Phát triển thị trường xăng E5: Thời gian cận kề, bộn bề nỗi lo

10:08, 03/08/2013
.

(QNg)-  Quảng Ngãi phấn đấu đến ngày 1/6/2014 sẽ sử dụng xăng E5 rộng rãi trên địa bàn tỉnh, trước 6 tháng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù thời gian không còn dài, nhưng để thực hiện theo đúng lộ trình thì quả còn bộn bề nỗi lo.  Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi là 1 trong 7 tỉnh, thành (gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ sử dụng xăng E5 từ ngày 1/12/2014, sau đó sẽ mở rộng ra toàn quốc vào ngày 1/12/2015. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai lại khá chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tập trung tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN

Nguyên liệu bấp bênh

Dù đã lên kế hoạch gần 3 năm qua nhưng phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi triển khai khá chậm. Theo quy hoạch, diện tích trồng mì của Quảng Ngãi đến năm 2020 gần 16.700 ha để cung cấp nguyên liệu ổn định, bền vững cho Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học (NLSH) dầu khí miền Trung (BSR-BF). Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 6/2013 quy hoạch phát triển vùng mì nguyên liệu bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi cho Nhà máy NLSH Dung Quất giai đoạn 2011-2020 mới được… công bố.

 

Nhà máy NLSH Bio-Ethanol Dung Quất đang được BSR-BF phấn đấu sớm đưa vào vận hành thương mại.
Nhà máy NLSH Bio-Ethanol Dung Quất đang được BSR-BF phấn đấu sớm đưa vào vận hành thương mại.


Theo lý giải của chủ đầu tư, do dự án đầu tư vùng nguyên liệu có quy mô lớn, công tác tổ chức quản lý rất phức tạp nên trong thời gian qua, BSR-BF phải rà soát kỹ lưỡng cách thức đầu tư để đảm bảo tính khả thi cao nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Công ty. Vì thế, phải đến mùa vụ 2013-2014, BSR-BF mới tiến hành phân kỳ đầu tư thí điểm giai đoạn 1 tại huyện Bình Sơn, sau đó mới tổng kết rút kinh nghiệm trước khi tiến hành các giai đoạn tiếp theo của toàn bộ dự án.  

Do chưa bắt đầu triển khai thí điểm đầu tư dự án vùng nguyên liệu nên việc thực thi các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho người trồng mì nguyên liệu vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, để phát triển vùng nguyên liệu mì, cần nghiên cứu giống mới và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân, đi cùng với đó là cơ chế cấp vốn tín dụng ưu đãi cho bà con nông dân trồng mì, để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển thị trường. Mặc dù vậy, các cơ chế này chưa được xây dựng sớm nhằm tạo sự gắn kết lâu dài, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người thu mua và nông dân để nông dân yên tâm đầu tư trồng trọt.

 

 Mì  là nguyên liệu quan trọng để sản xuất xăng nguyên liệu sinh học.                                                                       Ảnh: P.V
Mì là nguyên liệu quan trọng để sản xuất xăng nguyên liệu sinh học. Ảnh: P.V


Không những thế, công nghệ chế biến và nguyên liệu phục vụ nhà máy hiện đang có những bất cập. Việc sử dụng mì tươi thu mua từ vùng nguyên liệu của tỉnh vẫn chưa có phương án cụ thể (phơi, sấy hay tinh bột ướt…). Nhà máy NLSH Dung Quất thiết kế chỉ sử dụng mì lát khô trong khi thu hoạch mì ở Quảng Ngãi lại vào mùa mưa, người nông dân chỉ có thói quen thu hoạch và bán mì tươi, chứ chưa có điều kiện để sản xuất mì lát. Đây là trở ngại rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu mua nguyên liệu tại vùng quy hoạch.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo BSR-BF cam kết “trong thời gian tới sẽ xây dựng 11 trạm thu mua, sơ chế tại 5 huyện đồng bằng và 6 huyện miền núi để thu mua mì cho người dân, đồng thời cải tiến, bổ sung công nghệ để có thể chế biến được mì tươi”.

Những nỗi lo khác

Theo kế hoạch, lẽ ra Nhà máy NLSH Dung Quất đã hoàn thành và đưa vào vận hành sản xuất xăng NLSH từ năm 2011. Tuy nhiên, do “phát sinh một số lỗi kỹ thuật trong quá trình chạy thử nên dự án chậm hoàn thành và đưa và vận hành thương mại so với kế hoạch tiến độ đề ra”. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phối trộn để cung ứng xăng E5 ra thị trường. Theo ông Đặng Vĩnh Nghi-Chủ tịch HĐTV BSR-BF thì hiện nhà máy đang chạy thử nghiệm và trong quý 3 này mới chạy chính thức.

 

 Hiện xăng E5 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có các đơn vị của PVN cung cấp nên rất ít người tiêu dùng sử dụng.
Hiện xăng E5 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có các đơn vị của PVN cung cấp nên rất ít người tiêu dùng sử dụng.


