Trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân

08:10, 30/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong điều kiện đặc thù của nghề biển và những xung đột trên Biển Đông gần đây thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho  ngư dân đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, để mỗi ngư dân thực sự làm chủ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đưa Luật biển đến với ngư dân

Có thể nói, trong những năm qua, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các văn bản pháp luật về biển, đảo Việt Nam đến với ngư dân trong tỉnh như: Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biên giới Quốc gia, Luật Thủy sản và các văn bản liên quan khác…

 

Cán bộ vùng cảnh sát biển 2 phát  tờ rơi tuyên truyền biển, đảo cho ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).
Cán bộ vùng cảnh sát biển 2 phát tờ rơi tuyên truyền biển, đảo cho ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).


Hình thức tổ chức cũng phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo ngư dân tham gia, như: Tổ chức các buổi tuyên truyền cho ngư dân các xã bãi ngang ven biển, thành lập các CLB pháp luật, CLB Trợ giúp pháp lý, phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan truyền thông trong tỉnh tổ chức tọa đàm pháp luật về biển, đảo cho ngư dân; tuyên truyền, tư vấn pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của ngư dân khi đánh bắt trên biển. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tổ chức biên soạn, cấp phát hàng nghìn cuốn sổ tay, tờ gấp pháp luật cho bà con ngư dân, phát hành các bản tin chuyên đề về biển đảo…

Ngày 1.1.2013, Luật Biển Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Đây là bộ luật có tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị rất lớn. Do đó, ngay từ khi ra đời, Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Nghiệp đoàn nghề cá… đã có nhiều biện pháp tổ chức đưa Luật Biển đến với ngư dân. Trong điều kiện ngư dân thường xuyên ở trên biển nên các nghiệp đoàn nghề cá đã cấp phát các văn bản luật lên tàu cho ngư dân tìm hiểu.

Bộ đội Biên phòng thì ngoài tổ chức tuyên truyền cho ngư dân thông qua công tác vận động quần chúng ở nơi đóng quân, còn tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân những lúc họ vào bờ. Thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã đến nhiều địa phương ven biển trong tỉnh để giới thiệu cho ngư dân về nhiệm vụ và vai trò của lực lượng này. Ngoài việc nói chuyện trực tiếp, đơn vị còn cấp phát hàng ngàn tờ rơi đến tận chủ tàu cá và ngư dân. Qua đó, ngư dân yên tâm ra biển làm ăn. Khi gặp sự cố trên biển, họ có nhiều địa chỉ tin cậy để được giúp đỡ kịp thời, hạn chế những thiệt hại do rủi ro.

Để ngư dân làm chủ trên biển

Những năm gần đây, hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài đe dọa, truy đuổi và lấy tài sản trái phép khi họ đang đánh bắt hợp pháp trong vùng biển Việt Nam, đã gây thiệt hại nặng nề. Qua đó cho thấy, việc khai thác, đánh bắt trên biển ngoài những rủi ro do thiên tai còn có cả nhân tai, gây tâm lý hoang mang cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân cho biết, với kinh nghiệm đi biển lâu năm, họ có thể biết vùng biển nào có loại cá gì, nhưng việc xác định các vùng biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam thì họ chưa nắm rõ.

Việc tuân thủ các quy định về tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng biển Việt Nam cũng rất mơ hồ. Thậm chí, nhiều ngư dân không biết được được vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và được tuyên truyền về các quy đinh pháp luật về biển, đảo, hiểu được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của các lực lượng chấp pháp trên biển thì ngư dân yên tâm, bám biển làm ăn đúng quy định.

Tỉnh ta có hàng ngàn tàu cá và hàng vạn lao động thường xuyên hoạt động trên các vùng biển cả nước. Việc tuyên truyền, phổ biến các bộ luật, văn bản liên quan đến hoạt động nghề cá trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta… đến với ngư dân đã góp phần giúp ngư dân từng bước nắm rõ và thực thi các quy định của pháp luật. Qua đó tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

 Cùng với việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì ngư dân cũng cần được trang bị các kiến thức về nguyên tắc phát triển kinh tế biển; các ngành kinh tế biển; xây dựng và phát triển kinh tế biển; khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển… Để ngư dân thực thi tốt các chủ trương này thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân cần được tổ chức thường xuyên, có hiệu quả trong thời gian đến.

*Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2
Lâu nay, hầu như các sự cố xảy ra ngoài biển thì ngư dân chỉ có thể liên lạc với Bộ đội Biên phòng, gần đây là các Nghiệp đoàn nghề cá. Trong khi đó, còn một lực lượng chấp pháp trên biển có nhiệm vụ bảo vệ và giúp đỡ ngư dân trên biển đó là Cảnh sát biển Việt Nam, nhưng nhiều ngư dân chưa nắm rõ nhiệm vụ của lực lượng quan trọng này. Do đó, việc giới thiệu nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và tuyên truyền các văn bản pháp luật về biển, đảo cho ngư dân được chúng tôi xác định là nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình hiện nay. Qua tuyên truyền, bà con ngư dân Quảng Ngãi ngày càng tin tưởng và xem chúng tôi là chỗ dựa vững chắc cho mỗi chuyến ra khơi.

*Ông Phan Hiển – Chủ tịch Hội nghề cá Phổ Thạnh (Đức Phổ)
Hội Nghề cá Phổ Thạnh có đến gần 1.000 tàu cá và hàng ngàn lao động đánh bắt trên khắp vùng biển của cả nước. Lâu nay, họ chỉ đánh bắt theo kinh nghiệm, còn các quy định của Nhà nước thì phần lớn chưa nắm rõ. Có khi, nhiều tàu cá vi phạm quy định của Nhà nước khi đánh bắt ngoài biển nhưng không biết. Do đó, để bà con thực thi đúng pháp luật khi hành nghề trên biển, chúng ta cần đẩy mạnh việc phổ biến những quy định liên quan để ngư dân yên tâm hơn khi làm ăn, phát triển kinh tế biển

*Luật gia Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp)
Việc nắm vững các quy định của pháp luật về biển, đảo là hết sức cần thiết đối với bà con ngư dân. Nó không chỉ mang lại hiệu quả cao hơn mà còn đảm bảo an toàn hơn khi khai thác, đánh bắt trên biển. Khi nắm vững hệ thống pháp luật về biển, đảo, bà con có những cơ sở pháp lý để đấu tranh chống lại những âm mưu lấn chiếm, các luận điệu xuyên tạc về biển đảo. Khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự cứu giúp thì ngư dân biết cách xử lý, như việc phát tín hiệu cấp cứu và liên hệ kịp thời với nhà chức trách của quốc gia có biển gần nhất, thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam và các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Ngoài ra, bà con ngư dân sẽ ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái biển, không vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt hải sản, tránh sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để đánh bắt… Qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng như việc phát triển bền vững kinh tế biển.

*Ngư dân Phan Xin, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ)
Việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật về biển đảo quốc gia cho ngư dân chúng tôi là rất cần thiết. Bởi lẽ, đi biển cũng như điều khiển xe trên đường bộ mà không nắm luật thì sẽ gây tai nạn cho người khác hoặc bị người khác gây tai nạn. Mặt khác, nếu không nắm luật, làm ăn theo kinh nghiệm, thói quen lâu nay thì dễ rơi vào vòng làm ăn phi pháp. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết của ngư dân có hạn và thường xuyên ở trên biển nên các ngành chức năng cần thay đồi cách tuyên truyền luật sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.


Bài, ảnh: Xuân Thiên

 


.