Công Cựng là đúng đối tượng. Kết quả đó khiến dư luận hoài nghi về tính công minh, sự công tâm của thẩm phán khi tuyên xử vụ án này. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Quang kháng cáo và được TAND tỉnh xem xét, tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu TAND huyện Sơn Tịnh xét xử lại...

Toà- dân đều gặp khó

Án hành chính là một trong những loại án phức tạp hiện nay, vì liên quan đến chế độ trách nhiệm của lãnh đạo các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan đơn vị. Đối với người khởi kiện, do sự hiểu biết về pháp luật có hạn nên khi lập hồ sơ khởi kiện không đầy đủ buộc toà phải trả hồ sơ bổ sung nhiều lần. Những người có điều kiện kinh tế thì thuê luật sư, nhưng bên cạnh những luật sư “có tâm và có tầm” thì cũng còn không ít người đặt nặng lợi ích đồng tiền nên “vẽ” cho người dân đủ đường, gây tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức. Đối với bị đơn (cơ quan nhà nước), sự phối hợp trong việc cung cấp hồ sơ còn hời hợt, có nơi thể hiện tinh thần trách nhiệm không cao, dẫn đến nhiều vụ án hành chính phải kéo dài quá thời gian quy định của luật. Một số cơ quan Nhà nước không làm tốt công tác quản lý hồ sơ nên khi có xảy một việc khiếu kiện hành chính thì phải đi sao lục hồ sơ nhiều nơi.

Đối với Toà án, do áp lực của tính chất án hành chính nên một số cán bộ toà được giao thụ lý vụ án chưa làm hết trách nhiệm trong việc yêu cầu bị đơn và nguyên đơn cung cấp hồ sơ, chứng cứ liên quan đến vụ kiện. Cá biệt, có cơ quan nhà nước hướng dẫn công dân khởi kiện ra toà hành chính, nhưng khi công dân gửi đơn đến toà thì cán bộ thụ lý cho rằng không thuộc trách nhiệm của toà. Điển hình trong số này là vụ ông Tạ Ngọc Minh (SN 1939) ở tổ 18, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.

Ông Minh cho biết, năm 2006, UBND TP. Quảng Ngãi ra quyết định 1134 thu hồi ruộng của ông để làm Cụm công nghiệp Thiên Bút, nhưng bồi thường không thoả đáng. Ông Minh đã làm đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền và được UBND thành phố xem xét giải quyết tại Quyết định số 3156 ngày 15.12.2012. Theo đó, UBND thành phố vẫn giữ nguyên nội dung Quyết định 1134 ngày 7.4.2006 và cho rằng, nếu ông Minh không đồng ý với quyết định giải quyết trên thì có quyền khởi kiện ra toà hành chính. Ông Minh chính thức có đơn khởi kiện tại TAND TP. Quảng Ngãi.

Sau nhiều lần bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của TAND thành phố ông Minh tưởng rằng vụ việc sẽ sớm được đưa ra xét xử, vì vụ việc kéo dài gần chục năm, nhưng đến tháng 6.2013, thì TAND thành phố có Thông báo số 49/2013 trả lại đơn kiện cho ông Minh. Thế là vụ việc đòi hỏi quyền lợi của ông Minh hiện nay tiếp tục treo và không biết cơ quan chức năng nào sẽ thụ lý để trả lời cho công dân.

Đối tượng tham gia tố tụng trong án hành chính đặc thù, một bên là công dân, một bên là cơ quan nhà nước. Do đó, thẩm phán phiên toà là người giữ cán cân công lý, nếu không công tâm, đủ bản lĩnh, năng lực chuyên môn thì khó có thể xử lý trôi chảy được. Một số vụ án hành chính kéo dài nhiều năm, huỷ án nhiều lần là một phần minh chứng cho mối quan hệ phức tạp giữa cơ quan công quyền và cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng lãnh đạo đương thời của các cấp chính quyền nhận thấy các quyết định hành chính của lãnh đạo thời kỳ trước là sai nhưng vì ngại va chạm, nên rất đắn đo khi phủ quyết quyết định đó. Tình trạng đó là một phần nguyên nhân dẽ dẫn đến phát sinh đơn khiếu nại, khởi kiện trong lĩnh vực hành chính.


Thực hiện: Nhóm PV Nội chính
 

Ông Phạm Trung Uy- Chánh án TAND tỉnh:
Muốn hủy quyết định của UBND các cấp đòi hỏi cán bộ thụ lý phải tổng hợp, rà soát chặt chẽ từng chứng cứ cụ thể, đúng pháp luật. Việc áp dụng Điều 32a của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, khi giải quyết vụ án dân sự tòa án có quyền hủy quyết định hành chính chứ không cần khởi kiện theo hành chính. Sau hơn 1 năm áp dụng quy định này, tòa án đã hủy rất nhiều quyết định cấp giấy CNQSDĐ của các huyện, thành phố, việc xét xử cũng được thực hiện nhanh hơn. Người dân không cần phải kiện quyết định hành chính rồi mới quay lại kiện vụ án dân sự như trước đây.

Ông Lữ Ngọc Bình- Chánh Thanh tra tỉnh:
Việc cung cấp thông tin là quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn và bị đơn. Trường hợp UBND tỉnh bị khởi kiện thì Thanh tra tỉnh có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, giải trình, thẩm tra, xác minh hồ sơ vụ việc khi UBND tỉnh giao. Từ trước đến nay, số vụ việc kiện về quyết định của UBND tỉnh là rất ít. Bởi lẽ, quyết định của UBND tỉnh mà giữ nguyên nội dung, chỉ thay đổi thể thức thì trách nhiệm vẫn thuộc về UBND huyện. UBND tỉnh vốn rất nghiêm túc trong việc cung cấp hồ sơ khi bị khởi kiện, không có tình trạng gây áp lực cho các bên.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Loan - Phó Chánh án TAND huyện Bình Sơn:
Khi xét xử án hành chính thẩm phán phải giữ vững bản lĩnh, lập trường của mình. Luật cho thẩm phán quyền chủ động thì phải tận dụng và cần có kỹ năng giao tiếp hợp lý với các bên đương sự. Khi giải quyết án hành chính, thẩm phán nên tổ chức cho nguyên đơn và bị đơn đối thoại với nhau về nội dung vụ án. Đây là phương án tốt, vừa đảm bảo quyền lợi các bên, tạo không khí hòa thuận, thu hẹp phạm vi tranh chấp, làm dịu đi những mâu thuẫn. Bởi, có thể qua đối thoại người dân sẽ rút đơn khởi kiện, hoặc cơ quan nhà nước sẽ thu hồi quyết định.

*Anh Nguyễn Văn Thắng, tổ 4, phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi:
 Đã 8 năm qua anh cùng mẹ là Nguyễn Thị Tý phát đơn khởi kiện quyết định cấp Giấy CNQSDĐ của UBND thị xã (nay là UBND TP. Quảng Ngãi) cho gia đình anh không đủ diện tích kê khai. Vụ án đã được TAND thành phố thụ lý và đưa ra xét xử sơ thẩm 2 lần, TAND tỉnh xét xử 1 lần nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Việc thụ lý của toà cấp sơ thẩm đã kéo dài quá thời gian quy định của luật, gây tâm lý bức xúc cho gia đình. Hiện nay, vụ việc gia đình tôi đang kháng cáo lên TAND tỉnh với hy vọng sớm được đưa ra xét xử để gia đình có điều kiện tập trung làm ăn, chứ kiểu theo hầu kiện như mấy năm qua thì khổ lắm.
 

 

 


.