Gỡ khó cho khu kinh tế, khu công nghiệp

04:10, 22/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) trên địa bàn cả nước trong đó có Quảng Ngãi, có xu hướng giảm. Nguyên nhân một phần do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng quan trọng nhất vẫn là do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chồng chéo làm cho việc thu hút nhà đầu tư vào các KKT, KCN hạn chế.

Bất cập mô hình quản lý

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2013, các KKT, KCN của cả nước đã thu hút hơn 9.035 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 30.328 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tính chung đến hết tháng 8.2013, các KKT, KCN trên cả nước đã thu hút 4.911 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 105.815 triệu USD. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay, nhưng chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KKT, KCN đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2012. Chẳng hạn, tổng doanh thu đạt hơn 42.909 triệu USD, tăng 16%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25.283 triệu USD, tăng 42%; nộp ngân sách nhà nước hơn 32.689 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2012; đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động.

 

Sản phẩm của Công ty TNHH Doosan Vina (KKT Dung Quất) xuất khẩu sang Ả rập Xê út.
Sản phẩm của Công ty TNHH Doosan Vina (KKT Dung Quất) xuất khẩu sang Ả rập Xê út.


Dù vậy, tại Hội nghị giao ban các Ban quản lý (BQL) KKT, KCN các tỉnh, thành phía Nam lần thứ 19 được tổ chức tại Quảng Ngãi cuối tháng 9 vừa qua, các nhà quản lý vẫn tỏ ra lo lắng. Bởi thời gian gần đây, thu hút đầu tư vào các KKT, KCN ngày càng sụt giảm. Trong đó có nguyên nhân là do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, tốn kém và chồng chéo làm cho các nhà đầu tư không mặn mà đến việc đầu tư vào các KKT, KCN của Việt Nam, mà chuyển dòng vốn sang các quốc gia lân cận.

Ông Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Chỉ riêng những trường hợp vướng mắc pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến đầu tư nước ngoài thì Luật Đầu tư có 38 vấn đề, Luật Doanh nghiệp có 35 vấn đề thuộc các lĩnh vực quy hoạch, khoáng sản, xây dựng, đất đai, môi trường, đào tạo, dạy nghề, tài chính, ngân hàng, thuế...  Việc rà soát theo 4 tiêu chí: Hợp lý, minh bạch, khả thi, thống nhất đối với 16 luật và 200 văn bản pháp quy dưới luật, cho thấy trong 683 quy định được phát hiện có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi. Do đó, để các KKT, KCN hoạt động hiệu quả hơn thì các cấp, ngành cần nhanh chóng điều chỉnh hàng loạt quy định cho phù hợp với thực tế.

Từ những bất cập về cơ chế quản lý các KKT, KCN, các nhà quản lý thống nhất kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ trước mắt sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP nhằm thống nhất mô hình quản lý nhà nước đối với KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”. Việc này nhằm phát huy vai trò, nhiệm vụ “một cửa, một đầu mối” của BQL trong quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; tránh tình trạng hiện nay BQL đang thực hiện cơ chế “xin- cho” để được xem xét ủy quyền quản lý.

Chưa có ngành công nghiệp phụ trợ

Theo các chuyên gia kinh tế, cần phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ theo hướng hiện đại, nhằm mục tiêu tạo ra “chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu”; đồng thời để ngành công nghiệp nước ta thoát khỏi “kiếp gia công” với hàm lượng giá trị gia tăng thấp, manh mún, chia cắt trong cả sản xuất, cung ứng, phân phối. Tại Quảng Ngãi, ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Do đó, hầu hết các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều phải nhập từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.

Hiện nay, nhu cầu sản phẩm công nghiệp phụ trợ tại Quảng Ngãi rất lớn, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cần Axit Sunfuric, xút và trên 50 phụ gia khác; Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP cần hóa chất, phụ gia; nhiều nhà máy chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu ngoài nhu cầu nguyên liệu gỗ rất cần những sản phẩm khác như keo dán, ốc, vít, đinh, linh kiện bằng kim loại, sơn vecni...; Công ty TNHH Doosan Vina cần thép các loại, sản phẩm đúc, mạ, gò, que hàn, sơn và các sản phẩm chi tiết khác...