Song điều đáng lo hơn cả là các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng chưa mấy mặn mà với xăng NLSH. Ngoại trừ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa tích cực đầu tư phát triển mạng lưới phân phối khiến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối không đạt như kỳ vọng. Từ thời điểm bắt đầu triển khai xăng sinh học (1/8/2010),  Quảng Ngãi đã đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối xăng sinh học E5, tuy nhiên cho đến nay mới có 29/181 cửa hàng xăng dầu trong toàn tỉnh tham gia phân phối xăng sinh học E5. Thực tế, mới có 3/10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia bán xăng E5 là PV Oil, Petec (2 đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và SaigonPetro nhưng với quy mô nhỏ, còn Petrolimex, đơn vị có thị phần lớn nhất thị trường trong nước thì vẫn chưa rục rịch đầu tư cho xăng NLSH.

Theo các nhà kinh tế, các doanh nghiệp chưa mặn mà cũng bởi hiện nay các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh NLSH vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH... Đồng thời, phí môi trường cho xăng E5 chưa được miễn (chỉ miễn cho phần ethanol và không miễn đối với phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5). Trong khi đó, theo Nghị định 84 thì công tác tiêu thụ lại phát sinh vướng mắc pháp lý hợp đồng cung ứng xăng sinh học E5 giữa các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và các tổng đại lý, đại lý.

Trong khi các doanh nghiệp không mấy mặn mà thì công tác quảng bá, tuyên truyền sử dụng xăng sinh học chưa đáp ứng yêu cầu thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng khiến cho họ còn thờ ơ với loại nhiên liệu mới này.

Khó, nhưng vẫn thực hiện trước lộ trình

 Dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường xăng E5 song tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang tăng cường phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đến ngày 1/6/2014 Quảng Ngãi sẽ triển khai sử dụng rộng rãi xăng E5, sớm hơn lộ trình của Chính phủ 6 tháng,

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và PVN mới đây, hai bên cũng thống nhất kiến nghị với Chính phủ xem xét, ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển vùng sắn nguyên liệu phục vụ sản xuất NLSH gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn; kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng mô hình điểm thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 tại Quảng Ngãi để thay thế một phần, tiến đến thay thế hoàn toàn xăng truyền thống vào tháng 6/2014.

 

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô: Công tác quảng bá, tuyên truyền sử dụng xăng sinh học chưa đáp ứng yêu cầu thông tin đến người  tiêu dùng. Cần tăng cường quảng bá, truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng. Đồng thời cần làm rõ lợi ích giữa doanh nghiệp với người trồng mì thông qua các cam kết đầu tư, bảo hiểm về sản phẩm, về giá cho người trồng mì. Phấn đấu đến 1/6/2014 Quảng Ngãi sẽ triển khai sử dụng rộng rãi xăng E5.


*Ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công thương: Theo Nghị định 84 thì, trong công tác tiêu thụ phát sinh vướng mắc pháp lý hợp đồng cung ứng xăng sinh học E5 giữa các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và các tổng đại lý, đại lý. Do đó, cần làm việc với Bộ Công thương để tháo gỡ vấn đề này. Ngoài ra, chúng ta nên tập trung phát triển hệ thống phân phối, mời cho được Petrolimex vào tham gia, đồng thời có chính sách hoa hồng cho đại lý mới phát triển được thị trường xăng E5.

*Ông Đặng Vĩnh Nghi-Chủ tịch HĐTV BSR-BF: Cuối năm 2011, BSR-BF đã lập dự án đầu tư vùng nguyên liệu nhưng mô hình tổ chức quản lý như thế nào còn vướng mắc bởi vốn lớn, lại tác động đến hàng chục nghìn nông dân. Chúng tôi đang nghiên cứu phương án hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, rồi tổ chức thu mua…làm sao để gắn lợi ích của người trồng mì với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BSR-BF sớm đưa nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vào vận hành ổn định, để đảm bảo cung ứng xăng E5 cho thị trường.

*Phó phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Lê Đăng Khoa: Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển vùng nguyên liệu mì phục vụ cho chế biến xăng NLSH ở huyện Bình Sơn nhưng cái chính là nhà đầu tư chưa có giải pháp hỗ trợ cho người trồng mì. BSR-BF cần xây dựng và ban hành chính sách đầu tư và thu mua mì, có chính sách bảo hiểm cho cây mì, thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Bình Sơn là vùng nguyên liệu mía và mì của tỉnh, nếu BSR-BF không sớm triển khai đầu tư cho người trồng mì thì việc phát triển vùng nguyên liệu mì sẽ bị ảnh hưởng.

*Anh Phan Văn Lâm, chạy xe ôm ở tổ 12, phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi), chúng tôi hành nghề xe ôm đã nhiều năm, lâu nay chỉ dùng xăng A92, chứ xăng E5 hay xăng sinh học gì thì chưa nghe, chưa thấy tuyên truyền, quảng bá, cũng chưa biết khi nào bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng. Nhưng tôi nghĩ, nếu triển khai thì phải làm sao cho tiện lợi, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

 


Hoàng Triều

 


.