Ông Nguyễn Đức Hoài - Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Về chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sau hóa dầu phục vụ các dự án quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam nói chung và KKT Dung Quất nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/2011/QĐ-TTg về danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có thông tư hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành cơ khí chế tạo, điện tử- tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may... Tuy nhiên, do tính đặc thù và tình hình hoạt động của các nhà máy trên địa bàn Quảng Ngãi, nên đến nay ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa được hình thành. Trong khi đó, 2 dự án công nghiệp hỗ trợ của nhà đầu tư Hàn Quốc đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đất và hoàn thành san lấp mặt bằng nhưng xin giãn tiến độ đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để có được ngành công nghiệp phụ trợ hoạt động hiệu quả, vấn đề căn bản nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực phải không ngừng nâng cao, cùng việc tạo cơ chế để thu hút, đào tạo những kỹ sư, công nhân bậc cao có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về vận hành công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ.

Ông Lê Tuyển Cử - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT): “Xây dựng quy trình về quy hoạch KKT”.
Từ trước đến nay, quy hoạch tổng thể phát triển các KKT vẫn còn mang dáng dấp của một bản tổng hợp đầy nể nang các đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Một số KKT trong cùng một vùng kinh tế được định hướng phát triển tương tự như nhau, thiếu bản sắc, không khai thác được đặc thù riêng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, dẫn đến sự cạnh tranh hạn chế lẫn nhau giữa các KKT, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của từng KKT nói riêng và của các KKT trong vùng nói chung. Thực tiễn trên cho thấy, cần phải sớm xây dựng một quy trình chặt chẽ, khoa học về quy hoạch KKT, quy định chế tài nghiêm khắc để ràng buộc việc tuân thủ quy hoạch.

Ông Lê Văn Dũng- Phó trưởng BQL KKT Dung Quất: “Chuyển từ cơ chế ủy quyền sang cơ chế phân quyền cho BQL KKT”.
Do không đồng bộ, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật về KKT nên việc thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT của BQL KKT hiện nay gặp nhiều vướng mắc, khó triển khai trên thực tế. Cụ thể trong một số lĩnh vực như: Quản lý lao động, môi trường, thương mại, xây dựng, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính... Trước mắt, các Bộ, ngành cần thực hiện sớm việc ủy quyền, hướng dẫn cho BQL KKT để có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách thuận lợi hơn. Trong quá trình rà soát cơ chế, chính sách áp dụng cho KKT cần xử lý điều chỉnh các quy định chưa thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của BQL KKT trong hệ thống pháp luật về KKT. Cần sớm chuyển từ cơ chế uỷ quyền của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cho BQL KKT bằng cơ chế phân quyền, giao nhiệm vụ trực tiếp cho BQL KKT.

Ông Đặng Quang Việt- Phó trưởng BQL các KCN tỉnh Bình Dương: “Đề cao tính liên kết trong phát triển các KKT, KCN”.
Trong quá trình phát triển các vùng kinh tế nổi lên nhiều vấn đề bất cập do thiếu một quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ cho cả vùng, thiếu cơ chế phối hợp phát triển giữa các địa phương trong vùng. Điều đó dẫn tới việc chưa tạo được sự liên kết toàn vùng trong thu hút đầu tư phát triển KKT, KCN. Do không có sự liên kết trong quy hoạch, không có sự phối hợp để phân bổ quy hoạch ngành nghề thu hút đầu tư vào KKT dẫn đến các KKT của các địa phương trong vùng đều na ná giống nhau, làm giảm sức hút của từng KKT, ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KKT theo hướng bảo đảm tính liên kết vùng trong phát triển.

Ông Lê Hồng Hà- Phó trưởng BQL các KCN tỉnh: “Đảm bảo điều kiện sống và làm việc của công nhân trong các KKT, KCN”.
Hiện tại, một số chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN, KKT còn bất cập, chậm được triển khai trên thực tế. Điều kiện lao động cũng như đời sống vật chất và tinh thần của công nhân KCN, KKT còn rất nhiều khó khăn.

Cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến cải thiện chế độ lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của công nhân KCN, KKT, bao gồm: Các chính sách về nhà ở, về tiền lương và thu nhập, về quan hệ lao động, về y tế và chăm sóc sức khỏe, về giáo dục đào tạo, về văn hóa thể thao, về cư trú. Trước mắt, cần ưu tiên tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện chính sách tiền lương và thu nhập, các giải pháp nhằm cải thiện quan hệ lao động, các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện nhà ở...

 


Bài, ảnh: N.TRIỀU
 


.